Chồng “hư” tại vợ

Nhìn Nếp, ai cũng nghĩ Nếp được chồng cưng chiều. Chồng Nếp đã một lần gãy đổ, lại hơn Nếp những 20 tuổi. Nếp xinh đẹp, gái tân, chồng không chiều Nếp thì chiều ai?

 
Chồng “hư” tại vợ - 1


Nhầm hết. Chồng Nếp là sếp nên thường phải đến cơ quan sớm. Những năm trước, việc đưa đón con, Nếp lãnh cả, dù anh là tổng giám đốc, có xe hơi đưa đón. Cho con quá giang một chút, bõ bèn gì. Nhưng Nếp mới hó hé nửa câu, anh đã gạt phắt. Năm nay, con về học trường ngay sát cơ quan chồng, anh mới chấp nhận cho con đi ké.

 

Hai cha con mới đi với nhau được hơn một tuần mà lúc nào cũng inh ỏi. Nếp thấy lạ, ở cơ quan anh hét ra lửa, vậy mà ở nhà sợ con một phép. Con bé được thể, ăn nói hỗn hào. Mà lỗi cũng tại anh lề mề.

 

Sáng ra, Nếp đã soạn sẵn mọi thứ, thiếu điều đi cả vớ cho hai cha con. Thế mà mắt anh cứ dán vào màn hình tivi: “Để bố xem nốt đoạn này tí”, “Không! Bố có đứng lên ngay không thì bảo”. Nếp thấy hãi quá. Xấu hổ với hàng xóm láng giềng: “Con nói nhỏ tí được không?”, “Không!”, con bé càng gào lên.

 

Đêm nằm, Nếp vắt tay lên trán nghĩ mông lung. Thôi mình kiếp trâu ngựa. Đành gồng mình lên mà chở con đi học chứ biết làm sao.

 

Suốt những năm học phổ thông, rồi đại học, Nếp chưa hề yêu ai. Ra trường đi làm được vài năm, cũng chẳng có ai. Thế rồi anh xuất hiện, đúng như mẫu hình Nếp mơ tưởng: rắn rỏi, vạm vỡ.

 

Trong mắt ba mẹ Nếp, anh có hai điểm yếu: Lớn tuổi và đã có một đời vợ, một con riêng. Với Nếp, hai điểm yếu của anh lại chính là hai điểm mạnh: Anh đã từng kết hôn, hẳn sẽ rút được kinh nghiệm từ những sai lầm của cuộc hôn nhân trước. Anh lớn tuổi để mặc nhiên Nếp phải tôn trọng anh, không “cá mè một lứa”.

 

Sống với anh, Nếp nhận ra, dù có qua mấy cuộc hôn nhân chăng nữa thì người ta cũng chẳng rút ra được kinh nghiệm gì. Anh vẫn mải chơi. Hình như đời anh chỉ có bạn bè là quan trọng nhất. Một năm chỉ có tối 30 Tết là anh chịu ở nhà, mà chẳng hề vui, cứ đi ra đi vào như mong ngóng ai. Còn tối nào cũng đi đến khuya.

 

Chiều mùng một Tết, anh đã gọi điện khắp nơi hẹn hò bạn ra sân tennis. Nhiều khi Nếp nghĩ, vợ trước của anh có khóa trái cửa cũng đáng đời anh. Nếp có lúc cũng muốn làm như chị, nhưng sợ hậu quả. Phẫn uất quá, không nói ra được, Nếp sắm một cái bảng thật to treo giữa nhà, nói để ghi chú những việc cần làm, thực tâm là để trút hết hờn căm lên đó. Anh đọc, cười khì. Ý nói đừng nhọc lòng cải tạo con người anh.

 

Thứ hai đầu tuần, con gái phải đi học sớm để chào cờ. Nếp vô một quán ăn sáng khá sớm, bà chủ đi chợ mua hàng chưa về. Nếp gọi một tô phở. Ăn đến nửa tô, Nếp mới phát hiện nước phở đục ngầu như nước vo gạo. Cơn tức từ đâu ập đến. Nếp bỏ dở tô phở, hỏi bé bán hàng: “Con làm bánh phở cũ còn dư ngày hôm qua phải không?”. Con bé trả lời ráo hoảnh: “Không, bánh mới”. Bà chủ chưa đi chợ về lấy đâu ra bánh mới? Nếp đã tức lại càng tức. Thà nó cứ nhận đi.

 

Trên đường về cơ quan, không hiểu sao Nếp lại liên tưởng chồng mình với… bánh phở cũ. Tức thật, bỏ đồng tiền để phải ăn đồ cũ. Cũng như mình đây, cha mẹ sinh ra vất vả, nuôi nấng nhọc nhằn, ăn học tử tế, lòng dạ sáng trong… mà phải làm đầy tớ cho con người ta từ A đến Z.

 

Tối đó, Nếp viết lên bảng: “Bánh phở cũ”.

 

Chồng về khuya lắc khuya lơ, chẳng biết có đọc không. Nhưng sáng ra dậy thật sớm. Nếp dậy, lại tất bật chuẩn bị mọi thứ. Anh đến sát bên Nếp, nói: “Lại đặt tên mới cho anh à?”. Nếp bỗng òa khóc nức nở, quay lại, quàng tay lên vai, ôm lấy anh: “Em tủi thân lắm. Em sợ không đủ sức cung phụng cha con anh mãi…”.

 

Anh không chịu được sự mùi mẫn, nhưng anh hiểu vợ anh nói đúng. Anh hôn lên tóc vợ rồi khẽ đẩy Nếp ra: “Để anh rửa nốt chén cho em nhé!”.

 

Nếp lại thấy thương: “Thôi để em làm”.

 

Đúng là con hư tại mẹ, chồng “hư” tại… vợ, kêu ca nỗi gì.

 

Theo PNO