Chuyện quản... chồng của các phu nhân
Nghe nói đàn ông ngoài 40 có địa vị, tiền bạc rất dễ "đổ đốn", Lan bỗng cảm thấy bần thần không yên. Gần 12 năm chung sống, tính chồng như thế nào, chị thừa hiểu. Vậy mà đôi lúc chị vẫn tự hỏi, ở cái xã hội đầy cạm bẫy này liệu ông xã có giữ mình được không?
Lan và ông xã cùng sinh ra và lớn lên tại vùng biển Nam Định. Chơi thân với nhau từ nhỏ, rồi tình yêu nảy nở khi cả hai cùng đỗ Đại học Xây dựng. Chẳng ai hiểu chị bằng chồng và chị cũng vậy, hiểu chồng đến từng chân tơ kẽ tóc.
Thế nhưng đó là thời kỳ khó khăn, hai vợ chồng còn ở căn nhà tập thể chỉ rộng 24 m2, vẫn còn lo từng bữa ăn. Còn hiện tại khi ông xã đã là chủ một công ty chuyên về xây dựng, gia đình có của ăn của để rồi, con cái đề huề chị lại thấy lo.
Mà chị không lo sao được khi ông xã dạo này bắt đầu chú ý đến ăn mặc, quần áo chải chuốt, đi đâu cũng xịt nước hoa thơm phức. Chưa kể, dưới anh là 50 nhân viên, trong đó hai phần ba là nữ, cô nào cũng trẻ trung, hiện đại.
Quân - chồng Lan thường xuyên "lang bạt" tại các công trường vì yêu cầu công việc. Để kiểm soát chồng, Lan thiết lập vệ tinh tại nhiều nơi. Nghe tin em Loan ở Bắc Cạn thường xuyên điện thoại cho chồng, chị tìm lên tận nơi nhắc khéo báo đối tượng. Biết chuyện em Lài ở Huế ngưỡng mộ ông chủ trẻ bao lần nhắn tin giãi bày nỗi niềm, tức mình, chị nghỉ việc đáp máy bay vào thẳng trong đó để tìm hiểu sự tình. Chẳng cần phải ầm ĩ, sau vài lần bị vợ nắm điểm yếu, Quân chồng chị cũng dần giảm bớt thói phong tình.
Lan cho rằng điều quan trọng là phải phòng ngừa từ xa. Để giữ được chồng trước những cám dỗ của xã hội, ngoài việc kiểm soát sinh hoạt của chồng, bản thân mỗi phụ nữ phải biết rõ lợi thế và điểm yếu của mình. "Nếu một phụ nữ không tự tin về bản thân, không biết tự chăm sóc mình thì người bạn đời sẽ cảm thấy như một gánh nặng và đến lúc nào đó họ sẽ tự chán", Lan truyền kinh nghiệm.
Trên thực tế, không phải ai cũng nhìn nhận vấn đề một cách tích cực như Lan. Nhiều bà cai quản chồng chặt đến mức các ông cảm thấy bức bối, tù túng chỉ mong một ngày nào đó được giải thoát. Trường hợp của Phong là một ví dụ. Ngày nào chàng cũng nhận được cú điện thoại của bà xã với những câu hỏi đại loại như: "Anh đang làm gì, ở đâu?". Nếu Phong trả lời ở cơ quan hay trong cuộc họp thì bị vặn: "Ở cơ quan sao có tiếng cười nói, trong cuộc họp mà im ắng như chỗ chỉ có hai người". Tần suất gọi và nhắn tin dày đến mức những cuộc họp quan trọng Phong phải tắt máy để khỏi "bẽ mặt" trước đồng nghiệp. Mỗi lần như vậy, Phong lại mất rất nhiều công sức để giải trình vì lý do "ngoài vùng phủ sóng".
Phong là phó giám đốc kinh doanh một công ty thuộc lĩnh vực xăng dầu. Thời kỳ đầu, Nhà nước còn kiểm soát giá cả, mỗi lần giá dầu thế giới tăng hay giảm là Phong luôn phải trực chiến trên cơ quan. Bà xã càng có cớ để gây sự cho rằng anh lấy lý do công việc để hẹn hò. "Nhiều lúc thấy oải vì tính đa nghi của vợ mà chẳng biết làm thế nào. Người ta bảo yêu thì mới ghen, nhưng tôi thấy cách ghen của bà xã cứ kỳ cục thế nào ấy", Phong than thở.
Có lần bực quá, anh nổi đóa, dọa sẽ thu xếp đồ đạc lên cơ quan ở, bà xã lại năn nỉ, hứa sửa chữa, nhưng được mấy hôm, đâu lại vào đấy. "Thôi thì mỗi người mỗi tính, đành phải chấp nhận theo kiểu sống chung với lũ", Phong than thở.
Hùng - giám đốc công ty TNHH chuyên về nội thất ở Hà Nội mới thật là bị quản theo cách của một "cao thủ chuyên nghiệp". Sếp đi làm bằng xe riêng, quần áo là lượt, đầu tóc bóng mượt, chỉ có điều, chiếc ví thường xuyên kẹp lép. Bởi lẽ, thẻ ATM thì bị vợ giữ, có bao nhiêu tiền trong ví đều bị khoắng sạch. Chính vì vậy dù là sếp một doanh nghiệp ăn nên làm ra, Hùng vẫn bị mang tiếng là kẹo kéo.
Minh Thư - vợ Hùng, cũng dùng chiêu tương tự để giữ chồng trước "cơn lốc chân dài". Chị cho rằng, đẹp trai, tài giỏi đến mấy mà không có tiền trong túi thì cũng chẳng có em nào thèm ngó. Tuy chắc lép chuyện tiền nong song đổi lại Thư khá đảm đang, chăm lo đời sống gia đình, đối nội, đối ngoại đâu ra đấy. Do vậy, đôi lúc có mang tiếng "keo kẹt" với chị em nhưng cuộc sống gia đình Hùng vẫn chưa có gì sứt mẻ.
Kiều - phu nhân phó tổng công công ty viễn thông ở Hà Nội lại quản chồng theo một cách khá hiểm. Biết chồng mình có tính ham vui, hay la cà ở các quán nhậu sau giờ tan sở, sau một thời gian thấm thía nỗi khổ chờ cơm, Kiều bèn giao cho chồng nhiệm vụ đón con. Ngày nào mà anh bận tiếp khách về muộn thì Kiều bắt hai con bụng đói ngồi đợi cơm bố. Sau mấy lần thấy con bụng đói đi ngủ, xót ruột, bận mấy ông phó tổng cũng cố thu xếp về ăn cơm với gia đình.
Mỗi người có cách giữ chồng và đều có lý riêng, song các chuyên gia tâm lý cho rằng: "Cái gì cũng có điểm đừng, già néo thì đứt dây". Có thể thời gian đầu các ông chồng muốn giữ thể diện, sợ va chạm gia đình mà nín nhịn nhưng đến lúc nào đó, các chiêu bài kia sẽ sinh phản ứng phụ. Các ông chồng bị quản lý tài chính sẽ sinh ra quỹ đen, việc kiểm soát điện thoại sẽ khiến sếp có nguy cơ dùng nhiều số máy. "Đành rằng đối với những ông chồng có nhiều tật, việc các bà vợ áp dụng “tuyệt chiêu” cũng là cần thiết cho hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên nếu dùng thuốc quá liều sẽ có những phản ứng phụ, ảnh hưởng không tốt đến hôn nhân", một chuyên gia nói.
Theo Phan Linh Anh
Vnexpress