“Đào tạo” ra chồng lười

Hôm bị ốm, Vân nhờ chồng nấu hộ nồi cháo nhưng anh chồng giãy nảy, khó chịu. Vân đưa tiền, chỉ dẫn chồng ra đầu ngõ mua phở nhưng đến nửa đường thì anh vô tư tạt vào quán nước chè, ngồi “tán hươu tán vượn”.

Phở về đến nhà thì đã vữa lại nguội, Vân không thể nuốt trôi.
 
 “Đào tạo” ra chồng lười  - 1

 

Thực ra, chính Vân là người đã tạo ra một anh chồng vừa lười, vừa vụng như ngày hôm nay. Thịnh - chồng Vân vốn không phải nhóm đàn ông “dài lưng tốn vải - ăn no lại nằm”. Bằng chứng là lần đầu tiên dắt Vân về ra mắt gia đình, anh nháy mắt với bố mẹ: “Chuyện cơm nước cứ để hai đứa con”. Sau đó, Thịnh nhanh tay đóng cửa bếp và một mình thoăn thoắt xào rau, nấu canh măng, luộc thịt gà đâu vào đó. Vân chỉ giữ mỗi nhiệm vụ duy nhất là nhặt, rửa rau, lau, dọn sàn nhà bếp và trố mắt ngạc nhiên.

 

Sau kết hôn, nếu chồng có muốn giúp thì Vân gạt đi, nửa đùa nửa thật: “Anh là đàn ông, phải lo chuyện đại sự. Em chẳng thích chồng mình cứ quẩn quanh nơi xó bếp”. Đến lúc chồng thành tài thì Vân lại đâm ra thích kiểu “hành xác” mình với bằng đống việc nhà, có hôm đến 23h đêm mới xong việc. Nếu chồng có đề xuất ý kiến tìm người giúp việc thì chính Vân lại bác bỏ kịch liệt. Nghĩ đến cảnh chồng “hú hí” với osin hoặc những vụ osin cướp tiền của chủ nhà, Vân thà tự mình làm lấy mọi việc…

 

Giỏi kiếm tiền hơn chồng

 

Không chỉ biến mình thành “nô lệ” của việc nhà, Khánh (Vĩnh Tuy, Hà Nội) còn gánh luôn kinh tế chính trong gia đình. Kiệt - chồng Khánh, sau một lần “ngửa tay” xin tiền vợ chung vốn làm ăn nhưng bị đổ bể, anh bị vợ mất lòng tin. Những lần sau đó, Kiệt có lân la đề xuất ý tưởng với vợ nhưng toàn bị Khánh gạt phăng. Khánh ngấm nguýt: “Anh thì làm được gì. Anh ở nhà mà xem em “ra tay” nhé”.

 

Công việc làm ăn của Khánh thành công cũng là lúc Kiệt trở nên “chai lì” như một cái bóng trong nhà. Anh chỉ trở về lúc bụng đói hoặc khi buồn ngủ. Vợ hỏi, anh gắt: “Ra ngoài kiếm cơm ăn, hỏi làm gì”.

 

Đến lúc Khánh bị ngã xe máy, phải nằm viện thì Kiệt cũng chỉ thăm hỏi vợ cho lấy lệ. Mọi việc chăm sóc vợ nằm viện và con nhỏ trong nhà, anh không lo được nên phải nhờ cậy đến bà ngoại.

 

Kiệt còn vô tâm với gia đình đến mức, ở nhà trời mưa, quần áo phơi ngoài dây, anh cũng quên không rút. Khánh muốn bàn việc sửa nhà với chồng thì Kiệt thờ ơ: “Tùy em thôi”.

 

Mối nguy

 

Nhiều chị em than thở rằng, làm việc nhà không ngừng nghỉ sẽ khiến họ ức chế rồi sinh cáu bẳn. Lúc đầu, chính bản thân người vợ tự nguyện giành hết phần việc trong gia đình để chồng được nghỉ ngơi hoặc có thời gian mà chăm lo cho sự nghiệp.

 

Cũng có không ít người vợ quá chăm chỉ và bị ảo tưởng bởi một mẫu vợ đảm có từ thời xưa. Họ cho rằng, công việc chính của phụ nữ gắn liền với “cái bếp” nên tự đưa mình vào vòng “thống khổ” của việc nhà.

 

Mâu thuẫn xuất hiện vì đến một lúc nào đó, chính bản thân người vợ sẽ nảy sinh tâm lý ấm ức, kiểu như: “Sao tôi phải làm nhiều việc thế, còn chồng thì chơi dài cổ?”, “Sao anh ấy không giúp tôi làm việc nhà? Tôi làm vợ chứ có phải làm người hầu đâu?”.

 

Lòng nhiệt tình của đàn ông với vợ thường giảm theo thời gian. Nếu lúc trước, anh ấy rất sẵn lòng giúp vợ nấu cơm, rửa bát thì dần dần anh ấy sẽ lười hơn. Nếu lúc đầu, người vợ đã hình thành cho chồng tâm lý ỷ lại vào phụ nữ thì chắc chắn, càng về sau, anh xã càng không thể tự mình đụng tay, chân vào việc nhà.

 

Những phần việc nhà sẽ càng nhiều thêm khi gia đình có con nhỏ. Lúc ấy, người vợ có muốn chồng giúp thì anh xã cũng lắc đầu chối từ, bởi đã quen chơi rồi nên sinh lười.

 

Để tránh tự mình “phải khổ” thế này; tốt nhất, người vợ nên thỏa thuận với chồng về những phần việc nhà cụ thể mà mỗi bên cần hoàn thành ngay khi vừa bước chân vào đời sống chung. Việc khuyến khích chồng làm việc nhà một cách thường xuyên (cho dù ít) cũng khiến anh ấy duy trì được thói quen này.

 

Không những thế, việc nhà còn có tác dụng củng cố trách nhiệm và sự cảm thông của chồng với vợ. Tâm lý ức chế của vợ khi phải làm việc nhà không hẳn vì công việc đó quá vất vả mà đơn giản vì chị em thấy mình bị “cô đơn”, bị bỏ rơi mà chồng không đoái hoài đến.

 

Ngay cả khi có khả năng tài chính vững vàng hơn chồng, chị em cũng không nên “lấn sân” trách nhiệm của anh ấy. Giành hết quyền về kinh tế, đồng nghĩa với việc chồng bị hạ xuống “chiếu dưới”. Anh ấy sẽ chẳng biết ơn hoặc ca tụng vợ như nhiều người vẫn tưởng (trừ những anh thích “bám váy vợ”).

 

Cho nên, nếu vớ phải chồng “kém tài” nhưng giàu lòng nhiệt tình, người vợ nên tìm cách bàn bạc “chiến lược” làm ăn thay vì một mình cáng đáng hết mọi thứ.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé