Chồng tôi “lạnh nhạt”

Cuối thế kỷ 19, nhà điêu khắc người Pháp Auguste Rodin cho ra đời tuyệt tác "Người suy tư" (The Thinker), bức tượng người đàn ông ngồi chống khuỷu tay trên gối, cúi đầu lặng lẽ. Đến giờ các nhà tâm lý vẫn nhắc đến bức tượng như một minh họa cho trạng thái tâm lý muốn “còn lại một mình” của phái mày râu.

Hết... yêu?

 

Đến Trung tâm tư vấn TY-HN-GĐ, bà K.N, nhân viên một siêu thị, không biết bắt đầu câu chuyện của mình như thế nào, vì vợ chồng bà chẳng có mâu thuân gì đáng nói. Bà lấy chồng được 2 năm, thời gian đầu vợ chồng luôn quấn quýt bên nhau. Ông luôn miệng nói, cuộc sống sẽ buồn tẻ, vô vị nếu ông không được chung sống với người vợ dịu dàng như bà.

 

Vậy mà mới đây, chồng bà bỗng dưng... lười đưa vợ đi siêu thị, bớt nói chuyện với vợ, gia tăng lý do "anh bận lắm". Điều làm bà khó hiểu là có lần ông đi Đà Lạt một mình vào ngày cuối tuần, chẳng phải vì công tác hay nghỉ mát với cơ quan, mà vì ông phải viết một bản báo cáo công việc. Bà đòi đi theo, ông không chịu. Bà cũng không biết ông có đi Đà Lạt thật không, vì gọi điện thì ông đã tắt máy, khác hẳn những lần trước khi đi công tác xa, ông thường gọi cho vợ kể đủ mọi chuyện.

 

Sự thay đổi của chồng làm bà hụt hẫng, phân vân. Bà "đo đếm" lại trách nhiệm của chồng với gia đình thì thấy ông vẫn mang tiền về nộp cho vợ, vẫn tôn trọng ý kiến thu chi của vợ. Nhưng giờ đây những giấc ngủ chập chờn của bà chứa đầy những hoài nghi về lòng thủy chung của chồng.

 

Không âm thầm chịu đựng như bà K.N, bà M.T - kế toán một công ty may mặc, chọn cách tăng cường "hỏi cung" chồng. Một lần, bà được tặng hai vé xem kịch, hào hứng chờ ông đi làm về để cùng đi. Nào ngờ, ông bảo ông chỉ muốn ở nhà một mình, bà nên đi xem với bạn bè. Bực bội, bà xé hai chiếc vé. Trước hàng loạt câu hỏi của vợ, ông chỉ ậm ừ cho qua... Bà càng tấn công, ông càng rút vào im lặng.

 

Từ thái độ của ông, bà suy ra tâm địa ông đang "có vấn đề". Vốn xinh xắn, đang được chồng cưng chiều, bà không thể chịu được sự hờ hững bất ngờ của chồng, nên tìm cách trừng phạt ông, trước hết là "cúp" chuyện chăn gối.

 

Cũng có ông chồng tự nhiên "lạnh nhạt", nhưng bà T.B ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) không đẩy chồng ra luôn như bà M.T, mà càng chăm sóc chồng kỹ hơn. Những lúc thấy chồng ngồi hút thuốc một mình, bà lăng xăng tới lui, bưng thức ăn, rót nước... Đáp lại, ông dắt xe ra khỏi nhà, thông báo ngắn gọn: "Đi đây một chút". Bà vợ chới với, buồn bã, cứ nghĩ ông có bồ rồi, chỉ còn nghĩa vụ với vợ con.

 

Giai đoạn "nghỉ ngơi"

 

Trở lại với bức tượng "Người suy tư". Không phải ngẫu nhiên mà nhà điêu khắc tài hoa Rodin chọn người đàn ông làm người mẫu. Sự chọn lựa này thể hiện nhu cầu được tự do hoàn toàn, được chìm đắm trong suy nghĩ, được chiêm nghiệm bản thân của nam giới.

 

Theo phân tích của các nhà tâm lý, đây là giai đoạn họ tạm "chia tay" với người thân để sống trong cõi riêng của mình, hay còn được gọi là giai đoạn "nghỉ ngơi". Nếu trong lúc các ông đang làm "Người suy tư" mà bà vợ cứ quanh quẩn hỏi chuyện, chắc chắn là sẽ bị các ông bực tức...

 

Chồng tôi “lạnh nhạt” - 1
 "The Thinker" của Auguste Rodin. 

 

Các nghiên cứu tâm lý cho biết, đàn ông, nhất là các đối tượng lao động trí óc, thường có nhu cầu "quên đi mọi sự" dù đang ở trong gia đình. Trong khoảnh khắc tự do đó, họ như được "phục sinh", lấy lại tinh thần, sinh lực.

 

Kia Spiellberg, nhà tâm lý học người Đức, cho rằng: Tuy các ông chồng đã tự nguyện lấy vợ, chọn cuộc sống chung với người phụ nữ mà họ yêu thương, nhưng nếu các ông "hiến dâng" tất cả cho hôn nhân thì chính là họ đang phủ định mình.

 

Một bà vợ cằn nhằn khi thấy ông chồng bỗng nhiên "không ngó ngàng đến vợ", chẳng những đã xâm phạm đến quyền tự do, mà còn ngăn cản sự trưởng thành nhân cách của chồng. Sự "hờ hững" tạm thời của chồng nếu được bà vợ cảm thông, hiểu biết, sẽ không gây tổn thương cho gia đình, mà ngược lại còn nạp thêm năng lượng vào nguồn tình cảm vợ chồng.

 

Một bà vợ biết "rút lui" khi chồng cần một mình, chính là biết tôn trọng chồng. Hạnh phúc lứa đôi dựa vào sự hài lòng của mỗi cá nhân. Khi đã lập gia đình, nhiều bà vợ trẻ hay đồng hóa tình yêu với sự "sáp nhập" của hai người yêu nhau. Vì thế mọi cử chỉ, hành vi, lời nói của ông chồng có xu hướng muốn "tách ra" đều làm cho bà vợ... chột dạ, và trong âu lo, họ hay suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực. Kết luận thông thường của các bà là chồng đã chán... "cơm". Tự ái, buồn phiền, tủi thân... là những cảm xúc bao phủ tâm trí khiến họ không còn nhận ra tình yêu của chồng.

 

Không có gì mâu thuẫn khi một bà vợ biết giữ chồng là biết để cho chồng có những lúc "rời xa mình". Đó cũng là kinh nghiệm của bà Trần Thị L., một giáo viên cấp II. Bà nói: "Thỉnh thoảng, tôi rảnh lắm, ở nhà ăn cơm xong, coi ti vi, khỏi phải lo cho chồng. Đó là vào những lúc ông ấy mặc chiếc áo màu xanh biển, sọc trắng, tín hiệu của yêu cầu "Hãy để tôi yên".

 

Quy định này chỉ riêng vợ chồng tôi biết. Tôi cũng phát ra tín hiệu "muốn ở một mình" bằng cách choàng vào cổ một chiếc khăn mỏng màu nâu nhạt. Nhưng thú thật, tôi ít khi phải dùng đến nó. Tôi nhận ra chồng tôi cũng là một nhà giáo nhưng hay phát sinh nhu cầu "lặng lẽ nơi này" hơn tôi, có lẽ vì anh ấy là... đàn ông, vốn ít nói hơn đàn bà, nên hay cần sự yên tĩnh".

 

Phải mất gần một năm đau khổ vì thỉnh thoảng lại bị chồng "làm ngơ" và sau vài tháng tìm hiểu qua các chuyên viên tư vấn, chị T.N - một trình dược viên, mới ngộ ra điều vô lý là lúc nào mình cũng cố đi chung với chồng, mỗi khi cảm thấy ông xã có vẻ lơ là với vợ. Bây giờ, những lúc chồng bận việc hoặc từ chối không đi, bà đã thôi không còn hờn dỗi, bực bội. Hiểu và đọc được sự "hừng hờ" của chồng đã giúp bà vợ biết thay đổi cách ứng xử, yên tâm chờ chồng "trở lại".

 

Vấn đề cần đặt ra là làm sao phân biệt được sự "hờ hững" của quy luật tâm lý đàn ông và sự hững hờ của kẻ bạc tình? Điều này cần đến sự nhạy cảm và cả kinh nghiệm của các bà vợ. Bên cạnh đó, cần có một tinh thần ổn định, cân bằng, bình an, với một nội tâm mạnh mẽ, các bà vợ mới nhìn ra được sự thật.

 

Theo chuyên viên tư vấn Nguyễn Thu Hiên, không phủ nhận "giác quan thứ sáu" của nữ giới, nhưng bà lưu ý các bà vợ cần thu thập nhiều chứng cứ khác cho rõ ràng, mới có thể xác định chuyện chồng mình... có bồ.

 

Sự hờ hững của người chồng ngoại tình thường kèm với nhiều sự gian dối, lấp lửng, tiền hậu bất nhất và trách nhiệm, tình thương đối với gia đình cũng giảm đi.

 

Theo Trường Sơn

Phụ nữ TP.HCM