Chồng luộm thuộm, vợ lắm lời

“Em ghét nhất cái kiểu bật điện trong phòng tắm rồi mới loay hoay đi tìm quần áo. Chuẩn bị xong đâu đấy thì mới vào bật điện chứ”, Thảo bức xúc.

“Cả lúc bật tivi cũng thế. Tivi thì nói oang oang, còn anh chạy ra ngoài chơi. Bật quạt cũng không chịu tắt. Bóng đèn ở cầu thang thì lúc nào cũng quên, có khi để đến sáng...”.

 

Thấy chồng ôm quần áo đi xuống, Thảo vẫn chưa dứt “bài ca” về tính lãng phí điện của chồng. Chồng cô ức chế nên nhăn nhó: “Biết rồi, nói lắm”. “Nói lắm à, nói lắm mà anh có thèm nhớ cho đâu. Cuối tháng lại kêu sao hết nhiều tiền điện thế. Nhà này, anh là lãng phí nhất đấy...”, bực mình vì vợ cằn nhằn suốt, chồng Thảo đang tắm cũng phải đẩy cửa gắt: “Điếc tai quá”. Được thể, Thảo càng không ngừng nói.

 

Một phần vì Thảo nóng tính, có gì là phải “xả” ra ngay, không thể ngồi yên với những cái “chướng tai gai mắt” của chồng. Phần khác vì chồng Thảo lúc nào cũng nhớ nhớ - quên quên, nhắc mãi mà chỉ tiến bộ mấy lần đầu, mấy lần sau lại diễn nguyên tật cũ. Vài chuyện nhỏ nhặt cứ chồng chất vào nhau khiến cô chịu không nổi. “Nếu anh biết sửa thì ai còn nói làm gì. Vì không sửa được nên phải nói mãi thôi”, Thảo ca cẩm.

Chồng luộm thuộm, vợ lắm lời - 1

Vợ nhẹ nhàng, chồng tôn trọng sẽ giúp giảm bớt những mâu thuẫn không đáng có

 
Còn Mai Anh cũng phải nhắc nhở đến lần thứ n chuyện cứ dùng giẻ lau tay để lau bàn và giẻ lau bàn để lau tay của chồng mình. Mai Anh quy định cái giẻ màu xanh, trải lên bình lọc nước là để lau tay. Giẻ màu tím than, để dưới kệ bàn là để lau bàn. “Ấy thế mà có khi ăn xong miếng dưa hấu, lau tay xong thì tay toàn mỡ mỳ tôm hoặc nhầy nhụa nước mũi của con”, Mai Anh kể.

 

Biết “tác giả” là chồng, Mai Anh “sạc” cho chồng một trận. Lúc đầu, cô thấy chồng có vẻ hối lỗi. Nhưng sau hàng chục lần tùy tiện như thế, Mai Anh mắng chồng mạnh hơn thì chồng cô cũng phản ứng dữ dội hoặc chối bay: “Ai lau, ai lau? Lắm chuyện”. Tính Mai Anh vốn nói nhiều, nhất là mấy chuyện “bẩn bẩn” là cô không chịu được. Nhẹ nhàng nhắc nhở chồng một vài lần còn được chứ cả năm trời phải nói mấy chuyện này khiến Mai Anh càng “điên” hơn. Vợ chồng Mai Anh bình thường vốn hòa thuận nhưng cứ cái chuyện giẻ lau là làm ầm lên.

 

Khi nói mãi chẳng ăn thua

 

Các anh chồng luôn bất mãn với “bệnh nói dai” của vợ, thậm chí họ coi đó là gốc gác của cãi vã trong nhà. Ngược lại, phần lớn phụ nữ lại cho rằng họ buộc phải nói nhiều để “chiến đấu” với tật xấu của bạn đời. Tuy nhiên vấn đề là nói nhiều không phải cách để “cải tạo” chồng. Khi nói mãi mà không có kết quả khả quan, nhiều người vợ liền chuyển hướng ứng phó khác.

 

Chẳng hạn, Thu (Đống Đa, Hà Nội) rất “dị ứng” với thói thay đồ xong là ném lên đầu giường, thay vì treo lên móc tử tế của chồng. 101 lần nhắc thì chắc khoảng vài ba lần chồng Thu tự giác treo đồ đúng quy định, phần còn lại Thu toàn tự làm. Tối về thấy mặt chồng là không quên cằn nhằn.

 

“Thế nhưng gần hai năm sống chung, mình cũng bị “miễn dịch” rồi. Bây giờ, mình chỉ nói ngắn gọn: ‘Anh lại vứt quần áo lên giường kìa’ và để anh ấy tự làm nhưng đừng mong anh ấy sẽ làm ngay nhé. Nếu không làm thì thôi, mình cũng chẳng tự làm và cũng thôi càu nhàu”, Thu kể. Nhờ thế mà “cuộc chiến” treo quần áo của vợ chồng Thu không còn gay gắt như trước nữa.

 

Với Kim (quận 4, TPHCM) thì hờn khóc suốt ngày mà chồng vẫn đi nhậu khuya, quên mua quà sinh nhật cho cô, không chịu đưa đón khi cô muốn đi đâu đó... nên Kim rút ra bài học là: “Không hờn nữa, chỉ tổ mệt thân, nhanh già nua, xấu xí”. Thay vì hờn dỗi, cằn nhằn, than thở, trách móc, nếu chồng về muộn, Kim chỉ nói đơn giản: “Anh về muộn làm em lo lắng đấy. Lần sau đừng có thế nhé” rồi đi ngủ. Tất nhiên, Kim không thể “chỉnh” chồng sau một câu nói bởi nhiều lần sau đó, chồng cô vẫn mắc lỗi.

 

“Nếu lần sau thì mình sẽ xị mặt: “Anh lại mắc lỗi rồi”. Chồng mình cười và lại hứa sẽ về sớm hơn. Nói chung cũng chẳng thể tốt đẹp 100% nhưng mình nghiệm ra, nói nhiều thì chồng càng phản ứng mạnh hoặc thờ ơ như điếc, thành thử một mình nói, một mình nghe càng ức hơn”, Kim tâm sự.

 

Theo Me&be