“Chồng thấp vợ cao so sao cho vừa...”
Sống với người chồng thiếu tự tin, luôn mặc cảm về bản thân, bạn phải thật khéo léo mới giữ được hạnh phúc gia đình.
Những cuộc nói chuyện hục hặc như vậy thường xuyên diễn ra trong bữa cơm gia đình anh chị Minh Thành cả Ngọc Mai, 32 tuổi, TPHCM. Hai anh chị quen nhau từ khi còn ngồi chung giảng đường khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế TPHCM. Tình yêu của đôi sinh viên nghèo dù thiếu thốn nhưng thật đẹp bởi anh chị luôn có tiếng nói chung.
Ra trường, anh Thành xin vào làm kế toán một công ty xuất nhập khẩu, còn chị Mai được nhận làm thư ký giám đốc marketing cho một công ty quảng cáo. Đám cưới đơn sơ là kết thúc có hậu cho mối tính kéo dài năm năm.
Khi vợ thành đạt
Một năm sau, chị Mai sinh cậu con trai kháu khỉnh. Sinh xong, đường công danh sự nghiệp của chị bỗng thuận buồm xuôi gió. Sau ba năm, chị được thăng chức giám đốc marketing vì sếp chuyển công tác ra nước ngoài.
Trong khi đó, anh Thành vẫn lẹt đẹt làm chân kế toán, với đồng lương ít ỏi. Sự nghiệp càng cao, chị Mai càng phải dốc công và giao bớt việc nhà cho chồng. Lẽ ra phải vui cho sự thăng tiến của vợ, anh Thành lại bứt rứt khó chịu. Anh ghen tỵ với sự thành công của vợ. Họ không còn tìm được tiếng nói chung, dần dần, tình cảm vợ chồng như có một bức tường vô hình ngăn cách.
Có lần, do chị mang về một hợp đồng khá lớn cho công ty nên được thưởng một khoản hậu hĩnh, chị Mai định bụng dành khoản thưởng ấy tổ chức một chuyến đi chơi gia đình để hâm nóng tình cảm vợ chồng. Thế nhưng, vừa mở miệng, anh Thành đã buông thõng: “Thôi em rủ đồng nghiệp của mình đi đi, anh chỉ là một nhân viên quèn, đi theo chỉ làm xấu mặt em thôi”.
Lúc đầu, chị còn nhẹ nhàng nói chuyện phải trái, mong anh thay đổi cách nghĩ. Lâu dần, vừa chịu áp lực công việc vừa phải nghe những lời chì chiết, nặng nhẹ của anh, chị thấy mệt mỏi và không đủ sức chịu đựng nữa. Những trận cãi vã giữa hai vợ chồng xảy ra như cơm bữa. Chán cảnh “cơm không lành canh không ngọt”, chị quyết định ly hôn.
Chồng thấp, vợ cao so sao cho vừa?
Trong gia đình, khi người vợ có địa vị xã hội hay khả năng kiếm tiền cao hơn, người chồng rất dễ rơi vào tâm lý tự ti, mặc cảm. Tâm lý này thường xuất phát từ hai nguyên nhân chính:
Thứ nhất, theo quan điểm xã hội xưa, người phụ nữ chỉ ở nhà nuôi dạy con. Họ không có cơ hội tham gia các hoạt động, công tác xã hội bên ngoài. Hầu hết đàn ông Việt Nam đều có tư tưởng phải là trụ cột gia đình. Họ là người làm chủ về tài chính cũng như đưa ra các quyết định quan trọng. Tư tưởng này gần như ăn sâu vào tâm trí họ.
Điều đó xuất phát từ cách giáo dục của gia đình. Có thể, đấng sinh thành của người chồng cũng là một người gia trưởng. Do đó, anh ta bị ảnh hưởng từ cha của mình. Anh tự đặt ra áp lực rằng khi lập gia đình mình cũng phải là người có tiếng nói trong nhà.
Chính vì vậy, khi chưa có cơ hội và cũng có thể bản thân không có khả năng trên con đường công danh, sự nghiệp nên anh cảm thấy thua kém vợ.
Điều này khiến người chồng cảm thấy mình không còn giá trị. Họ luôn mang mặc cảm mình là người bất tài, vô dụng. Họ bực tức, mâu thuẫn với bản thân. Từ đó, họ trút bực dọc lên người vợ.
Thứ hai, do cách cư xử của người vợ không khéo léo, tế nhị. Qua hành vi, lời nói trong giao tiếp hằng ngày, họ vô tình chạm đến lòng tự ái, tính tự ti vốn nhen nhóm sẵn trong lòng chồng.
Như trường hợp anh Thành, có thể do anh chưa gặp thời nên sự nghiệp chưa tiến xa. Điều này khiến anh mặc cảm và ganh tỵ với vợ. Thế nhưng chị Mai không hiểu điều đó nên thường đề cập đến sự thành công, tài chính gia đình.
Tự ái của người đàn ông khiến anh Thành phản ứng tiêu cực. Chị Mai thấy thái độ chồng vô lý nên không thể chấp nhận và chịu đựng được vì cho rằng mình không gây nên lỗi lầm gì. Mâu thuẫn giữa hai vợ chồng nảy sinh ngày càng lớn, như một sợi dây căng nếu không điều chỉnh kịp thời rất dễ đứt.
Chồng tự ti, vợ phải khéo léo
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, cho biết thêm: Khi rơi vào hoàn cảnh này, trước hết, bạn phải biết cách cư xử khéo léo và tinh tế. Nên tránh đề cập những vấn đề nhạy cảm trong gia đình như tài chính, công việc, nhất là về thành công của người khác... để tránh bùng phát mâu thuẫn.
Thêm vào đó, mặc dù chồng có địa vị xã hội không bằng mình nhưng bạn nên thể hiện sự tôn trọng, đề cao vai trò của người chồng trong gia đình. Không nên tỏ thái độ sai bảo, yêu cầu chồng làm những công việc nhỏ nhặt. Nếu có, hãy để anh ấy thực hiện tự nguyện.
Bạn cũng đừng tiếc lời khen chân thật và động viên khuyến khích chồng. Không chỉ khen trước mặt anh ấy, hãy tận dụng cơ hội khen chồng trước mặt bạn bè của hai người.
Hãy nhớ rằng địa vị xã hội càng cao, khả năng kiếm tiền càng nhiều, bạn càng phải khiêm nhường. Phải làm sao cho đức lang quân đừng mặc cảm qua từng hành vi, lời ăn tiếng nói.
Hãy để chồng thể hiện vai trò trụ cột của mình bằng cách luôn tham khảo ý kiến anh ấy trong những quyết định quan trọng. Tạo cho anh ấy cảm giác mình không hề thua kém vợ.
Ngoài ra, bạn cũng nên động viên chồng tìm kiếm cơ hội mới bằng việc nâng cao kiến thức hay thay đổi môi trường làm việc. Chỉ cần có năng lực và sự động viên của bạn, anh ấy sẽ tiến xa hơn.
Khi đã cố gắng hết sức nhưng không thay đổi được suy nghĩ và hành vi của ông xã, bạn có thể nhờ người thứ ba can thiệp như bố mẹ chồng, bạn bè... Họ sẽ giúp bạn phân tích và đưa ra những lời khuyên khách quan.
Bạn cũng có thể cùng chồng đến trung tâm tư vấn tâm lý để giúp anh ấy nhận ra những suy nghĩ lệch lạc và điều chỉnh kịp thời. Bản thân bạn cũng cần biết vì sao ông xã trở nên như thế để có những hành vi phù hợp, xóa bỏ mặc cảm và giúp anh ấy cân bằng tâm lý.
Giải quyết các vấn đề nảy sinh trong đời sống vợ chồng cần có sự cố gắng vun đắp của cả hai người. Hãy lấy mục tiêu xây dựng hạnh phúc gia đình làm nền tảng để cùng phấn đấu và vượt lên cái tôi của chính mình.
Theo Tiếp thị & Gia đình