Chuyện những bà vợ cuồng tín

Có không ít gia đình mỗi khi gặp chuyện trục trặc, khó khăn, không như ý là lại trông chờ vào số mệnh, tin theo cô, cậu, thần linh dẫn tới bao hậu quả đáng tiếc...

 
Chuyện những bà vợ cuồng tín - 1


Vợ chồng chị Lan đều là công chức nhà nước. Nhiều năm trước công việc ổn định nên đời sống có phần dư dả. Nhưng đã mấy năm nay chồng chị Lan không được thăng chức, cứ nằm ì cái chân quản đốc, còn chị cũng lẹt đẹt làm nhân viên giúp việc. Trong khi đó con cái mỗi ngày một lớn, chi tiêu tốn kém nhiều hơn nên kinh tế gia đình khó khăn hơn trước. Anh chị phải vất vả làm thêm, tiết kiệm, chắt bóp mới tạm đủ trang trải cho cuộc sống tằn tiện nơi đô thị.

 

Sáng ấy đến cơ quan, chị Lan nghe đồng nghiệp kháo nhau có một “cậu” ở Long Khánh (Đồng Nai) xem hay lắm, tiền tài, hậu vận “cậu” phán trúng phoóc! Thế là nhân dịp đầu Xuân, chị Lan tức tốc tới ngay để mong tìm hiểu nguyên nhân chồng chậm thăng quan tiến chức. Chẳng biết “cậu” phán ra sao mà từ hôm đó tối nào chị Lan cũng tụng kinh niệm phật, rồi bắt cả nhà im lặng không được nói to, tivi cũng tắt. Ngày rằm, mồng một chị mua rất nhiều hoa quả, lại sắp cả gà, xôi... đặt mâm giữa sân cúng bái mặc cho chồng con gặng hỏi chị cứ tỉnh bơ, lầm rầm tạ lễ. Đồng lương hằng tháng vốn chẳng đủ tiêu nay lại phải gánh thêm khoản lễ nên càng so rụi, khó khăn. Không những thế, hễ cứ nghe ở đâu có thầy hay lắm là chị lại viết đơn xin nghỉ vài ngày với lý do... con ốm, bất kể đường sá xa xôi. Chồng chị hết lời khuyên bảo can ngăn nhưng chẳng ăn thua, chị vẫn “tín cô, tin cậu”, tối ngày nhang khói thần linh. Buồn nản, chán chường anh xin ở lại cơ quan chẳng muốn về nhà. Gia đình có nguy cơ tan vỡ.

 

Khác với chị Lan, vợ chồng chị Hiền làm nghề bán hàng tạp hóa, kinh tế khá giả, nhà cửa đàng hoàng nhưng sinh con một bề toàn gái. Bởi vậy chị Hiền chẳng lúc nào vui, mặt mày cứ buồn ủ rũ. Thế rồi nhân dịp Tết về quê, nghe nói “miếu thần thiêng lắm” chị liền sắp lễ ra nhờ thầy cầu đảo, mong có được một mụn con trai. Thầy phán: “Phải đổi hướng nhà bởi cửa ra vào đè lên long mạch nên các ngài phạt, thậm chí còn mang họa sát thân”. Nghe vậy, chị Hiền tá hỏa tam tinh về bàn với chồng nhưng anh gạt phắt: “Nhà cửa thế này chuyển làm sao được. Cứ để đấy tội đâu tôi gánh”.

 

Không thuyết phục nổi chồng, chị Hiền tư tưởng bất an, tinh thần nặng trĩu, bán hàng ít lãi hẳn đi nên chị lại càng tin thầy, dấm dúi đi lễ khắp đền này miếu nọ, mặc chồng con vất vả bán hàng. Chỉ đến gần đây khi chị có bầu, nghe thầy phán: “Đứa này mang nặng âm tinh, hại cha, nghịch mẹ trăm bề tai ương”. Thế là chị quyết tâm phá bỏ, tìm tới phòng mạch tư. Vớ phải lang băm tay nghề non kém lại làm ẩu kiếm tiền nên chị bị nhiễm trùng phải đưa vào viện cứu chữa. Sau lần ấy chị hoàn toàn mất khả năng sinh nở. Nỗi buồn đau đè nặng trong tim, chị Hiền thở dài ảo não: “Tại mình cuồng tín, u mê”...

 

Còn khá nhiều những gia đình quá tin thần thánh đến nỗi chuyển nhà, dời cửa, đổi nghề, bỏ việc... nhưng rốt cuộc vẫn chẳng được như ý mà còn chuốc thêm phiền muộn, âu lo. Vẫn biết trong cuộc sống đời thường niềm tin tín ngưỡng là điều khó tránh bởi nó vẫn luôn tồn tại ăn sâu trong tâm thức mỗi người. Nhưng tín ngưỡng thái quá trở thành mù quáng dị đoan sẽ gây hại cho chính mình và người khác, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Nên chăng những lúc gặp khó khăn, trở ngại vợ chồng hãy cùng chung lưng gắng sức, an ủi động viên nhau tìm biện pháp vượt qua cả trong công tác và sinh hoạt hằng ngày để giữ cho gia đình luôn nồng nàn hơi ấm. Tìm đến thánh thần trợ giúp với ảo vọng cực đoan như thế thì quả thật là điều đáng trách!

 

Theo ĐSPL