Con dâu đau đớn vì mẹ chồng coi thường thông gia
Mẹ Hằng vừa ôm con gái vừa khóc: “Mẹ thương con quá. Con lựa giục chồng con về rồi mà tách ở ông bà ra, chứ ở như thế này nhục lắm con ạ”.
Có quá nhiều mâu thuẫn trong gia đình mà Hằng chẳng biết phải giải quyết từ đâu, như thế nào. Chồng Hằng phải sang Nhật làm việc. Mỗi năm anh chỉ về thăm vợ con 1 lần rồi lại đi.
Từ khi lấy Tú, Hằng luôn sống trong cảnh bị o ép, dò xét, stress. Tất cả nguyên nhân chỉ vì mẹ chồng Hằng chưa bao giờ hài lòng ở con dâu. Ngay từ ngày Tú dẫn Hằng về ra mắt đến khi đã chính thức làm con dâu bà, bà lúc nào cũng ngứa mắt với Hằng. Hằng lại có phần chậm chạp nên mẹ chồng đâm ra càng ghét.
Trước khi lấy Tú, Hằng yêu một người đàn ông những gần 4 năm rồi bị phản bội. Chính thời điểm đau khổ nhất, tưởng chừng không thể yêu ai được nữa thì Hằng gặp Tú. Tú là người đàn ông mẫu mực, hiền lành, có trách nhiệm, lại là con trai Hà Nội gốc. Gặp Tú, Hằng như người chết đuối vớ được cọc, yêu như thể yêu lần đầu.
Những ngày đầu về làm dâu, Hằng luôn cố gắng hòa đồng, xởi lởi và khéo léo cư xử với bố mẹ chồng. Hàng ngày cô chịu khó dậy sớm dọn dẹp, lau nhà từ tầng 1 đến tầng 3. Có lần, Hằng thu dọn hết các loại giầy dép, quần áo ra thùng rác để nhà cửa sạch sẽ, ai ngờ trong đó có một túi quần áo mẹ chồng cô dọn ra để gửi về quê. Mẹ chồng Hằng về nhà biết vậy réo ầm lên, đay nghiến con dâu: “Ai khiến cô dọn dẹp đồ của tôi? Toàn đồ còn mới mà bỏ đi. Từ giờ tôi cấm cô tự tiện vứt bỏ đồ trong nhà đi. Có gì cũng phải hỏi tôi”.
Hằng nghe mẹ chồng mắng mình thì mặt biến sắc, cô không biết giải thích thêm thế nào cho mẹ chồng hiểu.
Kể từ buổi đó, Hằng tự nhủ mình chỉ được dọn dẹp trong phòng của vợ chồng cô và cuối tuần có bố mẹ chồng ở nhà thì mới lau nhà.
Một lần đi làm về, đi qua phòng mẹ chồng, Hằng nghe mẹ chồng cô nói chuyện, nghe vài câu cô nhận ra là đang nói chuyện với con trai: "Nó (ý chỉ Hằng) chỉ được cái giả vờ chăm chỉ chứ lười thối lười thây. Phòng như cái chuồng lợn, chả bao giờ thấy cầm cái chổi quét nhà, để mẹ 65 tuổi phải leo tầng lau dọn” khiến Hằng muốn chực lao vào gào lên mà ghìm lòng được.
Vì chồng và nghĩ đến đứa con trong bụng, Hằng cũng cố gắng mềm mỏng, hòa nhã, “nhịn đắng nuốt cay” với mẹ chồng. Lần nào đi công tác, kể cả sang Nhật thăm chồng về, Hằng cũng mua quà cho bố mẹ chồng. Tất cả Hằng chỉ mong mẹ và gia đình chồng hiểu con dâu hơn.
Mâu thuẫn giữa Hằng và mẹ chồng căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi cô sinh con đầu lòng. Sau khi từ viện về, bố mẹ Hằng mang gà, chim bồ câu và rau, gạo lên bồi dưỡng con gái. Nghĩ bố mẹ từ quê lên, Hằng vui vẻ và nhiệt tình mời ông bà ở lại ăn cơm.
Vậy mà khi biết ông bà thông gia ở lại buổi đêm đó, mặt mẹ chồng Hằng sưng lên, cắn cảu chẳng nói được câu nào nên hồn với thông gia. Bà còn đá thúng đụng nia chửi đổng con chó nhà hàng xóm kế bên nữa.
Mẹ Hằng hỏi han bà thông gia câu gì bà cũng đáp lại giọng chỏn lỏn, khó chịu, không mặn mà. “Con Hằng ấy không chịu nghe lời tôi. Bảo là chịu khó vận động để đẻ thường mà nó lười đi bộ, giờ đẻ mổ có phải mẹ đau, con vất không”, rồi nào là: “Các bà ở quê mới thế chứ người Hà Nội trên này không mấy ai quan tâm đến chuyện kiêng cữ sau sinh đâu, thời kỳ nào rồi mà còn lạc hậu thế” khiến mẹ đẻ Hằng nghe mà tím mặt.
Ngay sáng hôm sau, bố mẹ Hằng khăn gói quần áo về quê sớm mặc Hằng khóc lóc muốn mẹ ở thêm với mình vài hôm. Mẹ Hằng vừa ôm con gái vừa khóc: “Mẹ thương con quá. Con lựa giục chồng con về rồi mà tách ông bà ra, chứ ở như thế này nhục lắm con ạ”.
Lúc này Hằng mới cay đắng nhận ra nỗi niềm đau khổ của việc gái quê lấy chồng thành phố. Hơn bao giờ hết cô mong đến ngày chồng mình về nước, vợ chồng cô được ra ở riêng để thoát khỏi chuỗi ngày phải giả câm, giả điếc đau đớn, mệt mỏi này.
Theo Châu Anh
Gia đình và Xã hội