Chuyện cơm phở: Còn lâu mới bình quyền!

Khi cả hai cùng đi ăn "phở", hầu hết đàn ông vẫn ôm khư khư quan niệm cho mình cái quyền "đi ngang về tắt" một chút, còn vợ thì, đừng có mơ!

Đàn ông thường đặt ra cho phụ nữ những tiêu chuẩn khắt khe, đòi vợ mình phải hội đủ "công, dung, ngôn, hạnh", trong khi bản thân có thể đi sớm về khuya, bê trễ việc nhà.

 

Khi ra ngoài, đàn ông tự cho mình cái quyền được liếc ngang liếc dọc, ngỏ lời ong bướm ngay trước mặt vợ, và biện hộ đó chỉ là vui đùa tí tẹo để cuộc sống đỡ tẻ nhạt.

 

Họ có thể đến quán karaoke, vào nhà hàng, khách sạn. Nhưng nếu họ phát hiện vợ đưa mắt nhìn theo hoặc nói chuyện có vẻ thân mật với người đàn ông khác thì tỏ ý khó chịu ra mặt và chụp mũ ngay cho vợ là không đoan trang, đúng mực.

 

Một lần và mãi mãi

 

Đối với đàn ông, sau khi việc ăn "phở" bị bại lộ, cuộc sống thay đổi không nhiều. Họ có thể quay về với gia đình mà không gặp bất cứ trở ngại nào, bởi điểm yếu của phụ nữ là dễ mủi lòng, tha thứ. Nhưng cũng là một lần trót dại, phụ nữ phải gánh chịu nhiều thiệt thòi, chịu đủ mọi "lời ong tiếng ve".

 

Cho dù đức ông chồng có đồng ý tha thứ thì cũng chỉ là "bằng mặt". Khi làm gì không vừa ý, họ sẽ dễ lôi "tỳ vết" ra để làm bàn đạp tấn công, chì chiết khiến "đối phương" chỉ còn biết lặng im cúi đầu chịu trận. Một lần đối với đàn ông chỉ là cơn gió thoảng qua, nhưng với phụ nữ lại là mãi mãi.

 

Phở "tái" và "chín"

 

Cùng cảnh đi ăn "phở" nhưng cánh đàn ông luôn biết giương cung đúng lúc để hạ gục con mồi. Sau khi đã ăn phở "tái", họ có thể thay đổi khẩu vị bằng "tái - chín, nạm gầu, pín" ngon hơn, phù hợp hơn. Thậm chí, quán phở này hết vị thì lại tìm quán khác.

 

Còn phụ nữ, khi đã tìm được loại "phở" ngon, vừa miệng, thường là "phở chín", họ sẽ đắm đuối với nó, một lòng một dạ đi theo, ít khi nghĩ đến đổi vị. Do vậy, khi đàn ông đã chán "phở", họ vẫn có thể ăn rất ngon món "cơm rang", nhưng phụ nữ hãy coi chừng: Trong "cơm rang" thường có sạn chứ không dễ nuốt như "phở" đâu.

 

"Sự nghiệp" của ai quan trọng hơn

 

Đàn ông vốn là những kẻ hiếu thắng, luôn muốn chứng tỏ bản lĩnh, tài năng của mình mà không bao giờ chịu thừa nhận thất bại hoặc thua kém. Khi biết vợ đã ăn "phở" thì họ phải lục vấn bằng được kẻ đó là ai, ở đâu, làm gì và đã "làm" những gì?

 

Nhưng nếu bị vợ phát hiện ra mình ăn vụng thì các ông thường tìm kế phủ nhận mọi tội lỗi và đội cho nó cái mũ: "Vì công việc làm ăn thời nay là phải thế, cô thì biết gì". Trong trường hợp này, phụ nữ đừng có dại mà đòi hỏi "còn sự nghiệp của tôi thì sao?". Đơn giản, đàn ông luôn chỉ coi sự nghiệp của phụ nữ chính là gia đình.

 

"Một liều ba bẩy cũng liều"

 

Tình huống xấu nhất sau việc ăn vụng vỡ lở là dẫn đến chia tay. Trong hoàn cảnh đó, đàn ông vẫn không vấn đề gì. Họ lại trong tư thế sẵn sàng để chinh phục những thử thách mới, có nhiều cơ hội để "nấu nồi cơm mới".

 

Tuy nhiên, với phụ nữ, chuyện làm lại không đơn giản, hoặc có được thì cũng là "rổ rá cạp lại", nồi cơm mới có khê cũng đành cố mà nuốt.

 

Khi đã là vợ chồng, đàn ông và phụ nữ phải xác định quan hệ hoàn toàn bình đẳng, không chỉ trong hưởng thụ mà còn về nghĩa vụ đóng góp và cống hiến. Tất nhiên, phụ nữ cũng đừng nên áp dụng lý lẽ bình đẳng một cách máy móc và ngụy biện bằng việc "ông ăn chả" thì bà cũng phải đi "ăn nem". Khi một trong hai người có trót ăn vụng hãy bình tĩnh suy xét để tìm được đáp số thấu tình, đạt lý.

 

"Ông mất chân giò, bà thò nậm rượu"

 

Chuyện tình cảm vốn là "có đi có lại mới toại lòng nhau". Khi đàn ông và phụ nữ rủ nhau đi ăn "phở" thì cả hai đều tìm thấy và thỏa mãn ở nhau một điểm nào đó.

 

Tuy nhiên, không ít đàn ông chỉ coi tình trường là thương trường để trục lợi, còn phụ nữ khi vướng vào đó thường không "khôn" được, thậm chí biết là "dại" cũng không thể tránh.

 

Cứ cho là cả hai bên cùng không quan trọng chuyện "cho" và "nhận", ai được hơn ai nhưng cuối cùng ngẫm lại phụ nữ vẫn là người bị "ăn mòn" cả về thể xác và tinh thần.

 

Theo Đàn Ông