Chuyện vỏ quýt và... cái bấm móng tay

(Dân trí) - Ngày trước khi anh cả đưa bạn gái về ra mắt, bà đã dò la và được biết cô này bố mẹ dân buôn bán nên từ bé đã đáo để. Sợ nó thành... mẹ dâu, bà suốt ngày can thiệp.

 
Chuyện vỏ quýt và... cái bấm móng tay  - 1


Dù vợ chồng nó ở thành phố bà vẫn thường xuyên đến chơi. Bà gọi điện răn đe không cho con dâu làm càn. Bà đề ra một số nội quy như về nhà bà không được ngủ dậy muộn, phụ nữ phải đảm trách việc nhà, để cho đàn ông đi uống rượu, làm việc lớn.

 

Thi thoảng lại có một số “chiếu chỉ”: “Bố mẹ già rồi, bao tiền lo cho chúng mày ăn học nên người hết, giờ phải có trách nhiệm, nhà cửa mùa mưa bão phải sang sửa lại, cái xe máy bố mày đi chục năm nay, máy móc rệu rã, xem mà đổi xe thôi chứ ông đi thế tao không yên tâm…”, “Bố mày bị huyết áp cao, ở đấy có thuốc nào tốt thì mua về. Chúng mày về, không biết tiền nong nhiều ít thế nào nhưng cũng phải biết làm đẹp mặt bố mẹ, nhớ mời các cô các chú bữa cơm gặp mặt đông đủ cho nó tươm tất”. Thi thoảng bà lại lẩm bẩm nhắc nhở: “May phúc tổ bảy mươi đời nhà cô, “vớ” được thằng con vàng ngọc nhà này, nó ngoan ngoãn học giỏi nhất làng”.

 

Cô con dâu cả của bà vốn va chạm từ nhỏ, được tiếp xúc với nhiều người, cô có vẻ bề ngoài khó gần song những người thân thiết đều nhận xét cô biết điều, với lại thời buổi này mà hiền thì bị “bóp dấm” ngay, hiền với bụt chứ ai hiền với ma. Song thấy mẹ chồng vậy, cô cũng rèn cho mình thói quen ngậm bồ hòn làm ngọt, tranh cãi với bà chỉ tổ khiến mối quan hệ thêm rạn nứt, làm chồng khó nghĩ và tình cảm sẽ dần lạnh nhạt, thôi thì gạt cái tôi hiếu thắng đi.

 

Lần anh chị mua đất ông bà chẳng giúp được gì dù là vay hộ, đang nợ chồng chất vậy mà bà lại ngỏ ý xin “tài trợ” để xây mộ cho bà nội sao cho đẹp mặt với láng giềng. Con đầu cháu sớm bà bảo không đi trông được: “Tính tao bầy hầy, nhìn đồ dơ thấy kinh lắm, rồi chả ăn được cơm, ốm ra đấy lại khổ chúng bay”. Anh chị đành nhờ bà ngoại cất công đến trông cho, được hơn tuổi thì mang gửi trẻ.

 

Giờ chẳng còn chê trách được gì ở con dâu, bà tự hào mình là móng tay nhọn.

 

Rồi cậu em của anh lấy vợ, bà “bổn cũ soạn lại” răn đe, dằn mặt dâu mới.

 

Cậu út rất chiều vợ. Vợ chú ấy cũng là người học hành tử tế hẳn hoi, gia đình khá giả, chú được nhờ nhiều, nhất là khi vợ chú ấy sắp sinh quý tử.

 

Vậy mà chú có lời nhờ bà nội xuống trông giúp cho vài tháng, bà dài giọng nhắc lại lời ngày trước, rồi kêu: “Chịu thôi, ở quê đang rộng rãi mát mẻ thế này, chui rúc vào cái nhà trọ của chúng mày cho chết ngạt à? Tốt nhất là thuê người, còn không mang nó về đây”.

 

Dâu út chẳng nói gì, mặc chồng đứng ra hứng “bão”: “Chúng con đi làm ăn xa, chưa có điều kiện mua đất mua nhà, một phần cũng vì góp tiền về đây sang sửa lấy chỗ mát mẻ cho bố mẹ ở. Giờ thuê người chả yên tâm, hơn nữa cũng mất món không nhỏ nên mới có lời nhờ. Vậy thôi, tùy bố mẹ”.

 

Hôm ấy vào bữa ăn, chú cứ gắp cho vợ, bà bực mình “tỉa đểu” vài câu khó nghe khiến cô em dâu đang có chửa nghẹn không ăn tiếp được. Ngay tối hôm ấy cuộc họp khẩn của gia đình được mở ra.

 

Chú út cao giọng: “Bố mẹ phải mừng khi thấy chúng con yêu thương chăm sóc cho nhau chứ, con chưa thấy ai đi ghen với con cái của mình bao giờ”.

 

Cái “nội quy” không ngủ dậy muộn của bà cũng bị cậu con út đạp đổ cái rầm: “Vợ chồng con đi về mệt cũng phải ngủ muộn chứ. Mẹ đừng gọi con dậy sớm”.

 

Sáng hôm sau hai vợ chồng chú út hơn 8 giờ mới dậy. Bà nói với con dâu cả: “Nó dậy rồi lại ngủ tiếp đấy”.

 

TSL