Đàn ông... “nó” thế?
Suốt những năm là sinh viên, rất nhiều vệ tinh vo ve quanh Mai. Ngay sau khi tốt nghiệp, không đi làm theo ngành nghề được đào tạo, Mai chọn một doanh nhân làm bến đỗ cho cuộc đời mình.
Ngày Mai làm đám cưới, mỗi bước đi của cô trong hôn trường được dõi theo với những ánh mắt đầy ngưỡng mộ và pha chút ghen tị. Vậy mà giờ đây Mai nói sắp ly hôn.
“Chồng mình chẳng ra chồng” - Mai bảo. Cưới nhau xong, những tưởng được hưởng sung sướng thì Mai phải lao vào làm đủ việc vừa tiếp thị, vừa quản lý công ty in của nhà chồng. Từ ngày có Mai cáng đáng việc kinh doanh, chồng Mai nghiễm nhiên chuyển giao hết công việc cho vợ.
Ban đầu Mai cũng hãnh diện, nghĩ được chồng tin tưởng, đã dồn hết tâm sức cho công việc và lo kiếm tiền, thu vén gia đình.
Khi cơn sốt chứng khoán ào đến mọi nhà, chồng Mai đem hết vốn liếng đi chơi chứng khoán. Thấy chồng mê chứng khoán, Mai khuyên chồng đi học một khóa tử tế về ngành này nhưng mọi lời khuyên đều bị bỏ ngoài tai.
Sau những gặt hái ban đầu, tiền của Mai cứ theo mũi tên chỉ số vơi đi trông thấy. Rồi vốn liếng duy trì công ty in cũng theo chứng khoán bay đi. Mai bảo, nhưng đó chưa phải là điều khiến Mai có quyết định ly thân.
Từ ngày lấy chồng, mặc dù phải điều hành quản lý công ty, nhưng khi về nhà, Mai vẫn phải thu vén mọi việc. Trong lúc Mai tất tả cơm nước, giặt giũ, phơi phóng quần áo, lau nhà, kèm con học bài thì chồng Mai điềm nhiên vác vợt đi đánh tennis, tham gia câu lạc bộ câu cá, tụ tập bia bọt với bạn bè. Nếu hôm nào mà ở nhà thì y như rằng đức ông chồng doanh nhân lại nằm dài trên sofa để xem tivi. Mọi việc cứ như thế cho đến năm thằng cu lớn học lớp 8.
Một hôm, nghe con trai hỏi: “Sao bố lại không giúp mẹ việc nhà?” thì Mai như chợt bừng tỉnh. Lấy chồng 14 năm, bỗng một ngày Mai nhận ra mình kiệt sức.
14 năm qua Mai đã không sống cho mình. Mai bảo, Mai cần một người chồng cho ra chồng. Và tiêu chuẩn này của Mai chỉ đơn giản là khi muốn treo cái tranh thì có chồng đóng giúp cái đinh, khi nhà cửa bề bộn thì chồng chìa một tay giúp đỡ.
Nghe Mai kể, các cô bạn khác liền thống nhất góp lời: “Đàn ông nó thế, nhiều khiếm khuyết lắm” và một lô, một lốc các khiếm khuyết của các đấng phu quân được đưa ra bàn thảo.
Tựu trung lại đều ít quan tâm tới vợ, không chia sẻ việc nhà, không tham gia kèm cặp con cái học hành, tụ tập bia bọt, về muộn... Và ông nào cũng có thói quen tểnh tênh nằm xem tivi trong lúc vợ tất bật với việc nhà. Và khi được vợ góp ý thì đều thắc mắc: “Mọi khi vẫn thế sao hôm nay lại nổi khùng?”, cứ như là bị mắng oan.
Nghe những câu chuyện về các đức ông chồng của bạn cũ, ngồi giữa sân quán cà phê dưới trời mùa đông mà lưng áo tôi ướt đầm. Ngẫm ra, những khiếm khuyết của các ông chồng mà các cô bạn tiến sĩ, thạc sĩ, bét nhất cũng cử nhân của tôi vừa tổng kết kia thì món nào tôi cũng “dính”, ngoài ra tôi tự thấy mình có thêm nhiều tật xấu điển hình khác nữa.
Thế mà tới giờ này, sau 11 năm chung sống, vợ tôi vẫn chưa ngỏ ý muốn đôi ngả đôi đường cho nhẹ nợ thì cái thằng tôi quá là may mắn. Và, tối nay sau khi tan sở về nhà, cơm nước xong, tôi sẽ mời vợ lên salon nằm khểnh xem tivi để mình thu mâm, dọn bát, giặt quần áo, lau nhà... Tôi hứa. Chí ít là như thế.
TheoTGPN