Đàn ông nông nổi... giếng khơi

Gia đình hai bên nội ngoại ai cũng phải công nhận chị Hương là người chu đáo, hiểu lễ nghĩa, nhưng phải cái tính “nhớ lâu thù dai”, hơi tí là giận dỗi, mà mỗi lần giận có khi kéo dài hàng tháng...

Lần ấy anh Thành, chồng chị trót đùa một câu rằng: Mái xề nhà mình vốn tính “chắc như cua gạch”, chẳng hiểu hôm nọ dở chứng thế nào lại nổi hứng đi “trùng tu sắc đẹp”, mất hai tê (tức hai triệu), vậy mà xem chừng “di tích” vẫn xuống cấp trầm trọng.

 

Thế mà chị giận, xạc cho chồng một trận tơi bời mấy tiếng đồng hồ. Chưa hết, chị “cấm vận” anh, còn không thèm “đặt quan hệ ngoại giao”, mặt nặng mày nhẹ hàng tháng liền, chồng gọi không nói, hỏi không thưa. Khi bắt buộc phải nói thì chị toàn trống không, trong nhà luôn vang lên những câu mệnh lệnh kiểu như: “Ra ăn cơm”; “Mai nhớ đóng tiền học cho con tháng này”; “Bác Dinh ốm đấy, liệu mà đến thăm”...

 

Anh làm lành, pha trò thế nào cũng không thay đổi ý chí “sắt đá” của chị. Có lần chị còn giễu: Anh nên cho thêm gia vị, tiêu hành tỏi ớt vào chuyện đi, nhạt lắm.

 

Tưởng rằng “hết phép” thì anh chợt nghĩ ra một kế: Từ đấy anh không cố bắt chuyện với chị nữa, anh cũng làm mặt lạnh. Hàng ngày anh đi làm về thật muộn, có khi 9-10 giờ tối mới về, không những thế, anh còn thường xuyên bỏ cơm nhà.

 

Trước kia, quần áo anh luộm thuộm, bạ đâu mặc đấy. Giờ anh sắm toàn đồ hiệu, ra đường trong những bộ cánh phẳng phiu, là lượt cẩn thận, anh lại còn xức nước hoa nữa chứ.

 

Thỉnh thoảng anh lại soi gương, chải tóc, rồi ư ử hát mấy bài tình ca. Có hôm trước khi về nhà, anh vào hàng gội đầu, khi về đầu tóc bóng mượt, thơm phức, đôi khi lại có vệt son môi dính ở áo, ở... má.

 

Trước những “tín hiệu lạ” của anh, chị chột dạ, chị bèn theo dõi anh. Thế là trúng kế của anh. Hôm ấy biết chị đang rình, anh chủ động vào một hàng “gội đầu thư giãn”, gội xong, anh rút hẳn 1 trăm nghìn “bo” cho em nhân viên, xong ôm hôn "chụt" cô em một cái, lại còn vuốt má, tình tứ lắm. Cô em kia mắt cứ lúng la lúng liếng, hẹn anh mai lại đến.

 

Chị thấy tất. Về nhà, chị nổi cơn tam bành, mắng mỏ anh không tiếc lời, anh chỉ cười tràn rồi hỏi: Ô, thế đã chịu nói với anh rồi à. Đang chiến tranh lạnh, giờ chuyển thành chiến tranh nóng à?

 

Chị chợt hiểu ra “âm mưu” của chồng. Nguýt dài một cái, dí ngón tay vào trán anh, chị mắng yêu: “Bố nó cũng đáo để gớm. Nhưng đừng có đóng kịch với vợ mà thành nghiện thật, còn đi gội đầu với karaoke, để gái này bắt được thì không xong đâu”.

 

Anh cười tít mắt, tán rằng: “Dẫu rằng Đồ sởn, Đồ Sơn. Đồ nào thì cũng chẳng hơn... đồ nhà”. Chuyện nhà anh Thành thế là êm thấm, nhưng kể từ đấy “bố bảo” anh cũng không dám cợt nhả quá với vợ. 

 

Cũng trong tình trạng bị “cấm vận” nhưng anh Quang lại có cách “nối lại quan hệ ngoại giao” kiểu khác, kiểu này có ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin hiện đại!

 

Hai tuần nay, chị Lan, vợ anh không thèm “bắt nhời” với chồng, cũng chỉ bởi trong một lần vợ chồng tranh luận, anh Quang trót nặng lời: Dào ôi, “đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”, biết gì mà chí choé góp lời.Việc này cứ quyết như tôi, khỏi phải bàn bạc lắm cho nát.

 

Chị tức nghẹn họng, thề không thèm nói năng gì với gã phũ mồm, gia trưởng ấy nữa, anh Quang hỏi bất cứ việc gì chị cũng chỉ đáp: “Tôi đàn bà, biết gì đâu mà nói cho... nát”.

 

Anh Quang biết mình lỡ lời, mấy lần làm lành nhưng chị cương quyết áp dụng “luật im lặng”. Biết tính vợ những lúc buồn chán thường đi chát chít với bạn bè. Thế là anh Quang lập một ních chát mới, có tên “người ưu tư” rồi nhảy vào chát với vợ.

 

“Người ưu tư” kể với chị Lan rằng mình là một người đàn ông bất hạnh, lấy phải cô vợ có tính hay hờn dỗi, hơi tí là bỏ về nhà ngoại. Chồng chỉ mới hơi nói nặng một chút là đã giận dỗi đùng đùng, bỏ ăn mấy bữa, còn không thèm mua thức ăn cho chồng, khiến chồng phải chịu cảnh cơm hàng cháo chợ.

 

Vừa rồi vì giận dỗi, vợ anh bỏ về nhà ngoại, anh đi ăn cơm bụi, bị ngộ độc phải đi cấp cứu. “Người ưu tư” nói rằng sống với một cô vợ như thế thật là căng thẳng, anh đã viết đơn xin li dị, nhưng chưa nộp vì còn thương lũ con còn quá nhỏ...

 

Chị Lan liền khuyên “người ưu tư” rằng nếu vợ anh không đến nỗi quá quắt thì đừng bỏ nhau. Chị hỏi “người ưu tư” bình thường khi không giận dỗi, vợ anh là người thế nào.

 

“Người ưu tư” đáp bình thường vợ anh ta là người chịu thương chịu khó, có gì cũng nhường nhịn chồng con. Rồi “người ưu tư” hỏi chị Lan chuyện gia đình, chị Lan cũng dốc bầu tâm sự hết.

 

“Người ưu tư” khuyên rằng chồng chị cũng chỉ phải cái tính phũ mồm thôi, nhưng là người đàn ông có trách nhiệm với gia đình, nhìn chung mẫu đàn ông như thế là... tốt. “Người ưu tư” cũng khuyên chị không nên “già néo đứt dây”... Cứ thế hàng tuần liền, ngày nào họ cũng chát cho nhau, cả hai đều... khuyên bảo nhau, (thế mới biết khi không phải chuyện của mình, thường người ta sáng suốt và đại lượng).

 

Chị Lan đã không còn mặt nặng mày nhẹ với chồng nữa, chị còn chủ động làm lành với chồng. “Người ưu tư” cũng thông báo cho chị biết, anh ta đã “hoà bình” với vợ.

 

Cho tới bây giờ mỗi khi buồn bực chuyện gia đình, chị Lan lại trút bầu tâm sự với “người ưu tư”. Anh Quang thì vẫn giữ bí mật cái món võ này để mỗi khi vợ giận, anh lại... khuyên bảo vợ. Thế mới biết các cụ xưa có câu “đàn ông nông nổi giếng khơi” chẳng sai tí nào.

 

 

Theo Trần Định

VnMedia