“Đạn” chắc, “đạn” lép

Trước tiên cần nhấn mạnh rằng, không sinh con đẻ cái được có thể xảy ra với bất kỳ ai, đàn ông cũng như đàn bà, chứ không phải do số, do trời phạt.

 
“Đạn” chắc, “đạn” lép  - 1


 
Trong y học, các bác sĩ thích sử dụng từ “hiếm muộn” hơn “vô sinh” vì nó đem lại cho người bệnh niềm hy vọng còn cứu chữa được. Có những người chưa bao giờ có con thì y học gọi là “hiếm muộn nguyên phát”. Nhưng cũng có những người đã từng có con rồi, sau này muốn có con nữa lại không được thì y học gọi là “hiếm muộn thứ phát”.

 

Làm sao biết “chắc” hay “lép”?

 

Có một số trường hợp người đàn ông có thể nghĩ đến khả năng mình bị hiếm muộn là khi “cậu nhỏ” bị trục trặc, thường cong quắp lại nên không quan hệ vợ chồng được, hay khi quan hệ mà không xuất tinh.

 

Có trường hợp hai tinh hoàn quá bé hay không có hai tinh hoàn. Còn trong đại đa số các trường hợp khác chỉ khi đi xét nghiệm tinh trùng mới biết được.

 

Xét nghiệm tinh trùng được y học gọi là tinh dịch đồ hay tinh trùng đồ. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ sẽ cho biết người chồng có bị tinh trùng yếu không, tức là tinh trùng có số lượng ít quá, có hình dạng bất thường nhiều và bơi kém.

 

Y học không dùng từ tinh trùng yếu mà gọi là “thiểu nhược tinh”. Một số người lại không có con tinh trùng nào trong tinh dịch cả, có thể do tinh hoàn không sản xuất ra tinh trùng hoặc tinh hoàn vẫn sản xuất ra tinh trùng nhưng đoạn đường tinh trùng đi qua bị tắc, thì y học gọi là bị “vô tinh”.

 

Khi khám, việc đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi người bệnh những chuyện có thể có liên quan đến hiếm muộn như đã từng có thai với ai chưa, có từng bị quai bị lúc trẻ không, đã từng quan hệ tình dục không an toàn chưa, có dùng hoặc tiếp xúc với một số loại thuốc có tác động làm giảm sinh tinh như thuốc kháng ung thư không v.v...

 

Kế tiếp bác sĩ sẽ khám toàn thân và đặc biệt là khu vực “cậu nhỏ” đang lưu trú xem có gì bất thường không, hai tinh hoàn lớn hay nhỏ, tĩnh mạch tinh có bị dãn không, bệnh nhân có ống dẫn tinh không… Kết thúc buổi khám, bệnh nhân sẽ được yêu cầu làm một số xét nghiệm mà quan trọng nhất là tinh dịch đồ. Nếu tinh dịch đồ bình thường thì bệnh nhân không phải khám và điều trị thêm gì nữa. Nếu tinh dịch đồ có bất thường, bệnh nhân sẽ được yêu cầu làm thêm các xét nghiệm cao hơn. Đó là định lượng các nội tiết tố sinh dục và các xét nghiệm như siêu âm tổng quát, siêu âm Doppler bộ sinh dục, siêu âm qua trực tràng, xét nghiệm di truyền nhiễm sắc thể, sinh thiết tinh hoàn… Qua phần thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ có thể biết được vì sao bệnh nhân bị hiếm muộn và có phương hướng chữa trị.

 

Chữa “đạn” lép:  không khó!

 

Chữa hết bệnh để tinh trùng hồi phục lại, người bệnh có con tự nhiên vẫn là ưu tiên hàng đầu. Với sự phát triển của nam khoa hiện nay, khả năng can thiệp của y học để giúp cải thiện chất lượng tinh trùng là không quá khó. Vấn đề là người bệnh phải kiên trì và có niềm tin.

 

Với những trường hợp bị thiểu nhược tinh, có thể điều trị bằng thuốc tây hay đông y. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học chắc chắn là một trong các thứ thuốc trên hay một loại thuốc nào khác có hiệu quả thật sự. Do vậy, hiệu quả và ít tốn kém nhất là nên loại bỏ những ảnh hưởng của chất gây hại cho tinh trùng ngay từ đầu như rượu, thuốc lá, thuốc kích thích, ma tuý, thuốc diệt côn trùng, chất glycol ether dùng trong sơn, mực in và keo dán; tránh mặc quần lót chật; tránh quan hệ tình dục không an toàn… Ngoài thuốc, những người có tinh trùng yếu mà bị chứng dãn tĩnh mạch tinh, thì phẫu thuật cột những tĩnh mạch dãn này có thể giúp tinh trùng khoẻ lại. Nếu các biện pháp này vẫn không hiệu quả, bệnh nhân có thể có con bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Thủ thuật đơn giản đầu tiên là lọc rửa tinh dịch, chọn những tinh trùng khoẻ mạnh, đem bơm vào buồng tử cung người vợ ngày trứng rụng. Nếu tinh trùng quá yếu hay bơm tinh trùng vẫn thất bại, bệnh nhân sẽ được chuyển sang làm thụ tinh trong ống nghiệm.

 

Với bệnh nhân vô tinh, nếu tinh hoàn vẫn sản xuất tinh trùng thì bệnh nhân vẫn có nhiều khả năng có con được bằng phẫu thuật nối thông lại đường dẫn tinh. Những người đã triệt sản rồi, sau này lại muốn có con thì phẫu thuật nối lại hai đầu ống dẫn tinh, có thể thành công tới trên 90% trường hợp. Tuy nhiên cần lưu ý thời gian cột ống dẫn tinh càng lâu, khả năng nối thành công càng kém. Nếu phẫu thuật nối thất bại, hay nếu ống dẫn tinh tắc nhiều chỗ, không thể nối được thì vẫn có thể có con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm. Ngay cả trường hợp “cùng cực” nhất, tinh hoàn không tạo ra tinh trùng nữa thì y học vẫn có khả năng chữa, trừ khi mô tinh hoàn chỉ toàn là các tế bào xơ teo thì khi đó y học mới… bó tay.

 

 

Theo TS.BS Nguyễn Thành Như

Sài gòn tiếp thị