Có những ngày buồn tênh đi qua
(Dân trí) - "Khi con người ta vẫn còn trên đời, tưởng rằng còn nhiều thời gian, nhiều cơ hội. Thực ra cuộc đời là một phép trừ, gặp nhau một lần, ít đi một lần" - ngày đó tôi chưa đủ lớn để hiểu được ý nghĩa của những câu chữ ấy. Nhưng hôm kia, đi dự đám tang một người bạn, tôi mới thảng thốt nhận ra, đời vốn không dài như ta tưởng.
Thời sinh viên, tôi và bạn cái gì cũng thích giống nhau, từ quần áo, từ đôi giày, đến màu son phấn. Chỉ có chuyện tình cảm là mỗi người một khác. Bạn thích mẫu đàn ông hiền lành chân chất. Tôi lại thích những tên hào hoa, lịch thiệp. Tôi cười khóc vài lần đổ vỡ mới lấy chồng. Bạn yêu chỉ đúng một người là cưới. Công việc, gia đình cứ tất bật lo toan. Những cuộc điện thoại hẹn hò năm bảy lần dang dở. Lần mới nhất đến thăm bạn, bạn bảo “đến chơi nhiều với tao đi, ít nữa có muốn chắc gì gặp được”. Nắm tay bạn bảo: “mày còn sống lâu lắm, còn nhiều cơ hội gặp nhau lắm”. Để rồi khi nhận được tin nhắn bạn mất rồi, mới cay xè mắt ngộ ra rằng có những lúc bỏ quên hiện tại, là tương lai vĩnh viễn chẳng còn cơ hội nào nữa.
Bạn nằm đó, thoát khỏi những cơn đau giày vò thân xác, nét mặt nhẹ nhàng, môi hình như khẽ cười thay cho lời vĩnh biệt. Chồng bạn, người đàn ông đã bên bạn suốt những ngày bão giông của số phận, người đàn ông hiền lành, vụng về mà ngày xưa mình ỉ ôi chê, đang nắm tay bạn khóc ngất. Chồng bạn yêu và thương bạn lắm. Như một người cha, như một người anh, như một người bạn. Đến nỗi, nhiều người phát ghen với bạn, bởi bạn có xinh đẹp gì lắm đâu, có thông minh gì lắm đâu, cũng có lắm bạc nhiều tiền đâu, mà được chồng yêu thương nhiều đến thế. Hóa ra, phụ nữ chẳng cần phải nghiêng nước nghiêng thành, chỉ cần có một người đàn ông nghiêng về mình là đủ. Nghĩ đến đó, bất chợt muốn mỉm cười. Cuộc đời không cho bạn số mệnh lâu dài, nhưng cho bạn tình yêu. Sống ít mà được yêu nhiều, có gì là không tốt?
Hôm kia rảnh rỗi, cầm chiếc gương nhỏ lên soi, cảm giác không biết diễn tả làm sao khi thấy trên đầu mình đã thấp thoáng vài sợi bạc. Nhớ thuở lên chín lên mười, mỗi lần cha nhờ nhổ tóc bạc, lúc nào cũng ra yêu sách: “con nhổ một sợi, cha trả cho con một nghìn nhé”. Cha đồng ý, thế là mừng vui nhẩm tính “mười sợi tóc bạc được mười nghìn, hai mươi sợi là hai mươi nghìn… số tiền này sẽ để dành mua cái nọ, mua cái kia…” Và cứ mong tóc cha bạc nhiều để được nhiều tiền. Giờ về gặp cha, vuốt nhẹ tay lên mái tóc đã trắng một màu như cước, nước mắt bỗng tràn mi. Chợt nghĩ, giá như mình có thể dùng tiền để mua lại thời gian, chỉ để được nhìn cha trẻ trung trong mái tóc xanh thuở nào. Ước để rồi nhận ra sự tàn nhẫn của thời gian là không giới hạn.
Tôi rất ít khi đánh con. Bởi tôi nghĩ, lạm dụng đòn roi chỉ càng làm cho trẻ trơ lỳ cảm xúc và tìm cách chống đối. Chỉ thỉnh thoảng, trong cơn tức giận tôi phát vào mông con vài cái. Cô con gái ba tuổi của tôi liền vừa khóc vừa nói: “Con ghét mẹ!” Chỉ ba từ thôi mà tôi nghe nặng như đá. Cảm tưởng như bao nhiêu chăm chút, bao nhiêu yêu thương dành hết cho con bỗng chốc bị cái miệng bé xinh đang chành môi ra khóc kia làm tổn thương khủng khiếp.
Ngày xưa, thỉnh thoảng tôi cũng bị mẹ đánh. Đó là những buổi ban trưa mải chơi đồ hàng không nhớ về trông nhà cho mẹ đi cấy. Là những chiều chăn bò mải mê chơi trò đến nỗi để bò về trước ăn hết cả vườn rau khoai mà không biết…Bị mẹ đánh mắng, có khi khóc, khi không, nhưng buồn tủi thì lần nào cũng có. Đã đôi lần tôi tự hỏi: “Thật ra mẹ có thương mình không?” Giờ làm mẹ rồi mới biết đó là câu hỏi ngu nhất quả đất!!!
Tuổi thơ, mấy ai không trải qua đòn roi. Có thể nhờ những đòn roi ấy mà ta trưởng thành và lớn lên. Cũng có thể vì những đòn roi ấy mà trở thành những ám ảnh đớn đau của một thời ấu dại.
Có chị đồng nghiệp từng kể với tôi: con gái chị đang tuổi lớn, bướng và khó bảo lắm, chị từng hét lên với con: “Giờ tao mới thấy đẻ mày ra đời tao khổ!” Thậm chí có bà mẹ từng nói: “Tao mà biết đẻ mày ra như thế, thà tao đẻ ra quả trứng vịt lộn tao luộc ăn còn hơn.” Tôi nghe, tự nhiên thấy nhói lòng.
Con cái không có quyền lựa chọn cha mẹ. Con cái không có quyền được chọn mình có nên ra đời hay không. Cha mẹ cũng không có quyền được chọn con đẹp hay xấu, ngoan hay hư, mạnh mẽ hay yếu đuối, thông minh hay khờ dại…Nhưng cha mẹ có quyền chọn có nên sinh con ra hay không. Người ta thường bảo “thương cho roi cho vọt”. Đánh con vì thương con hay cho đã cơn tức của mình?
Tôi, với bản tính đàn bà, thỉnh thoảng vẫn hay cáu giận với con. Những lúc thấy tôi giả vờ loay hoay tìm roi, con gái tôi đều sợ hãi, hoảng loạn. Mỗi lần như thế, chồng tôi hay bảo: Dạy con nhất thiết phải đánh hay sao? Con mình như tờ giấy trắng, mình viết gì lên đó cũng được. Nhưng anh muốn mình là người đầu tiên viết lên trang giấy ấy những dòng yêu thương. Đừng để con có một tuổi thơ nhiều hờn tủi và nước mắt. Trái tim trẻ thơ mong manh lắm. Chúng ta mắng con cho đã miệng, đánh con cho đã tay, rồi tự nhủ: lớn lên con sẽ hiểu lòng cha mẹ. Nhưng đợi đến khi con đủ lớn để hiểu thì liệu có muộn quá không?
Có những thứ khi đã đi qua, khi biết đã muộn màng, cũng chính là khi biết rằng không có cách gì lấy lại. Thân xác, tuổi trẻ, sự hồn nhiên… đã mất đi rồi nghĩa là mất đi vĩnh viễn.
Vậy nên tự nhắc mình, dành nhiều thời gian hơn cho những người còn rất ít thời gian như cha mẹ. Gặp bạn bè nhiều hơn khi còn có sức vui chơi. Sau một ngày làm việc, cất điện thoại đi, hạn chế dùng máy tính đi, để con không phải thui thủi một mình nói chuyện với búp bê, với gấu bông. Tranh thủ ngay thôi từng phút từng giờ, dẫu cuộc sống nhiều khi xô bồ và bận rộn. Nhưng nếu cứ chờ đến khi ta hết bận, thì biết bao giờ ta mới hết bận để yêu nhau.
Lê Giang