Đại gia săn “rau sạch” ở khu công nghiệp

Cô gái ngồi trước mặt tôi còn khá trẻ nhưng vẻ mặt đã hằn đậm nét tàn phai. Cô với tôi chẳng xa lạ gì bởi trước đây đã từng ở cùng khu nhà trọ, vậy mà gặp ngoài đường chút nữa tôi đã không nhận ra nếu cô không lên tiếng trước.

 
Đại gia săn “rau sạch” ở khu công nghiệp - 1

Phòng kế hoạch hóa gia đình,
nơi không ít nữ công nhân tìm đến để giải quyết hậu quả.

 

 

Cách đây chỉ vài năm thôi, Lan, tên của cô gái, còn là một đóa hoa đồng nội ngạt ngào hương sắc. Theo bè bạn, Lan từ quê hương Hà Tĩnh vào Nam lập nghiệp. Xin vào làm công nhân cho một công ty ở khu công nghiệp Sóng Thần - Bình Dương, cuộc đời Lan chắc sẽ phẳng lặng trôi đi nếu không có sự xuất hiện của một người đàn ông tên Nghĩa.

 

Ban đầu chỉ là những lần đưa đón, mỗi người một xe bởi cô đi xe đạp chứ kiên quyết không lên chiếc Spacy cáu cạnh của ông ta. Nhưng theo thời gian, những món quà nhỏ cùng với sự chăm sóc ân cần của người đàn ông từng trải dần dần đã khiến Lan xiêu lòng.

 

Căn phòng trọ nhỏ của Lan từ đó trở thành nơi đi về thường xuyên của ông Nghĩa. Tuy nhiên, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang khi vợ lớn của ông ta ở Sài Gòn phát hiện. Một cơn giận lôi đình cùng với đòn ghen khủng khiếp giáng xuống đầu Lan. Sợ vợ, gã đàn ông mà Lan đặt hết niềm tin và tình yêu đầu đời biến mất. Ôm cái thai gần năm tháng tuổi, cô âm thầm chuyển chỗ ở và nghỉ luôn công ty vì không còn mặt mũi nào ở đó.

 

Không việc làm, không nơi nương tựa và cũng chẳng dám về quê, Lan thuê một phòng trọ nhỏ chờ ngày sinh nở. Số tiền dành dụm được tằn tiện lắm cũng không đủ, ngày Lan đi sinh, những người ở cùng phải góp lại cho cô mỗi người một chút. Không thể liên lạc với Nghĩa vì ông ta đổi số, tìm cách nhắn qua những người quen của ông ta cũng không có phản hồi.

 

Trong lúc quẫn trí, Lan đã dứt ruột cho đi đứa bé với suy nghĩ sẽ cố gắng làm lụng mong đến ngày nào đó nhận lại con. Đi làm được vài tháng, thấy công việc cũng tạm ổn cộng thêm nỗi nhớ con, Lan quyết định đón đứa bé về, gửi tạm cho một người giữ trẻ tư, chờ nó lớn một chút đưa về tạ tội với gia đình.

 

Trở lại khu nhà trọ, nơi cho đứa bé, Lan điếng người khi biết cặp vợ chồng công nhân nhận nuôi con gái cô đã nghỉ làm về quê. Họ không muốn cô biết nên không nhắn gửi gì và cũng không để lại địa chỉ. Những người trọ cùng chỉ biết mang máng họ ở Vĩnh Long, Tiền Giang gì đó. Đi tìm con vài lần theo những chỉ dẫn mơ hồ, lần nào cũng về trong vô vọng.

 

Mơ ước có một gia đình dù chỉ một mẹ một con quấn quýt với nhau của Lan vụt trở thành xa lắc. Không còn niềm tin vào cuộc sống, cái sinh linh nhỏ bé mà cô nghĩ vì nó cô sẽ làm tất cả cũng vuột khỏi tầm tay, Lan lao vào những cuộc tình mà cô mất nhiều hơn được rồi trở thành gái bao lúc nào chẳng hay.

 

Lúc gặp tôi, Lan bảo cô sẽ về quê làm lại từ đầu rồi khi có thể, cô lại tiếp tục đi tìm con. Nước mắt lăn dài trên gò má xanh xao, Lan nức nở: “Tất cả tình yêu và niềm tin của em giờ đây đang ở đâu đó dưới miền Tây chị ạ! Nếu không tìm được lại nó, em chỉ mong nó sẽ được nuôi nấng nên người, cuộc đời nó sẽ không phải như em...”.

 

Cuộc đời bi đát như Lan tôi chưa gặp thêm lần nữa nhưng những cô gái chân lấm tay bùn đi làm công nhân rồi trót sa vào bùn nhơ thì gặp nhiều lắm.

 

Ngày học phổ thông, Minh được coi là hoa khôi của một trường miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Nhà nghèo nên sau khi thi trượt đại học, Minh lặn lội vào Bình Dương tìm việc. Gõ cửa hết công ty này đến công ty khác, cuối cùng cô cũng kiếm được chân may gia công cho một doanh nghiệp chuyên về may mặc với mức lương 1,3 triệu đồng/ tháng.

 

Làm chưa ấm chỗ, cơn bão khủng hoảng kinh tế tràn tới đẩy cô rơi vào cảnh thất nghiệp. Đang lúc không việc làm, không nơi nương tựa thì một người đàn ông nghĩa hiệp xuất hiện. Ông ta trang trải toàn bộ tiền thuê nhà, tiền ăn và trả thêm cho Minh một triệu đồng mỗi tháng với điều kiện có thể đến với Minh bất cứ lúc nào. Điều kiện quá hấp dẫn khiến Minh nhắm mắt chấp thuận dù biết ông ta đã có gia đình.

 

Đảo quanh các nhà trọ ven khu công nghiệp sẽ không mấy khó khăn nhận diện những nữ công nhân trong cảnh “một chủ - một thợ” như vậy. Các đại gia gọi đó là “rau sạch” bởi theo họ, quan hệ với những cô gái có gốc gác quê mùa này an toàn hơn nhiều so với những cô gái nhà hàng.

 

Đức - một đại gia về buôn bán xe máy ở Thủ Đức - nói: “Nuôi “rau sạch” vừa rẻ, vừa có hàng xài thường xuyên, miễn đừng để bà xã phát hiện”.

 

Chân dung những “chủ vườn”

 

Bên cạnh một số nữ công nhân do hoàn cảnh khó khăn đưa đẩy, phần lớn những cô gái chấp nhận làm “rau sạch” đều do lười lao động, ham hưởng thụ nên mức lương công nhân không đủ trang trải cho những nhu cầu quá sức của họ.

 

Trong khi hàng ngàn cô gái trong các khu công nghiệp đêm ngày vất vả sống bằng sức lao động chính đáng của mình thì họ chấp thuận làm trò mua vui, sống tầm gửi vào những gã đàn ông ăn chơi lắm tiền. Sự bất công này đã gây nên những phản ứng từ những công nhân chân chính.

 

Phương, nữ công nhân công ty T.T bức xúc: “Nhiều hôm tan ca, chúng tôi bị những gã đàn ông đáng tuổi bố mình gạ gẫm, đeo bám. Có lẽ họ cho rằng ai cũng như ai”.Trong số hàng vạn cô gái đang sống với mức lương chưa quá hai triệu kia không phải ai cũng đủ bản lĩnh và lòng tự trọng để khước từ cám dỗ như Phương, bởi những người lân la mò đến khu công nghiệp với mong muốn lập “phòng nhì” cũng muôn hình vạn trạng.

 

Ở đây không phải chỉ có những gã đàn ông có thói quen ong bướm, dư thừa tiền của mà có cả trí thức, thậm chí không ít những công chức nhà nước từ thành phố xuống. Với họ, sự khó khăn về kinh tế, điều kiện sống xa gia đình của chị em công nhân dường như là một yếu tố để họ có thể tận dụng triệt để vào việc thực hiện mục đích của mình.

 

Dù thuộc thành phần xã hội nào thì những ông “chủ vườn” ở đây đều có chung một đặc điểm: Đều có gia đình. Thậm chí không ít người đàn ông có những tổ ấm biết bao người mơ ước với vợ đẹp con khôn, nhà cửa đàng hoàng. Nhưng dường như câu ca dao của người xưa: “Sông bao nhiêu nước cho vừa/Trai bao nhiêu vợ cho vừa lòng trai” luôn luôn đúng.

 

Họ sẵn sàng bỏ sau lưng biết bao điều tiếng, đặt hạnh phúc gia đình vào cảnh “làm xiếc trên dây” để lao vào những mối quan hệ với mục đích duy nhất là thỏa mãn nhu cầu bản năng. Chính lối sống hưởng thụ, coi nhẹ những giá trị đạo đức truyền thống đang gặm nhấm vào từng gia đình và làm ô nhiễm môi trường sống của các khu công nghiệp.

 

Dũng - một thợ sơn nước ngoài - thổ lộ: “Nhiều đứa dễ dãi lắm, mình không xài thằng khác nó rinh mất cũng tiếc”. Thế là để khỏi tiếc, gã đàn ông đã là bố của hai cô gái tuổi cặp kê ngày ngày lén vợ con đi “sơn nước” ở một căn phòng cách nhà chỉ chừng 300m.

 

Theo Công An Nhân Dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm