TPHCM:

Để “tổ ấm” không biến thành “tổ lạnh”

Trên những công sở sáng đèn xuyên đêm của thành phố, 11 giờ đêm, ta thấy những người làm việc muộn tất tả bắt taxi về nhà. Sau bước chân của người bố, mẹ bận rộn và mệt nhọc ấy là hình ảnh của những đứa trẻ đang loay hoay với các món đồ chơi một mình…

TV, iPad trở thành “bảo mẫu”

Ở nhịp sống hiện đại, hình ảnh những đứa bé như trên đang ngày càng trở nên phổ biến. Áp lực công việc và cuộc sống khiến nhiều bậc phụ huynh dù ý thức được sự cần thiết của việc dành thời gian cho con trẻ, vẫn không thể thu xếp ít nhất 20 phút tâm tình cùng con mỗi ngày, khiến điện thoại, TV, iPad… trở thành “bảo mẫu” của trẻ một cách bất đắc dĩ. Theo một điều tra về gia đình Việt Nam được thực hiện bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổng cục thống kê, Viện nghiên cứu gia đình của Australia và Viện Nghiên cứu gia đình và thế giới với sự hỗ trợ của UNICEF, có tới 20% các ông bố và 7% bà mẹ Việt không dành đủ thời gian chăm sóc, dạy dỗ con cái.

iPad đã trở thành “bảo
mẫu” của nhiều đứa trẻ cô đơn (hình chỉ mang tính chất minh họa)

iPad đã trở thành “bảo mẫu” của nhiều đứa trẻ cô đơn (hình chỉ mang tính chất minh họa)

Theo PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, sự phát triển về tâm hồn, thể chất và các kỹ năng giao tiếp xã hội của trẻ em chịu ảnh hưởng rất lớn vào lượng thời gian cha mẹ dành cho cũng như mức độ gắn kết của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, có một thực tế đáng suy ngẫm là cuộc sống càng hiện đại bao nhiêu thì tính bền vững của gia đình và sự gắn bó của các thành viên càng có chiều hướng lỏng lẻo hơn.

Ngày nay, ở nhiều gia đình hiện đại, bữa cơm sum họp quý giá dường như đang ngày càng vắng bóng. Khi thời gian dành cho nhau ngày càng ít đi, việc tìm được tiếng nói chung giữa các thành viên trong gia đình sẽ ngày càng khó khăn hơn. Khoảng cách giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái ngày càng rộng hơn. Theo số liệu của Tổng Điều tra Dân số và nhà ở, tỷ lệ người già sống với con cháu giảm đáng kể từ 80% năm 1993 xuống còn 62% năm 2008 và ngày càng có xu hướng thấp hơn. Với những đứa trẻ, sự sung túc về mặt vật chất cha mẹ chu toàn không thể lấp đầy khoảng trống về mặt tình cảm trong tâm hồn. Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 có nhắc đến một nghiên cứu được thực hiện trên nhóm trẻ ở độ tuổi 8-14, theo đó, hơn 35% số trẻ được điều tra có biểu hiện và hành vi bi quan đối với cuộc sống, mà nguyên nhân trực tiếp nhất là do thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Nghiên cứu này đồng thời chỉ ra rằng mỗi năm có tới 50.000 trẻ phải bỏ học giữa chừng để tự mưu sinh vì cha mẹ ly hôn.

Thậm chí vào những dịp đặc biệt như Tết, nhiều gia đình cũng thiếu sự gắn kết đúng nghĩa. Sự bận rộn của cha mẹ và tiện ích của cuộc sống đã khiến những phút giây quây quần bên nhau trong những ngày Tết trở nên xa lạ. Mặt khác, một số gia đình vẫn rất coi trọng sự sum họp ngày Tết, thế nhưng hết Tết thì mọi chuyện lại trở về với nhịp sống cũ. Những bữa ăn đầm ấm cũng ít đi, những buổi trò chuyện cùng nhau cũng thưa dần. Nhiều bạn trẻ chọn việc du lịch cùng bạn bè như một cách “trốn” khỏi những cái Tết truyền thống với nhiều lễ nghi cùng cha mẹ và người thân. Tết vì thế với nhiều người không còn mang ý nghĩa đoàn viên. “Tổ ấm” giờ đây đang trở thành những “tổ lạnh”.

“Khơi lửa” cho trẻ vững vàng lớn lên

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn cho biết: “Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái vốn là tình cảm thiêng liêng và bền vững nhất trong các mối quan hệ của con người nói chung và gia đình nói riêng. Đứa trẻ lớn lên mà thiếu vắng tình cảm và sự bảo ban, chăm sóc của cha mẹ sẽ mất đi nền tảng cơ bản của việc hình thành nhân cách tốt đẹp.”

Không thể phủ nhận việc cha mẹ thời hiện đại phải tập trung nhiều vào chuyện tài chính nhằm giúp con mình có cuộc sống đầy đủ và chất lượng hơn trong tương lai. Thế nhưng, song song đó, cha mẹ cũng cần “giữ lửa”cho tổ ấm của mình, không chỉ vì hạnh phúc của bản thân, mà còn là cách giúp trẻ vững vàng lớn lên.

Đó có thể là 20 phút mỗi buổi sáng, khi cha mẹ dậy sớm hơn một chút để cùng ngồi uống cốc sữa với bé trước giờ đến trường. Đó có thể là những buổi cả gia đình ăn tối cùng nhau, hay 20 phút bố mẹ đọc truyện cùng con trước lúc ngủ… Và những ngày cuối tuần, thay vì con chơi iPad, bố lướt Facebook, mẹ tất tả nấu ăn một mình, đó có thể là buổi cha mẹ con cái cùng nhau chuẩn bị mâm cơm hay cùng giúp ông bà làm vườn. Những giây phút cả gia đình bên nhau nhờ vậy sẽ có thêm gia vị của sợi dây gắn kết vô hình đầy ý nghĩa.

iPad đã trở thành “bảo
mẫu” của nhiều đứa trẻ cô đơn (hình chỉ mang tính chất minh họa)

Những buổi ăn tối cùng nhau sẽ giúp gắn kết tình cảm gia đình bền chặt hơn (hình chỉ mang tính chất minh họa)

Dù bên ngoài cuộc đời có bao nhiêu tranh đấu, cám dỗ, có thể khi nghĩ đến giờ phút mẹ nấu nồi súp ngon, hay cha xuýt xoa vì con bị đứt tay, đứa trẻ sẽ trỗi dậy một sức mạnh để kháng cự lại điều không đúng, với mong ước được trở về nhà, ngồi vào bữa ăn gia đình với cuộc trò chuyện thân yêu còn dang dở.

Tổ ấm mãi là tổ ấm, khi những người thân yêu cần nhau để gắn kết gia đình…

Khải Đơn