Cơn nóng giận của trẻ lên hai

(Dân trí) - Theo bác sỹ Heather Neil, chuyên viên tư vấn sức khỏe sinh sản bà mẹ trẻ em quốc gia (Anh): Trẻ lên hai có xúc cảm tương đối mạnh mà không biết cách biểu lộ. Vì thế trẻ dễ la hét, ghen tuông, buồn chán thể hiện rất rõ qua hành vi.

Để “hạ hỏa” cơn bực tức của trẻ, bố mẹ cần linh hoạt biến những cái “không” thành “có,” luôn giữ bình tĩnh, kiên nhẫn, điềm đạm, tránh quát nạt kể cả những khi ức chế, khó chịu nhất”.

Cho bé quyền lựa chọn



Cho bé quyền lựa chọn

Đó là lúc bé cảm thấy “cái tôi” được vuốt ve khi bố mẹ đánh giá cao sự tự do, độc lập của mình. Trước khi yêu cầu bé ăn hay làm việc gì đó, bạn nên đưa ra sự lựa chọn đơn giản, chẳng hạn như: “Có sữa chua dâu tây và hương vị chuối, con thích cái nào?” Điều này giúp trẻ phải quyết định chọn một trong hai. Bạn không nên hỏi chung chung “con thích sữa chua nào?” vì trẻ có thể đòi loại sữa chua mà bạn không có, đâm ra giận dỗi.

Luôn đảm bảo bé được an toàn

Khi bé nổi “cơn tam bành”, bố mẹ cần quan sát kĩ để đảm bảo bé được an toàn và không bị tổn thương. Nên bế bé đến một vị trí an toàn, ân cần, ôm ấp, dịu dàng, cưng nựng cho đến khi bé hoàn toàn trấn tĩnh.

Thiết lập thói quen cố định

….là phương pháp vô cùng quan trọng để chế ngự cơn thịnh nộ của bé. Nên cho bé ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt thống nhất theo giờ giấc cụ thể để hình thành thói quen cố định.

Trường hợp bé sinh hoạt giờ giấc thất thường sẽ dẫn đến tình trạng cáu kỉnh nếu bị bố mẹ bắt ép, hối thúc, quát nạt khi đang mải mê với trò chơi hay bộ phim hoạt hình mới mà bỏ bê bữa ăn, mắt không buồn ngủ.

Nhượng bộ hay phản ứng mạnh?

Sau một ngày làm việc mệt nhoài, bạn chỉ muốn bé nhanh chóng rời xa màn hình TV, chuẩn bị tắm rửa và ăn tối. Thế nhưng bé không đồng ý, tỏ thái độ hờn lẫy, giậm chân thình thịch, quăng đồ lung tung, khóc lóc và la hét inh ỏi để “dọa” bố mẹ. Theo tiến sỹ Noel Janis-Norton, chuyên gia nghiên cứu hành vi trẻ nhỏ: “khi bố mẹ nhượng bộ, đồng tình với sự đòi hỏi của con, sẽ khiến bé hành xử theo cách tương tự và không bao giờ trưởng thành”.

Cũng không cần thiết phải đôi co qua lại hay thỏa hiệp, thương lượng vì như thế trẻ sẽ nghĩ “à, ý mẹ không phải thế”. Bạn nên đi thẳng vào vấn đề “Thôi chúng ta về” hay “Đi tắm nào bé yêu” để dập tắt suy nghĩ “nhờn thuốc” của trẻ.

Bạn cũng không nên hứa hẹn vì điều này khiến trẻ hí hửng, hi vọng. Giả sử bạn quên lời hứa, trẻ cảm thấy bị tổn thương và hành động đồng tình của bé trở nên vô nghĩa.

Ngoài ra bố mẹ nên học cách lắng nghe chăm chú để hiểu bé muốn gì, khôn khéo đáp trả hòa hợp theo ý thích của trẻ. Nếu bé hét to, hãy kiên nhẫn chờ đến khi tiếng la “chìm” dần xuống, rồi nhẹ nhàng vỗ về cảm thông “mẹ biết con đang bực tức vì không được xem hết bộ phim. Nhưng lúc này chúng ta phải ăn cơm tối rồi đi ngủ. Ngày mai con xem cũng được. Có ai lấy mất của con đâu”. Khi thấy bố mẹ chú ý đến tiếng hét thu hút “sự tập trung,” bé phần nào thấu hiểu và sớm xua tan cảm giác dỗi hờn.

Qua đây chúng ta có thể thấy trẻ sinh ra hoàn toàn chưa biết cách cư xử. Nhiệm vụ của bố mẹ là chăm lo, giáo dưỡng và dạy bảo bé trong từng trường hợp cụ thể. Nên cân chỉnh hành vi “thiếu đẹp mắt” và luôn ngợi khen khi trẻ có những hành động tốt đáng khích lệ.

C.Nguyễn
Theo Netdoctor