Chồng "khờ" mắc “bệnh sĩ”

"Anh không thể ngồi quán, bán nước được. Ai lại bằng đại học hẳn hoi mà đi bán nước chè vỉa hè bao giờ" - Sinh giãy nảy khi vợ gợi ý giải pháp: mở quán nhỏ kiếm thêm thu nhập, trong tình cảnh anh đang thất nghiệp, nhà lại sẵn mặt ngõ.

Cái bằng đại học Ngoại thương của Sinh thuộc hệ tại chức (đi kèm với mấy chứng chỉ tin học, ngoại ngữ anh bỏ tiền ra mua). Tính từ đầu năm ngoái đến nay, Sinh đã nhảy đến vài ba chỗ và cuối cùng là ôm bằng ngồi nhà vì: “Lãnh đạo yếu kém quá, không biết trọng dụng người tài”.
 
Chồng "khờ" mắc “bệnh sĩ” - 1
Ngán ngẩm nhìn chồng ở nhà "chờ cơ hội mới".

 

Dù vậy, Huệ - vợ Sinh thừa biết công việc của chồng, chỗ tốt lắm cũng là chân kiểm kho cho một xí nghiệp xuất nhập khẩu. Nếu không, Sinh cũng chỉ đủ năng lực trực tổng đài taxi hoặc bán hàng trong siêu thị…

 

"Chênh vênh" với tấm bằng Dân lập

 

“Con học lái xe ôtô để sau này mua xe riêng chứ không phải làm lái xe cơ quan như bố” - Hoàn nhăn nhó khi ông bố vợ ngỏ ý muốn xin cho anh thế chân nghề lái xe trong một bộ lớn khi cụ nghỉ hưu.

 

Khác Sinh một chút, Hoàn cũng có bằng Đại học nhưng lại là hệ Dân lập. Hoàn theo học công nghệ thông tin theo kiểu “ù cạc” nên có nộp hồ sơ thi tuyển vào công ty nào anh cũng bị loại ngay từ vòng test. Nếu được nhận, anh cũng không đủ năng lực thoát khỏi tháng thử việc.

 

Vợ đi làm mặc vợ, Hoàn cứ lên lịch đều đặn “tối chơi game, ngày ngủ nướng” chờ “thời cơ đổi đời”. Gia đình có đưa gợi ý kiếm việc cho Hoàn đều bị anh chối đây đẩy, điển hình là đề nghị của bố vợ ở trên.

 

Tương tự Hoàn, Tiến cũng là “cử nhân Dân lập”, lận đận đường công ăn việc làm, dù đã là ông bố trẻ. Tháng trước, được ông anh xin cho chân bảo vệ cơ quan, Tiến ỉu xìu chán ngán, quyết không chịu. Sau, được cả nhà động viên, anh gật đầu kèm lời nhắn gửi cho Hoa, vợ mình: “Anh làm tạm thời thôi đấy. Sau này tìm được việc khác là anh phải chuyển đi ngay”.

 

Tuy nhiên, chưa kịp chủ động xin nghỉ thì Tiến đã bị ban lãnh đạo buộc cho thôi việc vì uống rượu say xỉn trong giờ làm. Ông anh trai lắc đầu chán ngán nói với Hoa: “Anh đến chịu. Thôi thì vợ chồng cô chú nhẹ nhàng khuyên bảo nhau”.

 

Chỉ vợ là khổ

 

Hiếm có người vợ nào hạnh phúc khi sở hữu một ông chồng “kén cá chọn canh” trong thời buổi kinh tế lao đao thế này. Nguyệt (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tâm sự: “Chồng mình không phải lười nhưng tính nóng nảy, lại thích làm theo ý mình. Ai đời, lãnh đạo nói gì anh ấy cũng cho là không phải nên xảy ra xung đột, thậm chí là đấm đá trong công ty. Kết cục thì anh ấy lại ngồi nhà ôm con giúp vợ để chờ cơ hội khác”.

 

Nguyệt cho biết thêm, kinh tế gia đình cũng không đến nỗi vì vợ chồng cô còn sở hữu dãy nhà trọ cho thuê. "Chỉ có điều, mỗi lần có ai hỏi ông xã công tác ở đâu, mình lại phải tìm cách né” - Nguyệt thực lòng nói.

 

Còn với Mai Anh (Quận 7, TPHCM), gia cảnh càng khốn đốn vì ông chồng thất nghiệp lại máu cờ bạc. Mai Anh cho biết: “Có hôm đi làm về, mình muốn uống nước mát thì cái tủ lạnh không cánh mà bay. Hoảng hốt gọi cho ông xã thì ông ấy tỉnh bơ: "Tủ hỏng, anh mang bán rồi. Đợi hôm nào anh mua tủ khác”. Mai Anh bảo, cô biết thừa ông xã thiếu tiền cờ bạc nên đem bán tủ.

 

Lên kế hoạch giúp đỡ chồng

 

Ở vào hoàn cảnh này, người vợ nên xem xét nguyên nhân cụ thể để giúp chồng tìm việc, tăng thu nhập cho gia đình.

 

Với những người chồng nóng tính, dễ bất mãn (có bằng cấp trong tay nên không chịu làm những công việc chân tay đơn giản, lại càng không thừa nhận mình kém năng lực) thì công cuộc kiếm việc cho chồng khá nan giải. Người vợ nên cùng chồng bàn thảo những kế hoạch kinh tế trong gia đình để anh ấy nhận rõ vai trò và trách nhiệm của mình.

 

Bên cạnh đó, người vợ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ họ hàng nội, ngoại, bạn bè chồng để thúc đẩy quá trình tìm việc cho chồng nhanh hơn.

 

Những người chồng trong hoàn cảnh này không hẳn lười lao động hoặc thích “bám váy” vợ con; đơn giản vì họ quá coi trọng bản thân mà không dám nhìn thẳng vào thực tế. Việc kéo chồng trở về “mặt đất” đòi hỏi người vợ thật kiên trì và khéo léo.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé