Con cái du lịch Tết, bố mẹ già cô đơn

Đã ba năm nay, cứ dịp tết là cả nhà chị Nhàn lại rủ nhau đi du lịch nước ngoài. Chồng chị Nhàn bảo: “Chỉ có dịp tết được nghỉ dài ngày, phải tranh thủ mà đi, ở nhà chẳng biết làm gì”.

 
Con cái du lịch Tết, bố mẹ già cô đơn - 1


Bà Riêng, mẹ chồng chị Thanh Nhàn cho rằng: “Ngày tết không làm cơm cúng mời ông bà về ăn tết là bất hiếu”. Vì vậy ba năm qua, dù gia đình chị Thanh Nhàn tìm mọi cách mời, năn nỉ bà đi du lịch cùng, nhưng bà kiên quyết từ chối. Người con gái bà lấy chồng ra ở riêng, cũng có thói quen tết đến rủ cả nhà đi xa. Nên ở đại gia đình này, bữa cơm họp mặt đầu năm diễn ra khi các nhà khác đã hết tết.

 

Từ khi thói quen ăn tết bằng du lịch, giải trí thâm nhập vào các gia đình, thì ở Sài Gòn, người già càng cảm thấy buồn, cô đơn nhiều hơn. Họ không thể buộc con cháu suy nghĩ theo cách của họ, cũng không thể làm gì để giữ chân con cháu ở nhà, quây quần tạo không khí gia đình. Vậy nên trái ngược với xu hướng tết rộn ràng nhộn nhịp của giới trẻ, là cảm giác buồn và tĩnh lặng nhiều hơn ở người lớn tuổi.

 

“Tết đến là tôi lại trở thành mụ bõ già giữ nhà”, bà Yên, ngụ ở hẻm gần chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình đã nói thế. Buổi họp mặt toàn thể con cháu trong nhà diễn ra vào 28 tết, để rồi sau đó mỗi người sẽ tự do ăn tết theo kế hoạch riêng của mình. Bà Yên kể: “Ngày thường con cháu đi làm, đến tối cũng về ăn bữa cơm gia đình, còn ngày tết thì có khi gần mười ngày tôi phải ăn cơm một mình. Mở tivi cả 70 kênh, xem mãi chán, lại đi ngủ. Ngày thường 10 giờ tối nhà mới khoá cửa, ngày tết khoảng 6 giờ tối là tôi khoá cửa rồi, ở một mình cũng sợ…”

 

Cô quạnh

 

Những loại thực phẩm chế biến sẵn, dịch vụ cung cấp món ăn ngày tết, món thờ cúng được bán khắp các cửa hàng, siêu thị kèm với dịch vụ giao hàng tận nơi tưởng chừng giải phóng người nội trợ khỏi những vất vả bếp núc, mang lại cho họ thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Nhưng mặt trái của nó, là làm cho không khí chuẩn bị tết trong gia đình trở nên nguội lạnh hơn. Như bà Yên bảo: “Cái gì bây giờ cũng bán sẵn, mua là xong, tết chẳng mấy vui”.

 

Mua hàng làm sẵn, chất đầy tủ lạnh, khi con cháu không ăn cùng, thì người lớn tuổi cũng chẳng màng đến chuyện ăn. Chị Trần Thị Minh, kế toán trưởng công ty thương mại có văn phòng ở quận 3 đã từng có thói quen rủ bạn bè đi du lịch tết. Năm ngoái, chị lên máy bay vào chiều ngày mùng 1, đến mùng 3 gọi điện về nhà không thấy mẹ nghe máy. Đến chừng gọi qua hàng xóm mới biết mẹ bị trúng thực, nôn và tiêu chảy liên tục, mất sức nên phải vào bệnh viện cấp cứu. Lật đật về nhà thấy mẹ nằm đó một mình, tô cháo thịt nạc mà hàng xóm nấu giúp mang qua từ buổi sáng đến chiều vẫn còn y nguyên, lạnh tanh, kiến bu đầy. Chị Minh nhớ lại: “Lúc đó tôi đã bật khóc. Khi ba mất, mẹ nuôi tôi cho ăn học đàng hoàng, gây dựng cho tôi gia đình hạnh phúc, để rồi về già phải cô quạnh như thế, tôi thấy mình có lỗi”. Và điều chị lo nhất là: “Tôi sợ rồi đến tuổi già tôi cũng sẽ phải ở một mình như thế”. Vậy nên, tết này và từ nay về sau, chị Minh đã quyết định sẽ không bao giờ đi du lịch nữa.

 

Cũng ở trường hợp tương tự nhà chị Thanh Nhàn, vợ chồng anh chị Thuyết - Ngân ngụ ở chung cư phường 25, quận Bình Thạnh đã tìm được giải pháp là sẽ ở nhà đón tết, làm cơm cúng tổ tiên đầy đủ. Đến hết mùng 3 tiễn ông bà xong, mùng 4 cả nhà sẽ đi chơi trong vài ngày. Anh bảo: “Đi trễ hơn, tức nghỉ được ít ngày thì khó mà đi chơi xa, nhưng như thế bản thân mình an lòng, mà cha mẹ già cũng vui”.

 

Theo SGTT