Bạn đọc viết:

Có nên nhẫn nhịn mãi?

(Dân trí) - Lâu nay ai cũng cho Vân là người may mắn, sung sướng khi lấy chồng là con nhà giàu có, lại trẻ trung, ga lăng... Nhưng đâu có ngờ...

Sau rất nhiều nỗ lực và cố gắng, Vân cũng được lên thành phố học đại học. Đây là một cơ hội để cho những hoài bão hy vọng được đổi đời của cô sẽ có thể trở thành hiện thực. Những ngày đầu mới bước chân vào cổng trường đại học, Vân luôn cảm thấy phấn chấn, cô luôn tự nhủ mình phải học thật tốt mới mong có cơ hội tìm được một công việc “kiếm ra tiền”.

 

Cô học hành chăm chỉ, không có thời gian ngồi “tán gẫu” với bạn bè. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng khá trong tay, cô đi hết nơi này đến nơi khác, hết công ty to rồi đến công ty nhỏ, hết nội thành đến ngoại thành nhưng vẫn không xin được một việc làm như ý. Ngồi hồi tưởng lại những vất vả đã qua mà cô thấy ngao ngán, rồi một quyết định nhanh chóng được thiết lập. Cô nhận thấy rằng muốn bám trụ được ở thành phố thì phải có kinh tế và chỗ ở ổn định mà cô thì vốn xinh đẹp và tốt tính.

 

Trong số những người theo đuổi cô có Phú, không to cao, không đẹp trai, học không giỏi nhưng bù vào những thiếu sót đó lại là con nhà giàu, có hộ khẩu thành phố. Sau bao nhiêu đêm suy nghĩ, Vân quyết định nhận lời yêu Phú với ước mơ đổi đời nhanh chóng, có được cuộc sống không phải lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền, lại có hộ khẩu ở thành phố. Tình yêu đến thật nhanh và quyết định đi đến hôn nhân của đối uyên ương cũng thật mau lẹ. Chỉ trong khoảng bốn tháng họ tổ chức lễ thành hôn.

 

Sau lễ vu quy, cặp vợ chồng trẻ được bố mẹ chồng cho ở riêng với một ngôi nhà ba tầng, có đầy đủ tiện nghi hiện đại.

 

Cứ nghĩ rằng, cuộc sống từ đây sẽ luôn mỉm cười với Vân nhưng… Nếu hồi yêu nhau, Phú chiều chuộng Vân bao nhiêu, vì cô anh làm mọi việc, miễn sao cho người yêu được hài  lòng thì sau ngày cưới, Phú không vào bếp cùng vợ nữa. Hôm nào Vân nấu cơm ở nhà là Phú cáu kỉnh, làu bàu vì không hợp khẩu vị. Cô muốn nhờ chồng chỉ bảo thì Phú lại không dạy. Anh luôn nói rằng con gái mà không biết nấu ăn thì chăm sóc gia đình như thế nào.

 

Nếu trước khi kết hôn, Phú thường xuyên về thăm bố mẹ vợ tương lai, luôn làm cho bố mẹ, anh trai và em gái vợ hài lòng, không thấy có khoảng cách về quan niệm sống, không thấy có sự khác biệt giữa người nông thôn và người thành thị… thì kể từ khi làm đám cưới đến nay đã được nửa năm rồi mà không bao giờ thấy Phú đả động, nhắc nhở gì bên gia đình vợ. Vân có nhắc thì anh nói: “Ông bà ấy có ốm đau gì mà phải thăm! Anh ngại đi lại lắm, ở đây nghỉ cho khoẻ. Về bên đó chán lắm, chẳng có gì hứng thú cả. Anh nghĩ chỉ một mình em đI là được rồi cần gì phải đi hai người. Em về bên ấy nói với ông bà ấy là anh rất bận không đi được”.

 

Mọi chuyện không dừng lại ở đó. Phú từng thủ thỉ rằng “Anh không muốn em phải vất vả. Chỉ muốn em ở nhà lo cho anh và vun vén gia đình. Em có nhiệm vụ cao cả là hãy sinh cho anh một đàn con ngoan ngoãn và khoẻ mạnh. Gia đình mình không phải lo nhiều về kinh tế, một mình anh đi làm là được rồi”. Thấy vợ không nghe lời, Phú bắt Vân phải ghi sổ nhật ký chi tiêu hằng ngày. Hôm nào cô quên không ghi sổ thì anh đay nghiến: “Tôi biết cô cố tình không ghi chép để dấm dúi mang tiền về cho bố mẹ đẻ à?”, hay “Cô không ghi sổ để tích cóp tiền cho ai thế?”… Rồi chuyện giờ giấc đi làm, chỉ cần về chậm một chút là Phú sửng cồ, cáu kỉnh, với lời lẽ chua chát: “Cô đi đâu mà giờ này mới thèm vác xác về nhà”, “Có chồng rồi mà vẫn còn đàn đúm”, “Làm gì mà nhiều chuyện thế?”, “Không về nhà mà lo cơm nước à”…

 

Kể cả chuyện “gối chăn” vợ chồng, anh luôn là người quyết định, tôi luôn là người thi hành. Phú không biết đến cảm xúc, tâm trạng, sức khoẻ của vợ …rất nhiều và rất nhiều. Nếu có ý định bày tỏ cùng anh thì chưa nói hết câu Phú quắc mắt lên, quát tháo ầm ĩ, đập phá đồ đạc… Vân đành ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong để cho gia đình được yên ổn. Trong thâm tâm cô cũng hiểu ra nhiều điều, vì cô lựa chọn sai lầm, tìm hiểu chưa kỹ đã vội vàng đi đến hôn nhân. Liệu rằng cô có nhẫn nhịn mãi để gia đình êm ấm được không???

 

 

Vân Anh