Góc tâm hồn

Chuyện ngày xưa

(Dân trí) - Lâu lắm rồi mới về quê, vừa về đến đầu làng, bà Tư nhìn thấy đã hỏi: A, cái thằng cu nhớn nhà ông Thịnh đã về đấy hả con? Ngày xưa mày bé như cái kẹo mà giờ ra dáng quá rồi đấy!

Tính ra cũng phải hơn 1 năm rồi An mới về thăm quê phần vì công việc phải liên tục luân chuyển chỗ này, chỗ kia, phần cũng vì biết bố mẹ ở nhà vẫn ổn nên cứ mải miết với cuộc sống ở thành phố. Lần này về vì An không thể đừng được việc cưới xin của cô em gái đã ngót nghét 30 mới có kẻ chịu rước.

Vừa dừng ô tô, mấy ông bà trong xóm đang ngồi cùng nhau dưới gốc cây bàng to nhìn thấy đã gọi trước: A thằng cu nhớn đã về, lâu rồi không trông thấy, bây giờ đang ở đâu rồi con? Vợ, con con có khỏe không? Bà Tư chưa dứt lời thì ông Thịnh ngồi kế bên đã thêm vào ngay: “Cái thằng ku nhớn nổi tiếng vì cái tật cởi truồng, đeo hai nải chuối, chân dậm ga giả vờ đi xe máy đấy hử?”. Từ lâu mắt ông Thịnh kém không nhìn thấy gì nên khi nhắc đến thằng cháu hàng xóm là ông phải hỏi ngay “kỉ niệm” của An từ ngày còn nhỏ.
 
Chuyện ngày xưa

Cứ thế câu chuyện trở nên ríu rít, ai cũng thi nhau kể chuyện: “Ngày xưa” nó thế này, thế kia khiến An vừa ngại lại vừa vui. Không còn nhớ rõ tất cả nhưng một vài “chiến tích” của cậu từ ngày còn bé bỗng ồ ạt dội về làm cậu nhớ.

Ở nhà, các chú, dì thấy An về cũng mừng quỳnh vì lâu lắm không nhìn thấy thằng cháu quý tử. Trong bữa cơm gia đình, đang nhâm nhi chén rượu, chú Ba sực nhớ ra: “Cái thằng cu nhớn ngày nó 4 tuổi cứ thích ngồi lòng chú mỗi khi đại gia đình sum họp. Rồi có lần nó bắt chước uống rượu, mắt đỏ tía tai nhìn đến là buồn cười”. Nói rồi chú cười ha hả như khoái chí lắm làm cả nhà cũng nghiêng ngả theo.

Chưa hết, đến dì Lan cũng góp vui bằng kỉ niệm: “Thằng cu nhớn ngày học lớp 2 nó thích con bé Hạnh làng bên rồi về khoa inh ỏi với cả nhà”. Biết bao nhiêu chuyện, mọi người ăn thì ít mà thi nhau kể chuyện là nhiều khiến An như quay lại tuổi thơ của mình cách đây gần 30 năm. Hiện tại cậu đã có vợ và một nhóc nhưng về quê trong mắt mọi người An vẫn là “thằng cu nhớn” như ngày xưa.

Bà Thịnh mẹ An thì cứ nhớ mãi: “Ngày đẻ nó, miệng nó bé như cái đồng xu, tôi cứ sợ nó không bú được nữa, rồi càng lớn miệng mới to ra được ít” làm mọi người lại được dịp trêu đứa cháu. Với mọi người, dường như An chưa bao giờ lớn và những kỉ niệm về đứa cậu vẫn còn vẹn nguyện bởi hai chữ “ngày xưa”.

Bữa cơm kéo dài hơn thường ngày, ai cũng hào hứng khoe chuyện khi nhớ ra điều gì đó hay ho, riêng An, mắt cậu trở nên cay cay và phải kìm chế lắm mới không khóc. Bây giờ cậu mới nhận ra hình như đã lâu lắm rồi mình không về thăm quê và sự có mặt của cậu khiến mọi người vui như thế nào. “Chuyện ngày xưa” mọi người kể, không đơn thuần chỉ là có cậu mà còn là biết bao tình cảm yêu thương của mọi người dành cho mà bấy lâu nay cậu không để ý.

Phạm Oanh