Đau đớn khi mẹ đẻ chỉ quan tâm đến sĩ diện, bỏ mặc hạnh phúc của con gái
“Các cụ bảo rồi ‘nồi nào úp vung nấy’, đũa mốc không chòi mâm son được đâu con ạ, sống thực tế đi. Giờ có đứa chịu rước cho là tốt rồi, đừng lông bông làm gia đình này xấu hổ thêm nữa”, lời mẹ nói như xát muối vào trái tim tôi.
Tôi năm nay 32 tuổi và đã được “liệt” vào danh sách “hội ế” của xóm từ nhiều năm trước. Với tôi, những cụm từ như “gái già”, “gái ế bền vững” hay “quả bom nổ chậm” đã trở nên quen thuộc và giờ tôi cũng không mấy bận tâm về điều đó nữa.
Nếu xét về ngoại hình, tôi tự đánh giá được 5/10 điểm, tức là không xấu cũng không đẹp. Còn về công việc thì sáng đi tối về như bao người khác, thu nhập cũng ở mức khá. Nói chung, tôi thấy khá thoải mái với cuộc sống hiện tại.
Chỉ có điều, mỗi lần về quê, tôi lại bị bố mẹ tra tấn không yên với điệp khúc “bao giờ lấy chồng”. Mẹ tôi vẫn luôn ca thán, bà thấy xấu hổ, không dám ngẩng mặt lên nhìn ai vì có đứa con gái mãi không chịu lấy chồng.
Rồi những kỳ nghỉ lễ hoặc hôm nào gia đình có việc tập trung đông đủ họ hàng là y như rằng, tôi lại bị cả “hội đồng” xúm vào giảng giải đạo lý. Nào là: gái lớn phải lấy chồng để sinh con đẻ cái; con cái phải yên bề gia thất mới là có hiếu với bố mẹ; không lấy chồng thì cũng cố “kiếm” đứa con cho đỡ tủi thân lúc về già…
Nói thật, tôi chẳng phải là đứa không biết suy nghĩ khi để cả gia đình phải lo lắng về chuyện tương lai của mình, cũng không phải không có ai theo đuổi tôi, chỉ là tôi không thích cuộc sống ràng buộc.
Nhiều người nói tôi khó tính, kén cá chọn canh có lẽ cũng đúng một phần. Nhưng tôi nghĩ, tôi sẵn sàng ở vậy chứ nhất định không chịu nhắm mắt bước liều để rồi phải hối hận. Thế nên, tôi có thể chấp nhận làm mẹ đơn thân nếu thực sự không tìm được người phù hợp để kết hôn.
Tuy nhiên, tôi không ngờ, mình đang bị chính mẹ đẻ dùng “khổ nhục kế” để ép chuyện lấy chồng. Bà làm mối cho tôi một người đàn ông hơn tôi 5 tuổi, đã góa vợ và đang nuôi hai đứa con nhỏ. Bà ca ngợi anh ta hết lời, nào là người đàn ông chững chạc, biết lo toan, vun vén cho gia đình, biết đối nhân xử thế và quan trọng là gia đình anh ta cũng thuộc diện khá giả trong vùng.
Bà còn bảo, dù anh ta đã lớn tuổi và qua một đời vợ nhưng vẫn rất phong độ, đặc biệt lại rất…xứng đôi với tôi. Thế nên, tôi phải biết “chớp thời cơ”, không sau này sẽ hối hận.
Hóa ra, trong mắt mẹ, tôi kém cỏi, ế ẩm đến mức ấy sao? Và tôi cũng không thể hiểu, tại sao mẹ tôi lại muốn tôi lấy người đã có vợ, hơn nữa lại có đến hai đứa con riêng. Mẹ tôi phải thừa hiểu rằng, tôi không thích sự ràng buộc và cũng không vị tha đến mức có thể yêu thương, chăm sóc hai đứa con của chồng như con của mình được. Chẳng lẽ, chỉ vì danh dự gia đình, vì không muốn mang tiếng có đứa con gái ế mà mẹ tôi nỡ đẩy tôi đi mà không hề quan tâm liệu tôi có thấy hạnh phúc hay không?
Với bản tính của tôi, dĩ nhiên, tôi kịch liệt phản đối cuộc hôn nhân mai mối này vì cho rằng mình chưa đến mức phải làm vợ lẽ. Thế nhưng, lời mẹ nói lại khiến tôi "đứng hình": “Các cụ bảo rồi ‘nồi nào úp vung nấy’, đũa mốc không chòi mâm son được đâu con ạ, sống thực tế đi. Giờ có đứa chịu rước cho là tốt rồi, đừng lông bông làm gia đình này xấu hổ thêm nữa”.
Biết dùng lời nói khó có thể thuyết phục được con gái nên mẹ tôi đã dùng “chiêu” tuyệt thực để gây áp lực cho tôi. Ngày một, ngày hai, sau khi năn nỉ mẹ từ bỏ ý định mai mối không thành, tôi cũng quay sang dọa sẽ bỏ đi thật xa để không ai có thể tìm thấy nếu bà vẫn cứ cố ép tôi. Thế nhưng, sau đó, bà đã làm một chuyện khiến tôi và cả nhà sửng sốt: Uống thuốc ngủ tự tử.
May được phát hiện sớm và đưa đi cấp cứu kịp thời, mẹ tôi đã qua cơn nguy kịch. Nhưng lúc tỉnh lại, bà không thèm nhìn mặt tôi. Giờ tôi hoang mang quá, không biết nên làm thế nào cho đúng. Tiếp tục cuộc sống độc thân như ý muốn hay nghe theo sự sắp xếp của gia đình, tiến tới một cuộc hôn nhân không biết sẽ đi đâu, về đâu?
Theo Hồng Loan
Gia đình và Xã hội