Dâu mới đón Tết
(Dân trí) - Sau hôm cưới, tôi chào bố mẹ chồng để trở lại với công việc cách đó cả trăm cây số, mẹ yêu cầu cả nhà họp mặt, để nêu lên một số quan điểm, gần như là gia quy mà thành viên mới nên chấp hành. Tôi thoáng run rẩy: "Sẽ khốn đốn đây…".
Mẹ nói rành rọt và mạch lạc: "Con là dâu trưởng, sẽ vất vả để có thể gánh vác khi nhà có giỗ, tết, nên phải cố gắng rất nhiều. Việc nhà, việc họ thì cũng chẳng đến nỗi to tát quá, nhưng vẫn cần đến cái tâm để thu vén. Đi phải thưa, về phải chào. Không biết gì phải hỏi…".
Chẳng bao lâu thì đến Tết. Nghe kế hoạch chi tiêu chồng vạch ra và cũng nhờ đích thân tôi đi "do thám" từ các đồng nghiệp mà tôi cười như mếu.
Mấy chị em cùng phòng xúng xính tà áo mới, mua cái này cái nọ cho Tết, dự tính xem sẽ đi chơi đâu, tôi ngồi thẫn thờ, mặt buồn thiu, miệng lẩm bẩm: "Em chỉ ước mười năm hãy có một cái Tết, hay năm năm cũng được. Chưa chi đã thấy "móm" nặng, tiền thưởng đem chi Tết chẳng còn là bao".
Chị trưởng phòng vỗ về: "Bõ bèn gì! Nhà chị đây, tiền thưởng "hát chẳng đủ hay". Còn phải bù vào thêm khối nữa kìa. Chịu khó đi, dâu hiền, vợ đảm là phải thế!".
Mặt tôi méo xẹo, gọi điện về cho mẹ ruột, học hỏi kinh nghiệm. Mẹ thong thả: "Trước hết con đưa mẹ bên ấy món tiền gọi là góp sắm tết, sau đó thấy thiếu gì thì mua thêm. Rồi biếu ông bà nội ngoại gói quà gọi là chút tấm lòng khi năm hết, tết đến. Theo mẹ con phải hỏi mẹ con xem phong tục làng ấy thế nào thì mình theo, đất lề quê thói, mỗi nhà mỗi cảnh. Còn tiền mừng tuổi không thể thiếu, nhớ chuẩn bị sẵn".
Về hai vợ chồng bàn tính tiếp với nhau, vẫn chưa thống nhất, bèn gọi về hỏi, mẹ chồng bật cười: "Đưa tiền góp tết thì mẹ xin, còn mua quà cho ông bà nội ngoại thì chưa đến lượt các con, mẹ chuẩn bị cả rồi, sẽ là chút quà của cả gia đình gửi đến ông bà, hai đứa lon ton mang đến không khéo bị mắng "cầm đèn chạy trước ô tô".
Tiền mừng tuổi cũng thế, "mưa đâu mà rải khắp". Họ nhà mình đông, mẹ chỉ mừng tuổi các em, các cháu gần gũi trong nhà, mẹ sẽ đưa và nói là của các con nhờ mẹ mừng tuổi lấy lộc. Khách có trẻ con đến nhà thì phát vốn cho chúng lấy may. Ít thôi, đâu cần nhiều, đặc biệt không tạo thành thói quen để trẻ đâm hư đi. Có đứa ai lại thấy người lớn là nằng nặc đòi tiền lì xì, mất hết cả nề nếp của phong tục tốt đẹp từ xưa đến nay".
Hai vợ chồng thở phào nhẹ nhõm, vậy thì Tết đâu phải là ông "ngáo ộp cướp hết tiền" như lời những các chị đi trước vẽ ra đâu, chỉ khéo lo xa, tôi thấy nhẹ gánh hẳn. Cuộc đời lại đáng yêu như thường!
Hai tám Tết chúng tôi về quê, đi loanh quanh chào ông bà nội, ngoại gần đó. Và tiến hành thu dẹp nhà cửa, cọ rửa nồi niêu, xoong chảo. Sáng 29 Tết mẹ chồng giục chúng tôi sang nhà mẹ đẻ tôi và nhà ông bà nội biếu quà Tết, nhớ cho mẹ gửi lời hỏi thăm. Sau đó quay về nhà chồng học gói bánh và thích thú ngồi bên bếp lửa, đang ninh nồi bánh Chưng, ấm sực.
Ba mươi Tết, cả nhà kiểm tra lại để trang hoàng nhà, lau dọn ban thờ, ngó nghiêng xem còn khuyết cái gì, tôi được ưu tiên nên chỉ quanh quẩn ở trong …bếp, cùng mẹ chuẩn bị cho bữa ăn và mâm cơm cúng gia tiên, cúng tất niên mừng năm mới sắp tới. Đến giờ, tất cả nhà có mặt hết ở chiếu trước nhà để cùng bố cúng, hết tuần hương mới đứng lên.
Sau đó là những ngày Tết thật vui vẻ, tiết trời xuân ấm áp, chiều lòng người, anh đưa tôi đi khắp lượt bà con họ hàng chào hỏi, chúc tết và mừng tuổi cho các cháu bé… Mọi người hỏi thăm, chúc đôi vợ chồng trẻ năm mới gặp nhiều may mắn, sớm có tin vui. Tôi cảm nhận rõ tình cảm yêu mến mọi người dành cho chúng tôi. Bỗng thấy hân hoan lạ, tựa như nắng xuân, sắc xuân, bầu trời xuân mang đến cho lòng tôi cảm giác phơi phới đó!
Ba ngày tết là dịp tôi được gặp gỡ người trong họ, bày tỏ lòng kính trọng hiếu lễ của mình với bậc cao niên. Lần đầu tiên song đã đọng lại trong tôi nhiều khoảnh khắc đáng nhớ, đó là những truyền thống tốt đẹp, mãi trường tồn cùng thời gian, do được các bậc tiền bối chu đáo gìn giữ cho muôn đời sau. Hậu bối chúng ta chỉ cần tuân theo những đạo lý nhân văn có từ ngàn đời nay đó.
Giờ đây, tôi cũng đang ngóng chờ khoảnh khắc giao mùa đầy ý nghĩa của năm.
TSL