Chúng tôi chưa "động phòng", mẹ chồng đã làm một việc lộ bản chất tham lam

Tuệ Minh

(Dân trí) - Tôi nhận ra bản tính tham lam của mẹ chồng từ trước khi kết hôn. Nhưng sau này, sự thất vọng càng tăng lên gấp bội.

Tôi và bạn trai có thời gian yêu đương 3 năm. Với tôi, đó là khoảng thời gian đủ để hiểu và tính chuyện tương lai. Bạn trai tôi là người tốt, đúng túyp đàn ông mà nhiều cô gái mơ ước.

Mặc dù rất hài lòng về anh, tôi vẫn không có nhiều thiện cảm với nhà chồng. Nguyên nhân xuất phát từ cách đối nhân xử thế với mọi người, đặc biệt là mẹ chồng.

Mẹ chồng tôi luôn xem tiền bạc là trên hết. Khi chúng tôi còn yêu nhau, mỗi khi về nhà bạn trai chơi, bà luôn nhắc đến chuyện tiền bạc, kêu ca, than vãn chuyện chi tiêu. Sau đó, tôi phải mệt mỏi hứng chịu vô số lời khuyên răn về cách vun vén cho gia đình.

Chúng tôi chưa động phòng, mẹ chồng đã làm một việc lộ bản chất tham lam - 1

Mẹ chồng tôi tự ý xử lý số tiền mừng mà không nói gì với con cái (Ảnh minh họa: KR).

Hầu như lần nào về nhà anh chơi, tôi cũng thấy mọi người tranh cãi chuyện tiền nong, mặc dù hoàn cảnh không phải quá khó khăn. Tôi cảm nhận mẹ anh là người bị ám ảnh bởi tiền bạc. Mỗi khi buôn bán không được như ý, bà lại trút giận vào chồng con trong nhà.

Bạn trai tôi nói, cả nhà đã quen với những chuyện trách móc, than thở của mẹ. Với bà, có lẽ bao nhiêu tiền cũng không đủ nên luôn tự dằn vặt rồi làm khổ bản thân.

Lúc chúng tôi chưa kết hôn, tháng nào mẹ chồng cũng đưa ra đủ lý do để chồng tôi đưa tiền. Thương mẹ và muốn không khí gia đình vui vẻ, chồng tôi gửi một nửa lương cho mẹ giữ. Biết được chuyện này, tôi đề nghị bạn trai chấm dứt việc đưa tiền cho mẹ sau khi kết hôn.

Nếu không tin tưởng vợ, anh có thể gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Với một người giữ tiền chặt chẽ như mẹ chồng, tôi tin chắc, việc gửi tiền cho bà rất dễ nhưng lấy lại được nó cực khó.

Mặc dù không hài lòng về mẹ chồng, tôi vẫn quyết định kết hôn. Bởi tôi sẽ ở với chồng tôi cả đời, chứ không phải sống cùng bên nội mãi mãi. Chúng tôi dự định sống chung một thời gian rồi mua đất, làm nhà để không phải phụ thuộc vào bất cứ ai.

Ngày cưới của chúng tôi diễn ra tốt đẹp và hạnh phúc. Bạn bè, người thân đến chúc mừng tôi rất đông. Sau khi đám cưới kết thúc, thùng đựng tiền mừng cưới "không cánh mà bay". Chồng tôi bảo, không phải bận tâm vì gia đình giữ hộ rồi sẽ đưa lại các phong bì tiền mừng của hai đứa.

Sau đêm tân hôn, tôi hỏi mẹ chồng về số phong bì tiền mừng. Tôi không tham lam muốn giữ chúng, mà chỉ muốn ghi chép lại tiền mừng của mọi người để sau này còn đáp lại tình cảm của họ. Tôi thấy bất cứ ai cũng sẽ làm vậy, để cho thấy bản thân là người biết cách đối nhân xử thế.

Mẹ chồng tôi vừa cười, vừa nói toàn bộ số phong bì đã được bóc sau đám cưới. Bà không ghi lại số tiền trong từng phong bì mà chỉ nói cho con dâu tổng số tiền gia đình nhận được.

Bà bảo, sợ chúng tôi vất vả sau đám cưới nên đã bóc hộ và sẽ giữ cho đến khi hai vợ chồng sinh con, dự định mua đất, xây nhà. Theo mẹ chồng, người trong nhà với nhau không phải bận tâm đến chuyện tiền bạc.

Tôi giải thích với bà, số tiền mừng cưới để chung vào thùng nhưng vợ chồng tôi cần được biết bạn bè, đồng nghiệp đã mừng bao nhiêu. Sau này, khi gia đình họ có việc hoặc kết hôn, chúng tôi phải đáp lại tình cảm đó.

Mẹ chồng thở dài, khuyên con dâu tự ước lượng số tiền mừng rồi trả lại khi gia đình họ có việc. Toàn bộ phong bì đã được bóc xong, không còn cách nào để ghi chép lại.

Tôi thất vọng về sự tham lam của mẹ chồng. Tôi không cần cầm trong tay số tiền đó, nhưng mẹ chồng không thể làm mọi chuyện theo ý mình như vậy mà không hỏi ý kiến người khác.

Tôi hiểu rằng, số tiền mừng cưới bà đã giữ cực kỳ khó để lấy lại, kể cả khi vợ chồng tôi cần để làm việc lớn.

Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm