Giai đoạn “dân số vàng” Việt Nam:

Cơ hội trỗi dậy đi cùng nguy cơ xã hội

(Dân trí) - Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam bước vào giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”. Bên cạnh kỳ vọng về sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế, nước ta cũng đang phải đối mặt với kịch bản xấu của sự phát triển.

Cơ hội “hóa rồng”

 

Theo ông Nguyễn Quốc Trọng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ): “Nước ta đang bắt đầu giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”. Nghĩa là, cứ 2 người trong độ tuổi lao động mới phải “nuôi” 1 người phụ thuộc (trẻ em dưới 15 tuổi và người già trên 60 tuổi). Giai đoạn này được dự đoán sẽ kéo dài 30 năm, từ năm 2010-2040.

 

Đây là cơ hội mà tất cả các quốc gia đang phát triển chờ đợi để trỗi dậy. Trước đó, Hàn Quốc, Trung Quốc…đều đã “hóa rồng” ở giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”.

 

TS Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân, phân tích thêm về những thuận lợi đem đến khi Việt Nam bước vào thời điểm cơ cấu dân số lịch sử này. Đó là sự tập trung của một lực lượng lao động trẻ hùng hậu chưa từng có. Một khi lực lượng này được tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động, sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo ra giá trị tích luỹ lớn cho tương lai của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội khi nước ta bước vào giai đoạn “dân số già”.

 

Cùng đó, khi tỉ lệ trẻ em dưới 15 đang giảm đi đáng kể sẽ tạo cơ hội cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng. Vả lại, trẻ em ít đi thì tỉ số giáo viên, cơ sở vật chất/ học sinh tăng lên, tạo điều kiện phát triển giáo dục và là cơ hội nâng cao thể lực, trí lực cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) so với dân số trong độ tuổi lao động cũng đang giảm. Số không nằm trong độ tuổi sinh đẻ sẽ tham gia vào lực lượng lao động. Tỉ lệ người ở tuổi nghỉ hưu giảm đi cũng khiến quỹ phúc lợi xã hội “nhẹ gánh” và có cơ hội đầu tư nhiều hơn cho chất lượng sống của người già.

 

Thiếu việc làm sẽ dẫn đến mại dâm, ma túy

 

Theo ông Bruce Campbell - Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Thế giới tại Việt Nam: Đây sẽ là cơ hội “vàng” để Việt Nam tiến những bước vượt bậc. Tuy nhiên, cần lưu ý đến mặt trái của vấn đề. Nếu không có sự chuẩn bị  đầu tư cho tương lai thì khi những thế hệ tương lai trưởng thành, họ sẽ không có việc làm kể cả khi họ di cư và tìm việc làm. Lúc đó, sẽ xảy ra một kịch bản rất nguy hiểm là các tệ nạn xã hội như: bán dâm, ma tuý sẽ phát triển.

 

 

 

Cơ hội trỗi dậy đi cùng nguy cơ xã hội - 1

Nguồn nhân lực lao động ở nước ta dồi dào nhưng chủ yếu là giản đơn.

 

Chia sẻ nhận định này, ông Dương Quốc Trọng nhận định: Nếu nước ta cứ duy trì  số liệu đáng buồn, tức là có tới 75% người chỉ là lao động giản đơn, thì không thể tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội. Hơn thế tình trạng thất nghiệp rất dễ xảy ra ở khu vực này. Bởi lượng cung đã át cầu.

 

Theo báo cáo về tình hình thị trường lao động Việt Nam của Bộ LĐ-TB-XH, nước ta đang thiếu trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành tài chính, ngân hàng, du lịch, bán hàng... nên nhiều nghề và công việc phải thuê lao động nước ngoài. Trong khi đó, lao động xuất khẩu đa phần chỉ đạt chất lượng thấp, mới qua đào tạo sơ đẳng, không có ngoại ngữ.

 

Trong năm 2009, do ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu, rất nhiều thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam đã đóng cửa. Nhiều lao động phải về nước trước thời hạn. 

 

Đương nhiên, thiếu việc làm, không thể tạo ra của cải vật chất đủ đáp ứng nhu cầu sống của xã hội, tất yếu giá trị tích lũy sẽ thấp. Hơn nữa, không có việc làm thanh niên rất dễ sa vào các tệ nạn xã hội. Thực tế ở nước ta cho thấy,  hầu hết những người nghiện chích ma tuý, nhiễm HIV/AIDS đều rơi vào lứa tuổi lao động, lứa tuổi từ 20-29 tuổi.

 

Tình trạng đô thị hóa nhanh cũng đang làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội nhức nhối. Hầu hết số nông dân mất đất vẫn đang trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, họ không có cơ hội tìm được việc làm, do không có chuyên môn. Hiện đa phần chỉ sống dựa vào tiền đền bù do mất ruộng, đất. Ở những khu vực này cũng  đang gia tăng nhanh chóng  tỷ lệ thanh niên tội phạm (cờ bạc, hút chích, mại dâm)... do sẵn tiền lại thiếu công việc.

 

Theo ông Trọng, để tận dụng giai đoạn “dân số vàng”, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ LĐ-TB-XH tập trung đào tạo, nâng cao tay nghề người lao động, đặc biệt là nông dân. Các đơn vị chức năng cũng được giao trách nhiệm nỗ lực hơn nữa tăng cường các hợp đồng xuất khẩu lao động . Bên cạnh đó, Công nghệ thông tin và truyền thông cũng được xác định  là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta.  Mục tiêu đến năm 2020 là sẽ đào tạo 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin, phát triển công nghiệp phần mềm, thu hút đầu tư nước ngoài.

 

Thanh Trầm