Có nuôi con mới biết lòng cha Mẹ
Tết trong trí nhớ ngày xưa rất vui. Tết về mang đến niềm vui vì được mặc áo mới, có đồ chơi mới, nhiều đồ ăn ngon, cả nhà quây quần bên nhau, được nhận tiền mừng tuổi.. Ấy vậy mà thi thoảng nghe lén thấy Mẹ và Dì than thở với nhau trong bếp "sợ Tết" mà không hiểu vì sao?
Dấu ấn của Mẹ trong từng chi tiết Tết
Những ngày Tết cổ truyền thì trẻ con là người vui sướng nhất, được mặc quần áo mới, tung tăng trong sân ngoài ngõ không bị ai quản thúc nhắc học bài, đến bữa được ăn ngon, có lỡ tay chân nghịch ngợm cũng không bị trách phạt, và hơn thế, ai đến chơi nhà thì trẻ cũng được nhận những phong bao lì xì đỏ thắm. Thật là sung sướng khi năm hết tết đến với những lời ca mừng Xuân rộn ràng trong nhà ngoài ngõ. Cho nên, sẽ vô cùng ngạc nhiên khi người lớn than thở với nhau “Sợ Tết”.
Khi lớn, nhớ lại việc Mẹ phải làm, học theo để phải tự tay chăm lo cái Tết gia đình, mới thấy, chẳng có góc Tết nào trong nhà thiếu bàn tay của Mẹ. Bàn thờ gia tiên con có lau chùi, đánh bóng lư hương cũng phải có tay Mẹ sắp xếp trái cây, mâm cúng. Góc hoa trái dù cha có chọn, chở về, tì để tỏa nét Xuân cũng phải nhờ sự trang trí của Mẹ. Các con kịp có áo mới chơi Xuân cũng phải Mẹ chăm lo. Có bận rộn chuẩn bị Tết mới thấu hiểu sự tỉ mỉ Mẹ gửi trong từng món ăn theo sở thích của từng người để không khí gia đình thêm đầm ấm. Mẹ bảo, đối với phụ nữ Việt Nam, gian bếp là nơi giữ lửa yêu thương cho tổ ấm. Đặc biệt những bữa cơm cúng gia tiên ngày Tết là thể hiện đỉnh cao của sự tinh tế của người phụ nữ biết chăm lo cho gia đình.
Mẹ ơi, con cảm ơn Mẹ!
Cái Tết của người trưởng thành, nhất là khi đã có gia đình và con cái hoàn toàn khác với lúc tuổi thơ. Những ngày bé tôi còn ngây thơ, hồn nhiên vui cười đón Tết. Và giờ đây, tôi đang tiếp tục thực hiện thiên chức như Mẹ ngày nào. Nào phải đi chợ mua sắm Tết, không chỉ áo quần mà còn trăm thứ tỉ mỉ cho từng bữa ăn. Cơm cúng rước và tiễn ông bà, đến những món ăn cho con của từng ngày, món nào đãi khách món nào cho ông bà… Càng bận rộn, lo lắng bao nhiêu càng thấy thấm nỗi vất vả của Mẹ ngày xưa, chắt chiu, tỉ mỉ từng chút để cho con cái, người thân có được cái tết vẹn toàn, ấm áp.
Sau những lo toan bộn bề của Tết, cho Tết thì những phút lặng để nghĩ về một năm trôi qua, hoạch định cho một năm tới. Nghĩ về gia đình, người thận, về Mẹ… chính là giờ phút thiêng liêng mà Tết đem lại, là giá trị truyền thống.
Một năm qua đi, tôi đã thấy trên đầu Ba Mẹ tôi nhiều tóc bạc hơn. Tôi mong thời gian ngừng trôi để có thể níu giữ mãi những khoảnh khắc đáng nhớ này, khoảnh khắc tôi được sống trong tình yêu thương đùm bọc chở che của Mẹ.
Mẹ ơi, con cảm ơn Mẹ!
Còn bạn thế nào? Bạn đã cảm ơn Mẹ chưa? Không chỉ bằng hành động chăm lo vật chất, hãy thể hiện bằng lời nói và hành động ngay từ lúc này, bạn nhé!
Có Mẹ là có Tết