Dâu trưởng - vừa oai vừa oải

Về làm dâu nhà Minh, từ “cô út” được cưng chiều, Thảo bỗng trở thành một nàng dâu trưởng của gia đình chồng, cũng là dâu trưởng của cả họ với những trách nhiệm khá nặng nề.

 
Dâu trưởng - vừa oai vừa oải  - 1


Từ dâu phố...

 

Ngày Thảo (phường Xuân La, Tây Hồ, HN) quyết định lấy Minh, mẹ cô đã “tiên đoán”: “Con là út mà lại về làm dâu trưởng nhà nó rồi sẽ vất vả lắm đấy”. Đó là kinh nghiệm mà mẹ rút ra từ chính cuộc đời mình. Mẹ Thảo cũng là út lấy bố là con trưởng nên phải cố gắng hết sức để làm tròn được những trách nhiệm nặng nề với nhà chồng. Lúc nghe mẹ nói, Thảo không để tâm và còn cãi lại rằng mẹ đã lo lắng thừa vì thời nay làm dâu khác xa với thời của mẹ. Nhưng đến bây giờ, cô thực sự thấm thía.

 

Về làm dâu nhà Minh, từ một “cô út” được cưng chiều, Thảo bỗng trở thành nàng dâu trưởng của gia đình chồng và cũng là dâu trưởng của cả họ với những trách nhiệm nặng nề. Thảo “choáng nặng” từ ngày đầu về nhà chồng. Mấy ngày đám cưới phải đi lại tiếp khách khiến cô mệt rã rời, thế mà ngay sau buổi chiều đón dâu, Thảo đã được mẹ chồng giao nhiệm vụ sắp 5 mâm cỗ vì đoàn khách ở dưới quê lên dự đám cưới còn ở lại.

 

Hai cô em chồng được “điều” giúp đỡ chị dâu nhưng chỉ nhúng tay vào gọi là, còn lại đều có ý “nhường” Thảo hết để xem chị dâu làm ăn ra sao. Xong mọi việc Thảo muốn về phòng nằm nghỉ nhưng mẹ chồng bảo: “Con xong việc rồi thì vào nhà ngồi nói chuyện với các bác kẻo mai các bác ấy về quê rồi”. Thế là Thảo phải ngồi hầu chuyện các cụ mà vừa cười vừa... ngáp đến tận hơn 11 giờ mới được... “tha”.

 

Là công chức Nhà nước, Thảo phải tuân thủ giờ giấc làm việc nghiêm ngặt của cơ quan nhưng cô thường xuyên bị mẹ chồng lúc sai đi việc này, lúc sai mua thứ nọ. Thảo muốn phát điên mỗi khi công việc đang chồng chất mà lại nhận điện thoại của mẹ chồng bắt đi thăm hỏi người này người khác cùng bà. Nhiều lần cô không nghe rồi đến tối về giải thích “con có việc ra ngoài để quên máy ở cơ quan”. Thế là mẹ chồng “sưng” mặt với cô cả tháng.

 

Đông anh em họ hàng ở quê nên nhà chồng Thảo lúc nào cũng có khách ở quê lên. Người thì lên chơi, hay có việc gì đó rẽ qua. Người đi vào miền nam cũng chọn nhà chồng Thảo làm chỗ “trung chuyển”. Mùa hè thì các cháu đứa lên chơi, đứa đi thi ĐH đều tập trung ở nhà chồng Thảo. Đặc biệt, người bị bệnh ốm đau phải đi bệnh viện tại Hà Nội thì nhà chồng Thảo là nơi họ đến đầu tiên. Là dâu trưởng, Thảo phải “thay mặt cả nhà” thu xếp giải quyết những việc đó. Có người ốm Thảo phải vào viện thăm hỏi quà cáp tận tình, “nếu không về quê người ta cười nhà mình không biết dạy dâu con”, mẹ chồng bảo cô thế. Các cháu lên chơi hè, Thảo cũng phải mua sắm cho ít nhất mỗi đứa một bộ quần áo tươm tất “cho chu đáo với vai trò bác dâu trưởng”.

 

Đặc biệt là mỗi khi nhà có việc giỗ chạp (mà việc đó thì nhà chồng Thảo là trưởng họ nên một năm có đến gần chục đám) thì việc mua sắm những gì để làm cỗ, tổ chức ra làm sao, sắp xếp công việc thế nào, mẹ chồng giao cả cho Thảo, dù bà chỉ ở nhà còn cô thì vẫn bận việc cơ quan suốt ngày.

 

Thảo bức xúc: “Mình còn có công việc ngoài xã hội chứ đâu phải chỉ suốt ngày ở nhà chơi không đâu mà nhà chồng bắt mình lo đủ thứ chuyện lớn nhỏ. Lúc nào cũng lấy lý do “vì chị là dâu trưởng” để đổ mọi trách nhiệm lên đầu mình. Những người họ hàng xa lắc rồi mà vẫn bắt mình phải thăm hỏi quà cáp, lương công chức của mình đủ nuôi con đã tốt lắm rồi lấy đâu mà “bao sân” hết như thế được”.

 

... đến dâu quê

 

Không sống cùng nhà chồng nhưng chị Oanh cũng phải đối mặt với hàng loạt trách nhiệm nặng nề mà mẹ chồng “gạch đầu dòng” cho chị từ ngày đầu tiên bước chân về làm dâu trưởng trong gia đình.

 

Hai vợ chồng chị Oanh làm việc và sống tại Hà Nội còn nhà chồng ở Vụ Bản, Nam Định. Hơn trăm cây số mỗi lượt đi về như thế mà có bất cứ việc to nhỏ gì vợ chồng đều phải có mặt. Từ giỗ chạp, bốc mộ, họp họ đến cưới xin, nhà mới và thậm chí là bà đẻ, nhà chồng cũng bắt chị phải thăm hỏi không sót đám nào. Không phải chỉ gửi quà mừng mà phải về tận nơi mới được coi là chu đáo.

 

Công việc hai vợ chồng chị đều bận rộn, ngày cuối tuần chị chỉ muốn nghỉ ngơi và tranh thủ dọn dẹp nhà cửa nhưng chẳng mấy khi không có việc bên gia đình chồng. Chị Oanh và chồng có lần không về mà chỉ gửi “phong bì” về, liền bị bố mẹ chồng mát mẻ “chị tưởng người nhà quê chúng tôi cần tiền của chị à”.

 

Đúng là mỗi lần chị về, họ hàng đều đón tiếp nhiệt tình và chị cũng cảm nhận được những tình cảm chân chất, mộc mạc ấy. Khi chuẩn bị công việc, họ còn trêu chị: “Bác cả xem “chỉ đạo” như thế nào để chúng tôi còn làm theo”. Thực ra, chị Oanh không phải làm gì nhiều vì đã có rất đông các cháu làm. Họ hàng muốn chị về chỉ bởi vì chị là dâu trưởng nên trách nhiệm là phải có mặt.

 

Thế nhưng, để mỗi lần “có mặt điểm danh” được như thế không hề đơn giản với chị. Vào những ngày cuối tuần thì không sao chứ ngày thường chị phải xin nghỉ không lương ở công ty với cái nhìn khó chịu của bà trưởng phòng nhân sự. Rồi phải vượt qua đoạn đường dài nôn thốc nôn tháo vì say xe. Rồi lỉnh kỉnh đồ đạc của con, nào nồi nào bát, nào bột, sữa, vì con chị đang tuổi ăn bột, phải mang theo về.

 

Sau khi chị Oanh sinh con gái thứ hai, áp lực của nhà chồng dồn về phía chị là phải đẻ được cháu đích tôn. Mẹ chồng mấy lần nhắc nhở chị về việc sinh thêm “thằng chống gậy” cho ông bà. Bà bảo chồng chị là con trưởng nên nhất định phải có con trai nối dõi. Chị Oanh cảm thấy rất mệt mỏi vì những trách nhiệm đó. “Nhà chồng tôi rất đề cao dâu trưởng nhưng cũng gắn cho mình quá nhiều trách nhiệm bắt phải thực hiện mà không thông cảm cho công việc bận rộn và điều kiện của mình khiến nhiều lúc ức chế vô cùng”, chị Oanh chia sẻ.

 

Có quá khó để làm tròn trách nhiệm ?

 

Thảo đem những ấm ức ở nhà chồng về than vãn với mẹ đẻ thì được mẹ khuyên phải cố gắng làm tròn trách nhiệm, không nên tỏ thái độ hay thoái thác trách nhiệm sẽ càng bị cho là vô lễ. Mẹ dạy Thảo cách sắp xếp tổ chức cân đối việc gia đình và việc cơ quan. Nhất là dạy Thảo làm việc nội trợ mà hồi con gái cô chẳng mấy khi đụng tay. Thảo đã cố gắng làm thật khéo như những gì mẹ dạy. Trên dưới chục mâm cỗ Thảo có thể sắp đâu vào đấy.

 

Khi giành được sự tin tưởng, “tâm phục” của gia đình chồng rồi, những lần tiếp theo Thảo thủ thỉ với mẹ chồng rằng không phải cô lười, muốn trốn tránh trách nhiệm hay không biết làm nhưng cô còn công việc cơ quan, trong khi mỗi năm nhà lại có nhiều việc giỗ chạp như thế. Thảo không thể tháng nào cũng xin nghỉ với lý do nhà có việc được. Cô xin phép mẹ chồng, thỉnh thoảng có thể thuê người nấu nướng để đỡ cho cô và cả mọi người trong nhà. Thái độ chân thành và cách nói “thấu tình đạt lý” của Thảo đã nhận được cái gật đầu của mẹ chồng và cả gia đình.

 

Việc nhà chồng dù không có gì to tát nhưng cũng làm chị Oanh có thời gian bị stress. Về sau chị không im lặng mà thẳng thắn nói chuyện để mong sự thông cảm từ phía nhà chồng. Chị nhờ cả chồng “vào cuộc” để thuyết phục gia đình. Chị bảo, bây giờ điện thoại và internet đã phổ biến đến tận làng thì việc thăm hỏi họ hàng bằng những hình thức ấy vẫn tỏ được sự quan tâm chu đáo mà lại thuận tiện hơn nhiều.

 

Chị xin phép hằng năm vào dịp nghỉ hè, nghỉ tết sẽ đưa các cháu về thăm ông bà nội và họ hàng. Công việc trong họ thì thỉnh thoảng chị sẽ cố gắng thu xếp về một lần, còn lại chị xin được “miễn”. Đầu tiên gia đình nhà chồng chị Oanh tỏ vẻ không hài lòng và bóng gió rằng nàng dâu trưởng định trốn tránh trách nhiệm. Nhưng mỗi lần ở quê có việc mà không về chị đều gọi điện thăm hỏi chu đáo. Tất nhiên, chị cũng không quên gửi tiền về để gọi là “góp lễ”. Dần dần mọi người cũng chấp nhận cách làm của chị.

 

Chuyên gia Lê Thu Hiền, Giám đốc trung tâm TV Người bạn tri kỷ, cho rằng, trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam, vợ chồng người con trưởng bao giờ cũng được cha mẹ và dòng họ đặt nhiều kỳ vọng, đồng nghĩa với nhiều nghĩa vụ phải thực hiện. Đặc biệt là nàng dâu trưởng. Thời xưa, dâu trưởng phải được chọn lựa kỹ càng một số tiêu chí như phải thông minh nhanh nhẹn, có khả năng quán xuyến công việc gia đình... Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, trách nhiệm của dâu trưởng đã bớt nặng nề hơn nhưng chưa phải là đã hoàn toàn được xóa bỏ.

 

Theo bà Thu Hiền, để giải quyết ổn thỏa vấn đề này điều quan trọng nhất là cần cách cư xử hết sức khéo léo của nàng dâu. Bạn đừng bao giờ có ý nghĩ thay đổi ngay lập tức tư tưởng của nhà chồng về vấn đề này. “Nhập gia tùy tục”, bạn về làm dâu thì phải theo phong tục, nề nếp của nhà chồng. Với những việc được giao dù bận nhưng bạn cũng nên cố gắng làm tốt trong những lần đầu tiên, đừng ngay lập tức thoái thác hoặc đòi thuê người khác làm thay. Hãy cho nhà chồng thấy thiện chí của bạn là cũng muốn hoàn thành nhiệm vụ nhưng do vì công việc bận rộn nên bạn mới phải thuê. Kể cả khi đi thuê thì bạn cũng nên để ý đến việc đó chứ đừng “khoán trắng” tất cả cho người làm thuê. Phải để nhà chồng thấy được trách nhiệm vai trò của bạn trong việc đó.

 

Còn đối với những đòi hỏi phải quan tâm đến họ hàng nhà chồng, bạn cũng nên lưu ý. Có thể không cần bạn phải cầu kỳ về vật chất nhưng thái độ của bạn thì nên hết sức chân thành, đặc biệt là đối với những người họ hàng ở quê. Họ có yêu quý, chấp nhận bạn là thành viên trong dòng họ thì mới “quy” trách nhiệm cho bạn. Vậy thì tại sao bạn lại không muốn cố gắng để giữ lấy những tình cảm tốt đẹp đó. Nếu gặp khó khăn, đừng ngại ngần nói ra, bạn sẽ nhận được sự thông cảm từ mọi người. Chỉ có điều cách nói của bạn phải thực sự chân thành và có thiện chí.

 

Theo Báo Đất Việt