Đàn ông khi yêu, đàn ông sau khi cưới
(Dân trí) - Một ngày đẹp trời, chị mua hoa về cắm, dọn dẹp nhà cửa thật tươm tất, nấu vài món ăn thật ngon, diện chiếc váy thật xinh.
Chồng chị xuất hiện trước cửa nhà, có chút ngỡ ngàng vì hôm nay nhà mình có gì đó là lạ: “Nhà mình hôm nay có sự kiện gì thế vợ?”. Chị ngồi phịch xuống ghế, nét mặt lộ rõ vẽ thất vọng.
Chị nhớ lại ngày xưa, anh nhớ rõ ngày nào hai người gặp nhau, sinh nhật đầu tiên khi yêu nhau chị mặc váy màu gì. Thậm chí, anh còn chu đáo tặng hoa chị nhân 100 ngày kể từ khi anh nói lời tỏ tình. Vậy mà bây giờ, đến ngày trọng đại như kỉ niệm ngày cưới anh cũng không nhớ.
Thật ra thì, theo thời gian, ai rồi sẽ cũng thay đổi. Đàn ông khi yêu và đàn ông sau khi cưới là hai hình ảnh hoàn toàn khác xa nhau. Khác nhiều đến nỗi nhiều chị em cảm giác như mình bị lừa, như thể người đàn ông mình từng yêu đã lột xác trở thành một người khác.
Về cơ bản, đàn ông khi yêu và đàn ông sau khi cưới khác nhau như thế nào?
Lãng mạn ư? Vẽ chuyện!
Một bó hoa nhân ngày kỉ niệm, ngày lễ, những món quà đầy bất ngờ, những lời yêu thương có cánh khiến phụ nữ cảm thấy mình là người may mắn và hạnh phúc nhất thế gian. Rồi sau khi kết hôn, mọi thứ cứ nhạt dần và một ngày biến mất không dấu vết.
Nhiều người vẫn tặng hoa tặng quà cho vợ, nhưng không còn vẻ hân hoan thắm thiết như xưa, mà thể hiện nó như một thứ nghĩa vụ, một việc phải làm. Cũng có người “cắt giảm” hẳn tiết mục này vì cho rằng như vậy là vẽ vời, là không cần thiết. Đã là vợ chồng rồi, màu mè làm gì nữa.
Soái ca trở thành sói ca?
Nhiều chị em bị sốc khi sau khi cưới chồng mình như hoàn toàn đổi khác. Đâu rồi chàng trai gọn gàng, lịch lãm, thơm tho những buổi hẹn hò? Đau rồi chàng trai tế nhị, hài hước đáng yêu.
Mọi thứ hình ảnh lung linh chỉ là viễn cảnh xa mờ. Hiện tại là ông chồng vừa đánh răng vừa ngáp, quần áo lôi thôi lếch thếch, đồ thay ra vứt khắp nơi, tất cũng mỗi nơi một chiếc. Chàng không còn chăm chút diện mạo bề ngoài, quần áo trong tủ có gì mặc nấy.
Trước đây chàng tế nhị khéo léo biết bao nhiêu thì giờ suồng sã và thô lỗ bấy nhiêu. Chàng ăn nói không giữ kẽ, thậm chí còn nói tục trước mặt vợ con. Những chuyện không đáng đùa cũng đem ra đùa khiến vợ mình ấm ức hờn tủi.
“Sao em nói nhiều thế?”
Ngày còn yêu nhau thật vui biết bao. Một ngày không biết bao lần chàng nhắn tin gọi điện, hỏi han từ bữa ăn đến giấc ngủ, dặn dò từ chuyện nhớ quàng khăn khi ra ngoài đến việc nhớ uống nước ấm kẻo viêm họng.
Nhiều lúc chàng nhắn tin chẳng để làm gì, chỉ là nhớ quá nên nhắn cái vậy thôi, chỉ là nhớ quá nên gọi nghe giọng em chút cho đỡ nhớ thôi. Chàng nói đủ chuyện, kể cả những chuyện tầm phào chẳng liên quan. Nhiều hôm còn trò chuyện thâu đêm suốt sáng.
Sau khi cưới, chàng bỗng trở nên ít nói hẳn. Lời nói cũng không còn nhẹ nhàng mà khô khan cộc lốc. Chàng hình như không có nhu cầu chuyện trò, trừ những việc cần phải nói, thời gian rảnh rỗi dùng để đọc báo và chơi game.
Có nhiều cặp đôi, mỗi lần ở bên nhau, hình như vợ chỉ độc thoại một mình. Nói nhiều có khi còn khiến chàng cáu gắt “sao em càng ngày càng nói lắm thế”, “Chuyện có gì đâu mà em cứ làm phức tạp lên”, “Những chuyện của anh, có nói em cũng không hiểu được đâu”.
Những quan tâm dặn dò, những trìu mến sẻ chia bỗng trở nên vô cùng xa xỉ. Như thể chàng nghĩ, vợ chồng rồi, sống với nhau hiểu rõ quá rồi, cần gì phải nói nhiều nữa. Và rồi, sự gắn kết giữa vợ chồng cứ lỏng lẻo dần đi.
“Sao em lúc nào cũng mở mồm ra là tiền thế”
Ngày còn yêu nhau, hai người chỉ có một thứ liên quan chính là tình cảm, mọi thứ thật nhẹ nhàng. Sau khi cưới nhau rồi thì có vô vàn những nỗi lo, tiền bạc là một vấn đề không hề nhỏ. Gánh nặng “trụ cột gia đình” hình như là một áp lực với đàn ông. Vậy nên hai chữ “tiền bạc” đôi khi trở thành nỗi ám ảnh với các chàng. Họ thấy vợ mình không còn là cô gái vô lo khi xưa, thay vào đó là một người thực dụng, chuyện gì cũng quy ra tiền, hễ mở miệng ra là tiền. Và điều đó khiến các chàng dễ cáu gắt khi cho rằng vợ mình chỉ chú trọng đến chuyện tiền nong. Còn chị em phụ nữ thì lại cho rằng đàn ông vô tâm không hiểu hết những nỗi lo của vợ.
Công bằng mà nói, nếu phụ nữ thấy người đàn ông của mình khi yêu và khi cưới hoàn toàn khác nhau thì với đàn ông, người phụ nữ mình yêu cũng khác nhiều như vậy. Cũng chưa chắc đã là thay đổi, có lẽ chỉ là vì khi yêu chưa tỏ tưởng hết về nhau, mơ mộng nhiều nên cưới xong vỡ mộng. Bởi một lẽ tất nhiên, khi yêu thì “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”. Khi về chung một nhà rồi thì ưu khuyết điểm phô bày ra hết. Tính cách hay dở thế nào đều lột trần ra trước mắt bạn đời không cách gì che đậy.
Vậy nên, là vợ chồng, quan trọng nhất vẫn là thấu hiểu, chia sẻ, chấp nhận và bao dung lẫn nhau. Nhược điểm to coi như nhỏ, nhược điểm nhỏ coi như không có. Như ông bà ta nói: “Thương nhau cau sáu bổ ba” chứ đừng “cau sáu bổ ra làm mười”.
L. G