Chuyện về những chàng “con một”

(Dân trí) - Nhiều người vẫn có suy nghĩ rằng hễ là con trai một hay con cầu tự thì thường được sung sướng và dễ hư hỏng do được nuông chiều. Thế nhưng, từ những gì “mắt thấy, tai nghe”, tôi đủ tự tin để nói rằng không phải vậy.

Câu chuyện bắt đầu từ người cha tần tảo của tôi. Sẽ có người cho rằng từ “tần tảo” chỉ để nói về những người phụ nữ, chịu thương chịu khó, giàu đức hi sinh. Với tôi, từ này rất đúng khi nói về ba.

Ba tôi là con trai độc nhất của ông bà, nhưng từ nhỏ đến lớn đã chịu vất vả. Bà nội hay đau ốm khiến không ít lần con đường học hành ba gặp trắc trở vì phải chăm sóc bà.

Đến khi ba lấy vợ thì mẹ tôi lại không may mắc bệnh hiểm nghèo, một mình ba lại phải lo toan, đưa mẹ chạy chữa khắp nơi, nào Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh… suốt 17 năm nhưng cuối cùng ba cũng đành bất lực nhìn mẹ ra đi.

Kể từ đó, ba sống trong cảnh “gà trống nuôi con”. Dân mình có câu “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường” - để nói lên sự ỷ lại của người đàn ông khi phó thác việc chăm sóc con cái cho vợ, khi vợ không còn thì không thể đảm đương được việc ấy, dẫn đến các con khổ, nhưng với ba tôi thì mọi chuyện lại khác. Ba chăm lo cho gia đình từng bữa ăn, giấc ngủ. Hằng ngày, ba vẫn dậy từ 4h30, lo cơm cháo cho ông bà xong là đến cơ quan làm việc. Thứ 7, Chủ nhật, ba lại tranh thủ đi chợ cho cả tuần. Đã hơn mười năm kể từ ngày mẹ tôi mất đi, ba gánh trên vai vừa công việc của cơ quan, vừa vai trò làm cha, làm mẹ, làm người con trong gia đình mà vẫn tròn tất cả. Chị em tôi thì được học hành đến nơi đến chốn. Tôi là con gái lớn cũng đã có việc làm ổn định, xây dựng gia đình riêng, tuy tiếng là ở gần để đỡ đần ba phần nào nhưng hằng ngày vẫn luôn được ba quan tâm lo lắng.

Ông bà nội tôi giờ già yếu cũng lại là ba lo toan, chăm chút mỗi khi trái gió trở trời hay nhập viện. Các bà, các chị hàng xóm quanh đó thường bảo tôi: “Đàn ông như ba cháu là nhất đấy”.

Câu chuyện tiếp tục với người chồng của tôi, cũng là con một. Anh thường bảo, anh lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc của dì, của mẹ nên khá vụng về trong mọi việc (vì từ nhỏ đến lớn dì và mẹ anh thường làm tất cả cho anh).

Lúc mới yêu tôi cũng thấy hơi băn khoăn, sợ anh được nuông chiều từ nhỏ thì sẽ ỷ lại, gia trưởng, nhưng cùng với thời gian, nỗi băn khoăn đó của tôi đã biến mất, thay vào đó là tình thương anh vô hạn. Chúng tôi yêu nhau từ khi còn là sinh viên, chung một xóm trọ, năm đó là năm cuối cùng của thời đại học. Tình cảm nảy sinh có lẽ từ chính sự quan tâm tôi nhận được từ anh: Những bữa cơm soạn sẵn chờ tôi, ổ bánh mì, gói cháo… mỗi khi nước lụt; là những lần anh cặm cụi dọn phòng giúp tôi đón lụt; là phích nước anh rụt rè mang sang phòng để tôi tắm lúc chiều đông (dù tôi không nhờ)…

Suốt 5 năm yêu nhau, tôi luôn nhận được từ anh sự ân cần, lo lắng. Nhưng có lẽ đến bây giờ, khi đã là vợ anh tôi mới càng cảm thấy rõ hơn sự may mắn mà tôi có được trong đời. Chúng tôi cưới nhau khi anh đang công tác ở xa, đến khi tôi bắt đầu mang thai thì cũng là lúc anh hết hợp đồng ở đó và đang chờ công việc mới. Từ khi biết vợ mang thai, anh không quản ngại nắng, mưa đưa đón tôi mỗi ngày, không những chia sẻ công việc nhà với tôi mà còn giành cả việc đi chợ, nấu ăn để tôi có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Hằng ngày, anh lại cùng tôi về nhà ngoại để thăm và làm mấy việc lặt vặt đỡ cho ba. Anh cùng với em trai tôi bế ông nội lên xe lăn, đẩy ông đi loanh quanh trong nhà…

Chính mẹ chồng tôi cũng cổ vũ việc làm của con trai. Nhiều lúc tôi nghĩ, phải chăng tình yêu thương đã biến anh từ một chàng trai chỉ biết nhận sự quan tâm của gia đình thành người biết quan tâm, đồng cảm, sẻ chia, hay bởi chính sự giáo dục của mẹ đã giúp anh trở thành như ngày hôm nay?

Và chuyện về đứa em trai tội nghiệp của tôi - đứa con “cầu tự” của gia đình. Mất mẹ khi chưa đầy mười tuổi, nhưng em vẫn sống trong tình thương yêu của cả gia đình cho đến ngày ông tôi bị tai biến lần thứ 4 phải nằm một chỗ thì cuộc sống dường như yên ả đó cũng bắt đầu sang trang.

Nhà tôi neo người, em trai tôi dù đang trong giai đoạn ôn thi đại học cũng phải gánh lấy trách nhiệm chăm ông bởi cả ba và tôi đều đi làm cả ngày. Mỗi lần nhìn em tỉ mẩn bón cho ông từng muỗng cháo, cẩn thận làm vệ sinh cá nhân cho ông mà tôi không khỏi xót xa. Cũng chỉ biết động viên em cố gắng và tranh thủ học để thi…

Cho nên mới nói, dù với “trai một” hay một người đàn ông bình thường, thì sướng khổ, tốt xấu không phải là điều được định sẵn, mà là sự cộng hưởng của nhiều nhân tố: hoàn cảnh, sự giáo dục của gia đình và cái tâm của chính con người ấy.

Minh Huyền