"Chuyện ấy" mà lại “mù tịt”?

Việc nam nữ "gần gũi" với nhau để sinh con, đẻ cái, không chỉ thuần túy là duy trì nòi giống mà nó còn nhằm mang lại niềm vui sướng, củng cố tình yêu thương, khiến đôi bên cảm thấy ngày càng gắn bó hơn.

Song trong chuyện tưởng như được tạo hóa “lập trình sẵn” ấy, vẫn có những người “mù chữ” và “chuyện ấy” khiến họ dở khóc, dở cười thậm chí suýt đánh mất cả hạnh phúc.

 

Việc sinh con, đẻ cái để duy trì nòi giống là bản năng, có thể không cần dạy dỗ cũng “làm được”. Còn việc thứ hai, thuộc phạm trù tâm lý, văn hoá - xã hội, thì con người phải học. Đúng là chưa có những trường lớp để dạy con người ta phải làm gì trong “chuyện ấy”. Song học tập đâu có phải cứ đến trường, đến lớp mới là học.

 

Con người là một sinh vật xã hội, sống trong cộng đồng. Con người học được chuyện đó một cách chậm rãi, từ những người xung quanh, từ sách vở, từ những câu chuyện “rỉ tai” nhau. Nói cách khác, con người học chuyện ấy theo phương thức “tập nhiễm”.

 

Người thầy bất đắc dĩ

 

Tôi nhớ mãi một kỉ niệm trong đời làm tư vấn là đã phải dạy một thanh niên “làm gì” vào đêm tân hôn, ngay trước hôm anh ta cưới vợ. Việc dạy này được gia đình mời hẳn hoi, dạy trực tiếp tại nhà và theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”.

 

Đó là trường hợp của thanh niên ở Hà Nội, tên S. Anh bị mù từ nhỏ, thế giới của anh chủ yếu quanh quẩn trong căn phòng của mình. Cha mẹ anh là người rất quan tâm đến con, đã nhờ mối lái tác thành cho anh một cô gái nông thôn nghèo khó. Trước ngày cưới một tuần, ông bố vào ngủ cùng con trai và tâm sự xa xôi rằng “là vợ, là chồng thì phải có chuyện chung đụng, để sinh con đẻ cái”. Nhưng ông cảm thấy nói xa xôi quá, cậu con trai không hiểu bố nói chuyện gì, mà nói “toạc móng heo” thì người bố không làm được.

Ông đã gọi điện lên trung tâm tư vấn của chúng tôi yêu cầu một chuyên viên tư vấn nam giúp đỡ. Hoá ra cậu bị mù bẩm sinh, chưa hình dung một người phụ nữ ra sao, cậu tưởng họ cũng giống như cậu và đúng là cậu không biết… phải làm gì. Vậy là trong khi ở nhà ngoài mọi người đang chuẩn bị phông, màn, cỗ cưới, thì tôi đã phải làm người thầy bất đắc dĩ ở trong phòng riêng của cậu. May thay cậu là người thông minh, nên cũng hiểu được mọi chuyện. Hiện nay, cậu đã là bố của một đứa con kháu khỉnh.

 

8-9 năm vẫn “không có gì”

 

Giáo sư Trần Quán Anh (Bệnh viện Việt Đức) có kể một câu chuyện mà nếu đây không phải do một người nổi tiếng, có uy tín trong ngành nói ra thì ai cũng nghĩ là chuyện bịa.

 

Có một đôi vợ chồng ở tỉnh xa về Hà Nội để chữa vô sinh, bởi lấy nhau 8 - 9 năm mà chị vẫn “không có gì”. Các bác sĩ đã hỏi han chuyện quan hệ của vợ chồng anh chị. Té ra, anh chị lấy nhau từng ấy năm trời mà chưa bao giờ “làm chuyện ấy”. Chị buồn vì sự chậm trễ của mình nhưng cũng không dám hỏi hay kể với ai. Cả gia đình nghĩ rằng anh chị bị vô sinh, nên khuyên lên Hà Nội chữa bệnh.

 

Hoá ra anh chồng bị chứng liệt dương từ nhỏ, nghĩa là “cái ấy” chưa bao giờ “đứng dậy” được. Vì chưa bao giờ, nên anh cũng cứ yên tâm thế là bình thường. Mọi người bảo lấy vợ thì lấy vợ. Đến lúc không có con, bảo đi chữa thì đi chữa. Như vậy dù đã có chồng nhiều năm, mà chị vợ vẫn còn là “con gái”. Cuối cùng, các bác sĩ thay vì chữa vô sinh, đã tập trung chữa chứng liệt dương cho người chồng.

 

Anh chàng thô vụng

 

Một anh chồng trẻ, trong đêm đầu tiên đã làm người vợ trẻ hoảng hồn, bỏ chạy ra khỏi phòng ngủ vì những hành vi “kinh khủng”, không giống những gì người vợ tưởng tượng. Hoá ra, trước khi lấy vợ, anh chồng cũng đã theo bạn bè đi “phá đời con trai” của mình bằng việc đi “nhà nghỉ”.

 

Kinh nghiệm đầu tiên về “chuyện ấy” anh lại học được từ những cô gái làng chơi. Nhưng anh đâu có hiểu rằng vợ mình là một “phạm trù” khác. Với đối tượng gái làng chơi, đâu có cần tình yêu, mà chỉ có cuộc “mua và bán”.

 

Những người đàn ông thường có tâm lý “mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng”. Nào ngờ anh chàng thô vụng kia cũng mang luôn bài học đã học được ra áp dụng với cô vợ trẻ, người còn đang hào hứng với những cảm xúc mới mẻ xen lẫn lo âu. Thế là chuyện chẳng lành đã xảy ra, để lại trong lòng cô vợ dấu ấn “không đẹp” về chuyện vợ chồng ngay từ lần đầu tiên.

 

Thật ra  những người được gọi là “mù chữ” trong chuyện ấy nói trên không hẳn vì lỗi tại họ, mà họ chỉ là nạn nhân của việc không giáo dục hay giáo dục sai lệch. Giá họ được trao đổi, hỏi han, cởi mở với mọi người về “chuyện ấy” thì đâu đến nỗi đôi vợ chồng kia sống với nhau 8 năm mà “không có gì”, đâu đến nỗi cô vợ trẻ phải hoảng hốt, lo sợ, kinh hãi “chuyện ấy” đến thế.

 

Theo Đinh Đoàn

Gia đình & Xã hội