Dâu phố về quê

Nguyên Hoài Phong

(Dân trí) - Diệu động tay vào bất cứ việc gì, liền bị bố mẹ ngăn lại: "Gái thành phố sao làm được mấy việc này. Gọi thằng chồng vô làm, không cứ để đó ba mẹ, các chị".

Với Diệu, về quê chồng đón Tết, khoản ngại nhất là đường xá xa xôi và cả việc được nhà chồng quan tâm, chăm chút. 

Diệu sinh ra Hà Nội, Cương ở Hà Tĩnh, ngồi tàu xe gần 10 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Năm nào cũng vậy, bố mẹ chồng đều nói từ trước, hai con thuận lợi, đủ sức khỏe thì về, không thì ở lại, bố mẹ gửi bánh trái, thịt thà ra, chứ đi lại ngày Tết vất vả quá. 

Dâu phố về quê - 1

(Ảnh minh họa)

Nhưng Diệu cũng nghĩ, một năm tính ra cô cũng chỉ về quê chồng một lần dịp Tết, trong năm giỗ chạp gì cũng chỉ mình Cương về đại diện. 

Ngày yêu Cương, Diệu cũng có chút ngán ngại khi Cương là cháu trai đích tôn, cũng là con trai duy nhất trong gia đình có đến 4 chị gái nên được đặt hẳn tên là Kim Cương.  Diệu có hẳn cả dàn "giặc bên Ngô", tưởng đâu là nỗi ám ảnh nhưng hóa ra đó là điều may mắn.

29 Tết, vợ chồng Diệu mới về đến nơi, khi đó nhà cửa, ông bà đã dọn dẹp, soạn sửa đâu vào đấy, đồ ăn đủ món cũng đã xong xuôi. Cả năm một lần, ông bà mới có dịp mở phòng ngủ của hai vợ chồng ra để soạn lại nệm, chăm để đón con cháu. Đến đôi dép đi trong nhà cho con dâu, bố mẹ cũng chuẩn bị sẵn. 

Nếu món gì, mẹ chồng cô cũng nói: "Diệu thích món này, món kia. Ngoài kia không có thứ này, để cho con Diệu". 

Mấy ngày Tết, việc của Diệu ở nhà chồng chỉ mỗi việc đến giờ cơm, sắp chén đũa ra. Xong bữa, cô xắn tay dọn dẹp, rửa chén bán liền bị mẹ chồng ngăn lại: "Chỗ rửa ở đây khác ngoài kia, con không rửa được đâu. Để đó chồng con nó rửa". 

Diệu cũng có tiếng khéo tay, đảm đang, nấu ăn ngon nhưng rất khó thể hiện khả năng của mình trong bối cảnh nhà chồng. Phong tục, cách sinh hoạt, món ăn, bài trí... mỗi nơi một khác. Nếu cô làm sẽ phải nhìn trước nhìn sau, không rõ cái nọ, cái kia. Về đây, Diệu chỉ có thể là người phụ họa, phụ việc hương hoa... 

Đến chuyện nấu ăn, cúng bái, bố mẹ chồng cũng nói: "Gái thành phố sao làm được việc này. Con cứ để đấy, nghỉ ngơi, chơi với con". Diệu biết, ông bà không có ý chê bai mà chủ yếu muốn cô không phải nặng lòng, khó xử, áy náy với việc nhà bên chồng. 

Thường đến Mùng 2, Mùng 3, tập đoàn "giặc bên Ngô" của Diệu rồng rắn về ngoại ăn Tết. Lúc này, Diệu lại càng nhàn nhã hơn, động tay vào việc gì cũng bị nhắc "Cứ để đó cho nhà chị". 

Các chị quen nhà, quen việc, về nhà mình thoải mái nên làm đâu ra đấy. Hơn nữa, cùng là phụ nữ, họ cũng làm dâu, dễ dàng thông cảm cho cảnh dâu xa về nhà chồng, không ai muốn làm khó nhau vì việc nhà trong ngày Tết. 

Biết Diệu ngại ngần vì mọi người làm hết việc, chị hai chồng trấn an: "Cô Diệu muốn làm, giữ sức ra ngoài kia hay về bên ngoại tha hồ làm. Còn về nhà chồng, nhà chồng không làm thì bắt chồng vào mà làm. Chị về nhà chồng cũng chẳng làm gì, cả năm có mấy ngày Tết, nhường ông bà". 

Dâu phố về quê. Trước ngày đi, ông bà còn chuẩn bị mấy con gà làm sẵn, thịt tươi, mấy hộp thịt kho, mấy chục quả trứng gà ta, mấy đòn bánh chưng, rau củ sạch đóng từng thùng, cho đến quả cà pháo sau vườn cũng hái để con dâu mang đi...

Trước đó mấy ngày, ông bà gọi điện đặt xe, dặn đi dặn lại nhà xe giữ chỗ đẹp nhất. Ngày vợ chồng, con cái lên xe, ông bà, anh chị, cô chú, cháu chắt ra tiễn, chào, dặn dò đủ thứ... hẹn hôm nào có dịp sẽ ra thăm. 

Ra đến nơi, Diệu thấy trong ba lô của con, mấy triệu đồng vợ chồng cô biếu bố mẹ đón Tết được cột gây thun cẩn thận, ông bà nội tìm cách để gửi lại.

Diệu bàn với chồng, lúc nào có dịp, mình rủ ông bà đi du lịch. Chứ biếu tiền, quà quà, ông bà xót của con cháu không dám dùng.

Diệu cũng có con trai. Làm dâu quê, cô cũng tự nhắc, sau này có thành mẹ chồng, mình sẽ chia sẻ, bớt xét nét người phụ nữ là vợ của con mình.