Cô đơn của biển

(Dân trí) - Tôi sinh ra ở một làng chài ven biển, những đứa trẻ làng chài thường tự xưng là đứa con biển cả. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ thế, làm sao bảo mình là con của biển khi biển từng nhấn chìm ba của tôi.

 
Cô đơn của biển


Tôi lên 10 tuổi đã không còn thấy mặt ba, má con tôi chẳng có nổi một tấm hình ba để thờ. Ba ghét lạ lùng trò chụp choẹt. “Ngó hoài mặt nhau mới thấy thương chớ mấy tấm hình giả tạo có gì hay mà muốn giữ gìn”, ba nói như lường trước sẽ có ngày mọi người ngắm ba qua thứ ảo ảnh hư hao. Biển cướp ba đi rồi nhưng tôi chẳng giận biển. Giận giữ là nỗi bất hạnh. Yêu thương đã không giữ trọn vẹn, như ba tôi đi mãi, như con còng biển tôi mê tít cố rời xa tôi để chạy theo gió, níu làm chi thêm oán giận vào đời.

 

Tôi lam lũ từ nhỏ chẳng dư thời gian, hơi sức để mông lung tưởng tưởng rồi nhân cách hóa biển khơi. Biển không phải ba má cũng chẳng là anh em, bè bạn, với tôi biển chỉ là biển. Biển là cô đơn. Cô đơn như những sớm tinh mơ hai má con hì hục chèo thuyền thúng đi đánh lưới. Biển bao la và ánh dương ngập lênh láng. Tôi thấy bóng má đổ dài, xiêu vẹo như ánh lửa hiu hắt trong cây đèn dầu tù mù má thường thắp mỗi buổi nhá nhem. Cô đơn như tiết tập làm văn, cô giáo ra đề “miêu tả một ngày làm việc của bố”. Trang vở trắng lóa như cồn cát phơi nắng rát bỏng bước chân tôi. Đầu óc tôi rỗng tuếch không sắp nổi chữ nào, chỉ phảng phất mùi cá tôm tanh nồng, mùi biển khơi hào sảng, mùi rong rêu mặn mòi, những thứ đấy quyện lại thành một mùi riêng biệt, gió biển đưa vào tận lớp học. Nước mắt tôi chực trào vì thấy quá quen thuộc, tôi đã lớn lên cùng nó, hình như nó là mùi của cô đơn.

Mười mấy năm vụt trôi, tôi đã khác nhiều, phù phiếm và hối hả với cuộc sống thành thị. Quê tôi thay lớp áo làng chài để trở thành thị trấn du lịch. Biển bây giờ đông đúc, xinh đẹp với hàng dừa xanh mướt và trăm nghìn mảnh áo tắm màu mè. Vậy mà biển vẫn cô đơn quá chừng. Cuối tuần tôi bắt xe về với má, tìm má giữa bãi chiều nắng soi nghiêng. Má tôi thường ngồi đó lặng nhìn thiên hạ mải mê tắm biển, thỉnh thoảng cất lời mời cô dì chú bác ngang qua vào thuê phao, thuê sạp ngồi. Tôi bảo má nghỉ ngơi để mình tôi lo cơm áo, má cười hiền “không ra ngó biển, ta ở nhà nhớ bây buồn chết”.

 

Hết chủ nhật tôi phải đi, má ở lại cùng cát, cùng gió, cùng biển cả bao la. Chuyến xe đầu tuần cứ kéo dài lê thê, tôi nhớ má mòn mỏi đợi tôi về, tôi nhớ cả anh – người không còn đợi tôi trở lại. Anh yêu biển, cũng vì lẽ đó mà anh yêu tôi. Một cô gái sinh ra ở làng chài, trầm lặng và biết quan tâm là làn gió mới lạ với anh. Nhưng biển của anh có mùi vương giả của những khu resort, mùi tôm hùm nướng mê mẩn, mùi bọt biển cay xè xộc vào mũi khi phiêu lưu lướt sóng. Có lần đứng trước biển, tôi hỏi có bao giờ anh ngửi thấy mùi biển mặn mòi, tanh nồng và hào sảng, anh tròn xoe mắt nhìn tôi, nửa nông cạn nửa thích thú, tò mò. Tôi kể má tôi thích ra ngóng biển, quen lam lũ kiếm tiền để đỡ đần con gái, anh ngạc nhiên bảo má anh cả đời không muốn ra biển dầm nắng gió vì sợ đen da. Tôi biết anh sẽ chẳng bao giờ chạm vào được nỗi cô đơn của tôi.

 

Tôi và anh thuộc về hai thế giới khác biệt, anh sinh ra để vui đùa với biển, tôi lớn lên từng phút trong đời thấu hiểu biển càng mênh mông càng quạnh hiu. Tôi để anh ra đi, cũng để giải thoát tình yêu của chính mình. Tim tôi vá víu nhưng thăm thẳm, trái tim anh lành lặn mà ghép mãi vẫn không vừa.

 

Bình Tâm