Đàn ông sợ gì nhất ở những bà vợ

Đặc tính của phụ nữ là thích được tâm sự, thích được chia sẻ, thích được lắng nghe. Nhưng oái oăm là đặc tính của đàn ông lại hoàn toàn ngược lại. Những bà vợ “lắm điều” lại là nỗi “kinh hoàng” của các ông chồng.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vào rừng sống suốt 10 năm vì sợ vợ… nói nhiều

Không chỉ đàn ông Việt sợ nhất lấy phải bà vợ lắm điều mà đàn ông nhiều nước cũng chung nỗi sợ này. Một cuộc điều tra xã hội học ở Trung Quốc với 1.027 người đàn ông với câu hỏi: “Vợ anh có thói xấu gì khó chịu nhất?”. Kết quả là 92% đàn ông trả lời, khó chịu nhất là tính “nói nhiều”.

Người ta kể rằng, có một người đàn ông bị đi tù 6 tháng vì tội đánh vợ. Sau khi mãn hạn được tha về đoàn tụ với gia đình mới có một tuần lễ, anh ta lại khăn gói đến xin ban quản lý nhà tù cho được tiếp tục cải tạo đến hết đời. Hỏi vì sao anh không thích ở nhà mà lại muốn vào tù? Anh ta thú thật rằng, tuy ở trong tù chẳng sung sướng gì nhưng còn hơn ở nhà, vì không bị vợ đay nghiến suốt ngày đêm.

Mới đây báo chí Anh đưa tin, một người đàn ông tên là Malcolm Applegate, 62 tuổi đến từ Birmingham.Vì không chịu đựng được “bệnh nói nhiều” của bà vợ mà ông Malcolm Applegate đã bỏ nhà vào rừng sống trong suốt 10 năm. Ông Malcolm Applegate chia sẻ trên tờ Mirror (Anh) rằng, trước đây ông là thợ làm vườn. Vì việc bận rộn nên ông thường xuyên ra ngoài. Vợ ông không thông cảm mà luôn cằn nhằn về điều đó. “Bà ấy luôn than phiền là tôi không dành thời gian cho gia đình. Nhưng tôi biết phải làm sao, công việc của tôi như vậy rồi. Bà ấy yêu cầu tôi cắt giờ làm, kiểm soát mọi hành động khiến tôi không thể chịu nổi”, ông Malcolm chia sẻ.

Vì sao đàn ông lại sợ các bà vợ nói nhiều?

Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội tâm lý giáo dục Việt Nam, trong suy nghĩ của đàn ông nói chung, ai cũng sợ vợ “lắm điều”, bất kể là xưa hay nay, bất kể là đông hay tây, châu Âu hay châu Á. Sợ đến nỗi, ngay cả những người vợ kiệm lời nhất, mỗi khi có ý kiến hay góp ý điều gì… các đấng phu quân đều tìm cách làm lơ đi, hoặc giả vờ gật cái đầu rồi tìm cách lảng đi nơi khác. Người thô lỗ thì không ngần ngại “chặn họng” vợ ngay bằng câu cửa miệng “nói lắm” hoặc “lắm điều”… Nhưng thực tế thì chị em chưa chắc đã phải nói nhiều như cánh đàn ông nói. Đôi khi chỉ vì không muốn nghe phụ nữ góp ý, khuyên nhủ, phàn nàn… nên một lời thôi cũng trở thành … nhiều lời rồi”, TS Nguyễn Thị Kim Quý nói.

Hoa ở Định Công, Hoàng Mai là một ví dụ điển hình. Tính tình Hoa vui vẻ, xởi lởi, thường không chấp nhặt hay thù hằn ai bao giờ. Hoa cũng khá thông minh, tinh tế. Trong mọi mối quan hệ với anh em họ hàng bên nội, bên ngoại, quan hệ với bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp… Hoa đều được tiếng là người biết sống. Nhờ thế mà các mối quan hệ đó của Hoa đều tốt đẹp, ít khi xảy ra điều tiếng gì. Duy chỉ mối quan hệ với chồng là Hoa cảm thấy không được như ý.

Hoa kể rằng, không rõ vì vợ chồng cô khắc khẩu hay vì lý do gì mà vợ chồng ít khi nói chuyện được với nhau. Hoàng, chồng Hoa khá gia trưởng và hay áp đặt ý kiến chủ quan của mình. Thời gian đầu mới lấy nhau, thỉnh thoảng vợ chồng Hoa có xảy ra tranh cãi về một vấn đề gì đó. Nhưng mãi sau thấy kiểu của chồng là “luôn luôn đúng” nên Hoa tránh tuyệt đối việc tranh luận cùng chồng. Dù với mọi người xung quanh và các con, Hoa luôn vui vẻ, nói năng thoải mái. Nhưng riêng với chồng, cô rất kiệm lời. Chỉ khi nào cần thiết lắm thì Hoa chỉ nói ngắn gọn nhất có thể với một mục đích duy nhất là cung cấp thông tin thực tế cho chồng nắm được. Tuy nhiên, thi thoảng vì không để ý Hoa có nhỡ miệng “em thấy thế này”, “em thấy thế kia” là ngay lập tức cô bị chồng mắng là “lắm điều” ngay. “Thực tế là mình chưa nói hết câu, anh ấy đã “chặn họng” mình ngay rằng “lắm điều”, hoặc “nói nhiều”. Việc đó lặp đi lặp lại nhiều lần thì mình nhận ra một điều rằng, cứ mỗi lần mình nói theo kiểu “có ý kiến” là y như rằng chồng mình nhảy dựng lên và nói mình “lắm điều”, “lắm lời”. Hóa ra việc đàn ông vẫn thường nói với nhau là sợ vợ lắm điều là từ lý do này. Cái họ sợ không phải là sợ vợ nói nhiều mà là sợ vợ góp ý, khuyên nhủ…Qua ông chồng mình thì mình hiểu rất rõ điều đó”, Hoa nói.

Trong cuốn “Đàn ông đến từ sao hỏa, phụ nữ đến từ sao kim” của tác giả John Gray có viết rằng, tâm lý của đàn ông và phụ nữ luôn luôn khác nhau một trời một vực nên giữa hai giới thường rất khó tìm thấy tiếng nói chung trong cuộc sống. Nguyên nhân là do người ở sao kim không thể hiểu được người ở sao hỏa nghĩ gì và ngược lại. Vì tâm lý khác nhau này nên khi đứng trước một vấn đề, suy nghĩ và cách giải quyết của đàn ông và phụ nữ vì thế cũng hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, khi gặp một vấn đề gì đó, trong khi đàn ông nghĩ đến giải pháp để giải quyết thì với phụ nữ, họ thường để ý tới cảm xúc. Do vậy, những điều góp ý của phụ nữ thường không có ý nghĩa gì với đàn ông, bởi tư duy của hai bên là hoàn toàn khác nhau. Đàn ông vì thế rất sợ sự góp ý của chị em khi họ gặp vấn đề.

Ngược lại, khi chị em gặp vấn đề, cái mà chị em cần là sự vỗ về cảm xúc của chồng kiểu như lau nước mắt, ngồi lắng nghe, an ủi vợ rằng “anh biết là em đang khổ tâm lắm”…thì các ông chồng lại nói “việc đó đơn giản thôi, là như thế này như thế kia” hay “có thế mà cũng khóc. Đưa vấn đề đó đây cho anh”… Trong khi chị em cần được vỗ về, xoa dịu cảm xúc thì đàn ông lại chỉ nhăm nhăm tìm cách giải quyết thay vợ. Sự “quan tâm” không đúng cách đó của đàn ông cũng khiến cho chị em vô cùng đau khổ, giống như cách mà đàn ông cảm thấy hết sức khó chịu trước sự quan tâm “nói nhiều” của vợ mình. Tất cả mọi vấn đề là ở sự không hiểu tâm lý của nhau giữa đàn ông và phụ nữ mà thôi.

Theo Ngân Khánh
Gia đình và Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm