Để anh cùng… quyết

Sau nửa năm cưới em về làm vợ, thảng hoặc trong giấc mơ vẫn còn váng vất lời xuýt xoa của đám bạn học cũ hay đồng nghiệp trong ngày lễ thành hôn: “Vợ cậu xinh đẹp, lại thông minh quá!”. Anh được tâng lên tận chín tầng mây, để rồi sau nửa năm qua đi, gặp cú rớt thật đau.

 
Để anh cùng… quyết


Em là người vợ khéo léo, quán xuyến vẹn toàn công việc từ bé đến lớn. Anh nhàn nhã để mặc em lo liệu, em không một lời than trách rằng anh chẳng đoái hoài, lo toan. Trên thực tế, anh chẳng còn phần để lo nữa. Thói quen “vợ quyết” đã ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sinh hoạt đời thường. Chuyện lớn như mua nhà là vợ quyết. Chuyện mua ti vi loại gì, laptop hãng nào cũng là vợ quyết. Cuối tuần này ở quê có giỗ, nên về hay ở lại, hai vợ chồng không bàn bạc, vợ dứt khoát một câu cũng xong một chuyện. Hướng giải quyết cũng hợp tình hợp lý, nên trong ấm ngoài êm, vợ chồng chẳng lúc nào cãi vã. Dần dà, anh ù lì, cái gì vợ quyết cũng trở thành đúng đắn, chuẩn mực, anh chỉ việc răm rắp nghe theo.

 

Hôm rồi, em có chuyến công tác ở tận Điện Biên, đi khảo sát thực tế cho dự án của công ty. Em dặn dò cẩn trọng lịch trình một tuần em vắng nhà để anh theo đó thực hiện. Em đi đúng vào dịp anh nhận lương. Lần đầu tiên anh được tự do cầm số tiền lương quá ba ngày. Lần đầu tiên, anh tự quyết chuyện ăn uống, ngủ nghỉ của bản thân mình.

 

Em về nổi đóa lên chỉ vì chuyện đứa bạn thân của anh gặp hoạn nạn, vay anh chút tiền xoay xở, có đồng lương trong tay, anh sẵn lòng giúp đỡ. Em trách sao chưa qua em một lời đã vội vàng tự quyết, tiền trong nhà đâu phải dư dả để hào phóng cho được. Mãi lúc ấy anh mới giật mình, chuyện gia đình em có thể tự quyết, tự ôm vào mình nỗi lo, chuyện bạn bè gặp khó khăn, anh nấn ná sao cho đành?

 

Lương anh đúng ngày mang về nộp vợ. Vợ bảo để vợ “thủ” mới an tâm, bởi dẫu sao phụ nữ trong nhà cũng là người biết tiết kiệm và chi tiêu hợp lý. Anh bảo muốn giữ lại một ít để phòng thân. Em đưa vỏn vẹn hai trăm nghìn để sửa xe cộ, đổ xăng. Anh chưa kịp tỏ lòng mình, đã bị em chen ngang: “Anh hạn chế nhậu nhẹt ở ngoài đi. Muốn ăn gì về nhà em nấu. Ăn ngoài hàng vừa đắt vừa không đảm bảo”. Đúng là em nấu ăn rất ngon, nhưng em khó lòng mà hiểu, cảm giác của đàn ông nâng cốc bia một mình thì món ăn ngon cũng hóa thành tẻ nhạt đến chừng nào.

 

Mỗi lần làm về muộn hay ghé quán quen cùng đồng nghiệp, đinh ninh vợ lo nên gọi điện về báo trước. Thế mà cứ dăm bảy phút vợ lại gọi nhắc: “Anh uống ít rượu thôi đấy!”, “Anh chớ có ăn tiết canh đấy nhé!”, “Sắp về chưa?”... Cuộc gọi đầu, bạn bè ghen tỵ anh có vợ quan tâm chăm chút quá. Những cuộc gọi sau hóa thành vô duyên trong cuộc nhậu, khi vừa kịp nâng chén, chuông đã reo réo bên tai. Bạn hạ ly xuống, ái ngại nhìn anh. Anh vội vàng tắt chuông, nghĩa là lúc đó, anh vì cuộc vui, tâm thế đã sẵn sàng chờ đợi một bài ca inh ỏi của vợ.

 

Anh tự hỏi, em là vợ hay bảo mẫu? Anh sợ rằng, thiên chức một người cha, người trụ cột trong gia đình ở nơi anh, rồi sẽ có lúc hóa thành xa xôi.

 

Theo Hạo Nhiên 

PNVN