Chồng xa

(Dân trí) - Mai anh ấy đi rồi, vừa mới đó mà mấy ngày nghỉ đã hết, chị Hiền tay vừa đẩy củi vào bếp vừa lẩm nhẩm. Với chị, mấy ngày gần anh sao mà đủ. Từ ngày lấy chồng có mấy khi chị được vui thế này.


Chồng xa



Nghe tiếng bước chân của chồng lòng chị cứ lâng lâng, khó tả. Dù đã được báo trước nhưng sao chị thấy hồi hộp quá, trái tim nhỏ như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.

Chẳng thế mà hai chân chị cứ ríu vào nhau, không chạy nổi. Chị thua hai đứa con nhỏ, chúng chạy nhanh hơn cả mẹ ra ôm chặt lấy bố. Lòng dạ hẹp hòi thế nào mà khi ấy chị ghen với cả con mình. Anh chồng vừa ôm con vừa vội vàng chạy đến thơm lên má chị. Chị đỏ mặt hạnh phúc, cũng không quên mắng yêu chồng một câu “bố mày thật là, hàng xóm nhìn cười chết”. Anh chồng ngọt ngào đáp: “Tôi hôn vợ tôi, ai dám cười nào”. Vậy đấy, mỗi lần đón chồng, chị lại vui như một đứa trẻ.

Anh nhà chị là giáo viên đi công tác trên miền núi. Chị và anh cũng mong xin ở gần nhà nhưng thực tế rất khó khăn. Thế rồi anh chị quyết định chấp nhận tạm thời sống xa nhau. Hồi đầu, anh định đi ba năm, nhưng cái lòng yêu nghề giáo và thương học sinh miền núi đã níu chân anh ở lại chốn nghèo khó này thêm năm năm có lẻ. Anh chị cưới nhau được bảy năm với hai thiên thần nhỏ, một trai, một gái.

Những khi anh nghỉ phép lại đầy ắp chuyện kể cho chị nghe. Hai vợ chồng cùng là giáo viên nên có sự đồng cảm. Anh trăn trở vì công cuộc mang tri thức cho dân bản, nhiều khi lại đau đáu thương lũ học trò nghèo vì cơm ăn chẳng no, áo mặc không đủ ấm, lại phải trèo đèo lội suối mới đến được lớp học. Vợ chồng anh cũng vận động bà con trong xã để quyên góp quần áo, sách vở cho học sinh trên ấy. Con bé út mới học lớp một cũng muốn góp chút quà cho các chị: “ Bố ơi, cái kẹp tóc này con rất thích nhưng con muốn tặng cho các chị, con chúc các chị sẽ học thật giỏi”. Cùng lúc ấy, anh trai nó cũng mồ hôi nhễ nhại ôm một đống sách truyện to tướng ra dặn bố: “Bố ơi, những cuốn truyện này hay lắm. Bố thay con tặng cho các bạn nhé”. Nhìn hai đứa con ngoan mà vợ chồng chị vui không xiết.

Mấy ngày anh nghỉ phép chị cứ có cảm giác như đang chìm trong một miền cổ tích mơ hồ. Niềm hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ với chồng và lũ trẻ như những con sóng dâng ngợp trong lòng, đôi khi còn khiến chị nghẹn thở.

Mới đây thôi nhưng quá đỗi xa vời. Chỉ 11 tiếng nữa anh ấy lại phải đi rồi. Hàng chục lần phải tiễn anh ấy đi như thế này nhưng chị vẫn không thể quen được. Chị không muốn nói ra vì sợ chồng buồn nên cứ im lặng. Tự dưng lòng chị dâng lên một nỗi cô đơn và sợ hãi. Anh đi rồi, chị lại tiếp tục đóng hai vai, vừa phải là một người mẹ đảm đang nấu ăn giỏi, dịu dàng, bao dung và hiền từ, lại vừa phải là người cha biết tự tay sửa xe, thay bóng đèn, đóng đinh lại cái ghế, rồi đôi khi phải cứng rắn dạy bảo con, bảo vệ con không bị người khác bắt nạt. Chị chăm sóc con khi ốm đau, đến khi bản thân mình đau yếu thì lại chẳng được ai chăm sóc. Cứ thế đôi khi chị thấy yếu lòng, thấy nhớ anh da diết, thương mình, thương con.

Đêm hôm ấy, anh khẽ khàng hát ru cho chị ngủ. Những bài hát khi yêu nhau anh thường hát cho chị nghe. Những ký ức tình yêu len lỏi trong từng câu hát, mượt mà và ấm áp vô cùng. Nhưng chị vẫn không thể ngủ được, chỉ biết ôm chặt lấy chồng. Đến tảng sáng, chị mới chợp mắt. Chị giật mình tỉnh giấc mà không thấy anh. Mọi lần chị vẫn dậy sớm để nấu xôi cho anh trước khi lên đường, rồi nước mắt ngắn, nước mắt dài tiễn anh ra tận đầu ngõ. Nhưng hôm nay sao anh đi sớm mà không chào chị lấy một tiếng. Bỗng chị thấy một mẩu giấy nhỏ trên bàn. Đó là lá thư của anh. “Lâu lắm rồi em nhỉ, lâu lắm anh mới lại viết thư cho em. Em đừng buồn. Anh đi sớm vì không muốn nhìn thấy đôi mắt xa xăm của em khi tiễn anh. Anh chỉ muốn nhìn thấy em cười thật hạnh phúc. Đợt này, anh chỉ đi ba tháng rồi về hẳn với mẹ con em. Ba tháng nữa thôi, em và các con hãy chờ anh nhé. Đây là tin vui bất ngờ anh dành cho em”.

Chị đọc thư anh mà trong lòng vui khôn xiết. Chỉ ba tháng nữa thôi niềm hạnh phúc sẽ lại quay về với tổ ấm của chị. Lúc này, chị thấy mình yêu anh hơn bao giờ hết.

An Nhiên