“Dằn mặt” chồng bằng chiêu “câm nín”

Từ hôm Tuấn mải vui bia bọt, nhậu nhẹt với bạn bè về muộn, vợ giận, cứ mặt lạnh và chưa chịu hé rằng nửa lời. Biết lỗi, Tuấn năn nỉ rồi mua quà tặng vợ mà tình hình cũng không được cải thiện. "Chiến tranh lạnh" thế mà đã diễn ra được ba hôm rồi.

Dấu chấm hỏi

 

Tuấn vẫn thắc mắc, không hiểu tại sao vợ lại giận lâu đến thế dù anh đã là người chịu xuống nước trước. Thực ra, Tuấn không phải là kẻ ham chơi. Chỉ vì hôm ấy, anh vô tình gặp lại một chiến hữu học chung từ thời cấp III nên mới tâm sự, hàn huyên quên hết thời gian đến thế. Khổ nỗi, cái điện thoại của Tuấn lại hết pin đúng thời điểm, nên dù gắng thanh minh đến thế nào, vợ anh cũng cố tình không chịu hiểu và chẳng muốn nghe bất kỳ lời phân trần nào từ phía chồng. 

 

Từ hôm ấy, nàng bắt đầu thời kỳ "chiến tranh lạnh" và không chịu nói lời nào. Thực tình, Tuấn thấy cái lỗi của mình không có gì ghê ghớm vì từ trước tới nay anh vốn là người đàn ông tử tế, thương vợ thương con hết mực, cứ hết giờ làm là lại về thẳng nhà, có mấy khi nhậu nhẹt bê tha như nhiều ông chồng khác. Vậy mà bỗng nhiên vợ giận, chẳng chịu nói một lời. Tuấn càng hỏi, nàng càng im tiếng.

 

Vợ càng im lặng thì Tuấn càng cảm thấy khó hiểu. Anh không biết vợ đang nghĩ gì, cần gì để bản thân có thể chuộc lỗi. Anh cố tìm mọi cách để thuyết phục và trêu đùa vợ mà chẳng ăn thua. Không khí căn nhà bỗng trở nên căng thẳng và nặng trịch. Bỗng dưng, Tuấn thấy chán nản, thấy mọi cố gắng của mình đều trở nên vô nghĩa. Ba ngày, năm ngày rồi đến cả tuần, tình hình cũng chẳng khác đi. Tuấn bỗng dưng không muốn về nhà bởi anh nhận thấy rằng sự hiện hữu của mình dường như không còn ý nghĩa với cái gia đình nhỏ bé này nữa.

 

Im lặng, có phải là giải pháp?

 

Đàn ông sợ những phụ nữ nói nhiều, nhưng khi gặp phải tình cảnh "vợ không nói gì" lúc ở nhà lại càng khiến các quý ông căng thẳng. Sự giận dỗi đến nỗi phải làm mặt lạnh buộc các ông thắc thỏm, hồi hộp vì không biết thế nào mà lần. Sự im lặng kéo dài đôi khi dễ khiến cho các cặp vợ chồng cảm thấy khó bắt đầu và không biết phải làm thế nào để phá vỡ bầu không khí căng thẳng đó.

 

Tuấn tâm sự: “Tôi đã chịu nhận lỗi, vậy mà nàng nhất quyết không cho tôi cơ hội sửa sai. Đàn bà thật khó hiểu. Càng dễ thì nàng càng làm già, càng được thể  lên mặt. Đến khi không thể chịu nổi, tôi quyết tâm không về nhà hai đêm, thế là vợ tôi mới khóc lóc, gọi điện ngay cho chồng bù lu bù loa cốt sao để hạ hỏa trong lòng. Ừ thì là nặng lời, nhưng chúng tôi cần điều đó hơn là việc các nàng cứ cố tình im lặng rồi cáu bẳn thông qua nét mặt hằn học, bực bội.

 

Ít ra qua những lần nặng lời, nàng có thể xả xì trét, còn chúng tôi lại có thể biết được vợ đang muốn gì, cần gì để chiều theo.

 

Hạnh phúc là cảm thông và chia sẻ

 

Sau lần ấy, vợ chồng anh Tuấn đã hòa bình trở lại và ríu rít nói cười như ngày xưa. Chị Loan (vợ anh Tuấn) vẫn thanh minh: Thì ít ra anh ấy phải ra chỗ khác gọi điện về cho vợ. Đằng này, biết là vợ đang chờ cơm, vậy mà...

 

Nói thì nói thế thôi nhưng chị Loan vẫn chia sẻ: “Anh ấy tìm mọi cách để làm lành với mình nhưng chẳng hiểu sao mình không thể bỏ qua được. Tính làm mặt lạnh vài ngày cho bõ ghét, ai dè anh ấy lại giận và bỏ nhà đi luôn. Nhưng đúng là phải có sóng gió mới hiểu được nhau”.

 

Chị Loan cười to: “Tính tự ái của người đàn ông lớn lắm. Cái gì làm quá, dù chỉ một chút thôi cũng để lại những hậu quả khôn lường. Cũng may là tôi biết dừng lại, chịu gọi điện cho anh. Nếu ai cũng vì cái tính sĩ diện, cao ngạo của bản thân thì chẳng biết mọi chuyện rồi sẽ đi đến đâu nữa”.

 

Trong chuyện tình cảm, cách ứng xử cần phải linh hoạt, tinh tế. Sức chịu đựng của con người cũng có giới hạn. Im lặng đúng chỗ, đúng lúc là điều đáng được khuyến khích. Tuy nhiên, nếu các chị em coi đó là thứ vũ khí để giơ ra bất cứ lúc nào thì hãy coi chừng, nó giống như chơi "dao hai lưỡi" vậy. 

 

Theo Trang Lê

Đời sống gia đình