Chuyên gia tâm lý - giáo dục “giải mã” chuyện gia đình thời @

(Dân trí) - Ly hôn gia tăng, bạo lực gia đình tiếp tục là vấn nạn, các xung đột trong giáo dục con cái ngày càng đa dạng… là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo khoa học toàn quốc lần thứ 2 của Quỹ Tài năng trẻ tâm lý học - giáo dục học đồng tổ chức tại Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng vào ngày 8 - 9/10 vừa qua.

Ly hôn tăng nhanh, vấn nạn bạo lực gia đình

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố năm 2011, những năm gầy đây, tỉ lệ ly hôn ở nhiều quốc gia trên thế giới có dấu hiệu tăng nhanh và tỉ lệ ly hôn ở các nước Âu Mỹ cao hơn các nước châu Á (từ 2,1-4,7% so với 1,8-2,3%)

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Số liệu của Tổng cục thống kê công bố năm 2010 cũng cho thấy số vụ ly hôn đang tăng nhanh.

Nếu năm 2000 chỉ có hơn 51.000 vụ ly hôn thì 5 năm sau đã tăng lên gần 66.000 vụ.

Bên cạnh ly hôn, bạo lực gia đình cũng là một vấn nạn đáng lo ngại.

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2013 cho thấy có gần 1/3 phụ nữ ở 80 quốc gia được khảo sát đã trải qua bạo lực thể xác hoặc tình dục bởi người bạn đời.

Còn tại Việt Nam, theo báo cáo của LHQ, cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc từng có gia đình thì có 1 người từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục.

Trong thực tế, theo TS. Nguyễn Thị Mùi, nguyên giảng viên khoa Tâm lý sư phạm, ĐH Sư phạm, các ca tư vấn đa số là phụ nữ và mong muốn là làm sao để chồng thôi ly hôn bởi sợ ảnh hưởng đến con. Nguyên nhân chủ yếu của các ca này là chồng ngoại tình, thậm chí ăn ở với người khác, có con rồi về đòi ly hôn. Và chuyện bạo hành tinh thần, thể xác cũng xoay quanh việc người vợ không đồng ý ly hôn.

Theo nhóm tác giả ThS. Hồ Thu Hà, CN. Kiều Thị Anh Đào và PGS.TS Đặng Hoàng Minh công tác tại trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc Gia Hà Nội, 2 vấn đề ly hôn và bạo lực gia đình nêu trên đã gây ra những hệ quả tiêu cực cho các cá nhân. Và việc cấp thiết phải làm ngay là cần có những hỗ trợ (trị liệu tâm lý) để tái thiết lập cấu trúc gia đình lành mạnh cũng như trị liệu các vấn đề sức khỏe tâm thần cho cá nhân dựa trên nền tảng gia đình. Trong đó, cần hướng tới những yêu cầu cơ bản đối với người thực hành trị liệu tâm lý, và quy trình đào tạo cần thiết để trở thành chuyên gia trị liệu mà hiệp hội nghề uy tín của Hoa Kỳ đã xác nhận.

Rủi ro khi giáo dục con cái dựa vào kinh nghiệm


PGS. TS Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng trình bày tham luận tại Hội thảo

PGS. TS Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng trình bày tham luận tại Hội thảo

Một báo cáo khác đáng chú ý là về giáo dục con cái của PGS. TS Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng.

Theo PGS. Lê Quang Sơn, lối giáo dục kinh nghiệm, lặp lại kiểu giáo dục đã được thụ hưởng đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho trẻ em, từ tước bỏ cơ hội trở thành chính mình của trẻ khi phải đáp ứng kỳ vọng của người lớn đến quyết định duy ý chí; khiến trẻ phải thành công bằng mọi cách hay lấy cha mẹ làm gương trong khi không phải cha mẹ nào cũng là hình mẫu chuẩn.

Những rủi ro này đã được chỉ rõ trong nhiều nghiên cứu quốc tế. Điển hình là nghiên cứu của ĐH Vanderbilt năm 1997 chỉ ra việc kiểm soát con cái về mặt tâm lý sẽ khiến trẻ rụt rè và ỷ lại; hay nghiên cứu của ĐH Pittsburgh năm 2013 cho thấy thói quen dạy bảo con cái hà khắc, quát tháo, chửi tục, từ ngữ lăng mạ sẽ gây ra trầm cảm ở trẻ; một nghiên cứu khác của ĐH Tennessee cho thấy việc quản thúc con cái quá mức sẽ gây ra tình trạng suy sụp tinh thần ở sinh viên.

Một nghiên cứu đáng chú ý của ĐH Texas cho thấy trừng phạt bằng roi vọt ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe tinh thần và khả năng nhận thức của trẻ, tăng động, tính cách hung hăng và hành vi chống đối.

Do đó, PGS.TS Lê Quang Sơn cho rằng việc chuyển dịch tư duy, lối giáo dục từ tự phát, kinh nghiệm sang giáo dục dựa trên nền tảng khoa học là thực sự cấp bách, cấp thiết.

PGS. Sơn chỉ rõ vai trò của tâm lý học: “Đây là khoa học nền tảng, khoa học cơ sở cho giáo dục trẻ em. Bởi tâm lý học sẽ giúp xác định mục tiêu, chiến lược, các phương pháp, phương tiện, là cơ sở, công cụ để đánh giá kết quả giáo dục trẻ em”.

Theo đó, PGS Sơn kêu gọi sự chung tay của các nhà khoa học, thầy cô giáo, đặc biệt là các bạn sinh viên để thực hiện được những ý tưởng, sứ mệnh của ngành Tâm lý học - Giáo dục học trong giáo dục trẻ em.

Hơn 30 báo cáo được gửi tới Hội thảo khoa học toàn quốc lần thứ 2 với chủ đề: “Tâm lý học, giáo dục học với tình yêu, hôn nhân và gia đình”

Diễn ra trong 2 ngày 8-9/10, Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, các thầy cô giáo và đặc biệt là các bạn trẻ.

Các báo cáo của PGS.TS Lê Quang Sơn - Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng; PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TPHCM, TS Nguyễn Minh Anh - trưởng khoa Khai Phóng, ĐH Hoa Sen; TS Nguyễn Thị Mùi - chuyên gia tâm lý của chương trình Cửa sổ Tình yêu... cùng hoạt động của 3 tiểu ban với nhiều báo cáo và thảo luận bàn tròn... đã thực sự tạo nên một ngày hội lớn cho những người yêu mến và quan tâm tới tâm lý học.

Do đang học tập tại Hàn Quốc nên diễn giả Trần Văn Công đã chọn hình thức trình bày báo cáo qua mạng
Do đang học tập tại Hàn Quốc nên diễn giả Trần Văn Công đã chọn hình thức trình bày báo cáo qua mạng

Đánh giá về ý nghĩa của Hội thảo, PGS.TS PGS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Tổng thư ký hội tâm lý - giáo dục học, cho biết: “Tâm lý học - giáo dục học cần tiếp tục nghiên cứu để mở rộng, hoàn thiện lý luận. Và lý luận phải phục vụ cho cuộc sống, nâng tầm cuộc sống, hoàn thiện các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hội thảo hôm nay là việc cần làm, không chỉ khích lệ các tài năng trẻ, không chỉ lý luận suông mà còn cho thấy Tâm lý học đã được đưa vào thực tiễn vào cuộc sống”.

Còn PGS.TS Trần Thị Lệ Thu, Quyền giám đốc Quỹ Tài năng trẻ tâm lý học - giáo dục cho rằng: “Hội thảo này nhằm nhấn mạnh sự cần thiết của những hiểu biết về tình yêu, hôn nhân và gia đình trong bối cảnh xã hội hiện nay của các bạn trẻ; những hiểu biết cơ bản về cả lý luận và thực tiễn dưới góc độ tâm lý học - giáo dục học sẽ giúp họ yêu, quyết định hôn nhân và sống một cuộc sống gia đình thực sự hạnh phúc, khoẻ mạnh về cả về thể chất và tâm lý”.

“Qua hội thảo này, vấn đề mà em thấy đáng chú ý nhất chính là vai trò quan trọng của tâm lý trong giáo dục tại nhà trường, gia đình. Ngoài ra, do các nghiên cứu mới chỉ là bước đầu nên đây sẽ là những gợi ý để chúng em tiếp tục phát triển, hoàn thiện các nghiên cứu này”, em Lưu Danh Đức Phúc, sinh viên năm 3, chuyên ngành Cử nhân tâm lý học - ĐH Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ.

Trần Phương