“Đàn áp” chồng bằng nước mắt
“… Tôi cứ bị ám ảnh, thậm chí stress vì những tiếng rấm rứt giữa đêm khuya. Chúng tôi cũng hay mâu thuẫn nhưng ít khi to tiếng, vì người nói chủ yếu là tôi. Cô ấy chỉ ngồi khóc, nhưng lại khóc rất dai…”.
Khi yêu nhau, thấy bạn gái khóc, bạn trai dễ thông cảm hơn, luôn nghĩ mình là bờ vai cho cô ấy tựa vào, là người lau khô dòng nước mắt cho cuộc đời của cô ấy. Khi đứng bên cạnh người phụ nữ khóc và tựa vào vai hay ngực mình, đàn ông thấy mình thật vĩ đại.
Nhưng khi cưới nhau rồi, rất nhiều đàn ông “gõ cửa” nhà tư vấn tâm lý xin được giúp đỡ: “Tôi phải làm sao đây! Cô ấy khóc nhiều quá, khóc đến nỗi làm tôi cũng phải khóc cho cái thân mình luôn. Không vừa ý cái gì cô ấy khóc, căng thẳng ở cơ quan cô ấy khóc, nghi ngờ chồng có bồ cô ấy càng khóc dữ hơn. Thậm chí, một buổi chiều buồn, nhìn mây bay, cô ấy cũng tuôn lệ”.
Anh Trung cho biết, nước mắt của vợ có quyền uy thật. Nhưng sống với nhau sau một thời gian, nó đã không còn làm anh xúc động mà trở nên trơ lì, có khi anh còn xem thường.
“Nhiều lần vợ chồng tôi cãi cọ, tôi gào lên với cô ấy rằng, thà cô cấu véo chửi rủa tôi còn hơn là ngồi khóc. Tôi còn xúc phạm cô ấy là “nước mắt cá sấu”, “khóc giả tạo”... Cô ấy cũng không phản ứng, mà chỉ ngồi khóc...”.
Ghen bằng nước mắt
Anh L.V.C. (giảng viên một trường Đại học ở Hà Nội) cũng khổ sở vì những giọt nước mắt tuôn không ngừng của vợ. Vợ anh C. mở cửa hàng kinh doanh ở nhà, tâm tính yếu đuối và rất hay ghen.
Anh nói: “Tôi ít khi về nhà mà không thấy mí mắt của vợ sưng vù, ngấn nước. Cô ấy rất yêu tôi, luôn nghĩ tôi có người tình bên ngoài nên ghen. Tôi làm đủ mọi cách để cô ấy hiểu là không có chuyện đó, nhưng gần chục năm nay tình trạng vẫn không thay đổi. Tình cảm vợ chồng cũng nhạt nhẽo vô cùng, vì ai có thể âu yếm được một người vợ mà nước mắt nước mũi khi nào cũng chảy tràn. Con cái thấy bố buồn, mẹ khóc cũng không mấy khi vui”.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Trung Can, khóc là một “nghệ thuật”. Tức là giọt lệ tuôn ra phải đúng lý do, đúng lúc và đúng đối tượng.
Dùng nước mắt làm vũ khí chỉ có ý nghĩa trong một số trường hợp, chứ lần nào cũng mang ra sử dụng thì sẽ không phát huy tác dụng. Nhất là trong đời sống hôn nhân, khi cảm xúc của người chồng đối với người vợ hao mòn dần theo năm tháng, thì sự khóc lóc quá đáng chỉ làm cho họ thấy mệt mỏi. Chưa kể, không hiếm những người đẹp sử dụng nước mắt để đạt được mục đích cá nhân hay là để “trị” chồng.
Đàn ông thỉnh thoảng cũng nên khóc. Nhưng để những giọt nước mắt được chấp nhận thì đàn ông nên khóc trong những lúc phù hợp (đổ lệ vì tiếc thương người thân đã khuất thì có thể chấp nhận được nhưng vì lo sợ thì là điều đáng xấu hổ).
Giọt nước mắt của lòng trắc ẩn và thương xót đối với người đàn ông tuy không được đề cao nhưng cũng tạm chấp nhận ở chốn đông người. Khóc là một hành động quan trọng để giải phóng hormone gây stress, vì vậy sẽ rất tốt nếu để cảm xúc được giải tỏa. Đàn ông thường phong toả cảm xúc và để các vấn đề dai dẳng trong lòng, như thế sẽ chỉ phát sinh stress và bệnh tật. Do vậy, để không bị đánh giá là yếu đuối, đàn ông có thể đóng cửa và khóc một mình trong phòng.
Các nhà tâm lý cho rằng, trong cuộc sống, thỉnh thoảng cũng nên khóc. Đó là một cách giải toả stress rất hữu hiệu. Một nghiên cứu của Giáo sư William H. Frey (Mỹ) cho thấy:
- Sau khi khóc xong có tới 85% số phụ nữ và 73% số đàn ông cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng, giải toả được sự ức chế tâm lý.
- Phụ nữ khóc nhiều gấp 3 lần đàn ông; 61% các bà thú nhận đã khóc với nhiều cung bậc, từ nghẹn ngào ấm ức đến lăn lộn vật vã. Nhưng có tới 80% các ông thì cho hay khi khóc, mắt họ chỉ ngấn nước, thậm chí có người... khóc không có nước mắt.
- Có đến 65% số phụ nữ cho biết, sau màn khóc lóc với chồng, họ cảm thấy hân hoan, tươi tắn như chưa có chuyện gì xảy ra.
Chính vì thế, nhà tâm lý khuyên chị em phụ nữ không nên nín khóc, vì đó vừa là cách giải toả cảm xúc, vừa thể hiện được rằng mình là phụ nữ, yếu đuối nên mau nước mắt.
TheoGĐ&XH