Để gia đình mới hòa thuận

Ly hôn không phải là điều mong đợi nhưng nếu phải xảy ra, hãy dành thêm thời gian cho các vấn đề liên quan đến con cái, bên cạnh việc... phân chia tài sản.

Một số quan niệm sai lầm thường gặp khi xây dựng một gia đình mới:

 

- Có thể dễ dàng mở lòng yêu thương những đứa con riêng.

 

- Gia đình mới sẽ tương tự như các gia đình hạt nhân, tức chỉ gồm ba mẹ và các con.

 

- Giải quyết chuyện con riêng trở nên dễ dàng bằng cách gửi chúng ở đâu đó (chẳng hạn như cho đi du học).

 

- Tất cả những bà mẹ kế đều cay nghiệt.

 

- Một khi đã ly hôn tức mối quan hệ làm cha mẹ cũng chấm dứt theo.

 

Những khó khăn thường gặp:

 

Những gia đình mới, đặc biệt là những ai đã có con riêng thường gặp khá nhiều khó khăn và rất khác với việc lập gia đình lần đầu. Và đây là lý do:

 

- Những khác biệt trong giáo dục, áp dụng kỷ luật cùng các giá trị đạo đức sẽ tạo nên những trở ngại cho cuộc sống mới này.

 

- Ở cuộc hôn nhân lần đầu đôi vợ chồng có khoảng thời gian chuẩn bị và củng cố mối quan hệ trước khi đứa con chào đời. Ngược lại, với gia đình kiểu rổ rá cạp lại quỹ thời gian ấy gần như bằng không.

 

- Thường người cha hay người mẹ ruột sẽ mang cảm giác có tội với tổn thương về mặt tinh thần gây ra ở con của họ, do đó họ sẽ tìm cách bù đắp tối đa, và điều này dễ dẫn đến sự không hài lòng và thậm chí phẫn nộ ở người bạn đời mới.

 

- Sẽ có những bất đồng trong việc giải quyết rắc rối, nhất là nếu nguyên nhân là do con riêng của một trong hai gây ra.

 

- Sự bối rối đối với vai trò và nguyên tắc, và niềm tin về điều gì quan trọng trong cuộc sống có thể gây ra mâu thuẫn.

 

- Cần có thời gian để điều chỉnh tính cách, lối sống và những khác biệt của mỗi người.

 

Lời con trẻ:

 

- Cảm thấy khó chịu và tức giận trước cuộc tái hôn vì nó bóp nghẹt hy vọng quay lại của ba mẹ ruột chúng.

 

- Sầu muộn hoặc tức tối vì sự mất mát của gia đình nguyên thủy của chúng.

 

- Lo sợ cuộc hôn nhân mới cũng sẽ không bền lâu vì vậy chúng tránh việc đầu tư quá nhiều tình cảm vào gia đình mới này.

 

- Cảm giác vì mình mà khiến cho gia đình tan vỡ và rất sợ sự lặp lại này.

 

- Có những bối rối đáng kể khi chuyển đến một nơi ở mới với một ông bố hoặc bà mẹ xa lạ, và có thể là những anh chị em xa lạ phải chấp nhận sống chung.

 

- Sợ cảm giác phản bội lại người cha/mẹ ruột trong trường hợp chúng có cảm tình với cha/mẹ kế.

 

- Cách giáo dục khác của cha mẹ kế sẽ khiến chúng mất nhiều thời gian để thích ứng.

 

Vấn đề tình xưa nghĩa cũ

 

- Khi mối quan hệ cũ không được giải quyết một cách êm thấm và thấu tình đạt lý, sẽ khiến phát sinh mâu thuẫn giữa người cũ và mới do sự quan tâm của người chồng hoặc vợ. Và ngay cả nếu đã giải quyết ổn thỏa thì việc thường xuyên liên lạc cũng gây nên phiền muộn và lo âu ở người mới.

 

- Cuộc hôn nhân mới sẽ phải chấp nhận và thích nghi với việc tồn tại song song mối quan hệ cha mẹ cũ và mới. Những đứa trẻ cần tiếp tục mối quan hệ của chúng với cả cha mẹ cũ và mới, cũng như với ông bà, các cô dì, cậu mợ trước đây.

 

Một số mẹo dành cho những người mới:

 

- Tìm thời gian cho riêng mình.

 

- Trao đổi về những mong đợi và nỗi lo ngại.

 

- Đừng cố thay đổi quá nhiều trong một thời gian quá ngắn.

 

- Phát triển mối quan hệ của bạn với mỗi đứa trẻ (cả chung lẫn riêng).

 

- Nhận thức được tầm quan trọng của phương pháp giáo dục không áp đặt.

 

- Cho phép những đứa con riêng có mối quan hệ đặc biệt với cha mẹ ruột của chúng.

 

- Mềm dẻo và hợp tác đối với những khác biệt trong thiết lập quy tắc và hình thức kỷ luật.

 

- Đừng quá kỳ vọng vào sự gần gũi - tất cả những gì có thể mong đợi là sự lễ độ.

 

Theo Bùi Nguyễn Quý Anh

Tuổi trẻ