Chồng “gàn”

(Dân trí) - “Hôm anh ta đi công tác, được tạm ứng một khoản kha khá, vậy mà khi về còn bao nhiêu mang trả tất cho công ty, không biết đường xin hóa đơn mà hợp lý hoá chúng, đút vài triệu vào túi. Bảo sao mà vợ con anh ta luôn nhếch nhác, thiếu thốn...”.

Chồng “gàn” - 1
 
Chị bắt đầu sụt sịt kể lể với chị hội trưởng hội phụ nữ thuộc tổ dân phố đến hòa giải cho vợ chồng chị:  

 

“Sáng sáng anh ta dậy từ rõ sớm chạy nhảy tập thể dục uỳnh uỵch chẳng cho mẹ con tôi ngủ rốn thêm tí nữa. Đã thế còn luôn miệng năn nỉ tôi chịu khó nấu ăn sáng để không phải ra quán xá chật chội, kém vệ sinh. Sao không như chồng đứa bạn tôi chỉ thích ra tiệm, vừa tiện vừa khoẻ thân, vợ khỏi phải lặn lội sớm hôm làm gì cho nhọc xác.

 

Hôm anh ta đi công tác, được tạm ứng một khoản kha khá, vậy mà khi về còn bao nhiêu mang trả tất cho công ty, không biết đường xin hóa đơn mà hợp lý hoá chúng, đút vài triệu vào túi ngon ơ. Thể nào mà vợ con anh ta luôn nhếch nhác, thiếu thốn.  

 

Anh ta còn mù quáng tin người đến nỗi tên ăn mày mà cả chợ biết là hay ăn vạ và nhà rất giàu anh ta vẫn bố thí cho vài đồng mỗi khi gặp.

 

Ai nhờ vả cái gì thì cũng phải có bồi dưỡng tí chút, đây anh ta luôn sẵn sàng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, toàn đi giúp không công cho người ta. Dở hơi quá mức quy định.

 

Ngày con chuẩn bị vào lớp một, bà hiệu trưởng trường “điểm” đã bật đèn xanh rồi, chỉ việc đến đó quà cáp phong bì chút ít là “OK”, thế mà anh ta vẫn đùng đùng, nhất quyết để con học trường thường, không phải chạy chọt gì hết, “hâm” quá thể.  

 

Tết vừa rồi tôi đã hỏi ý xem quà tết sếp như thế nào để mua và chuẩn bị đổi tiền to, anh ta gạt phăng đi kêu là những đứa tham ô tham nhũng nó cướp được tiền của thiên hạ thì mới đút lót cho sếp hòng giữ “ghế”, tiền của tôi là mồ hôi công sức, có trộm cắp, ăn chặn được của thằng quái nào đâu mà phải quỵ luỵ ai. Chị bảo suy nghĩ thế thì đời bao giờ khá lên được?

 

Anh ta gàn dở, cứng nhắc thái quá, làm gì cũng nguyên tắc và yêu cầu vợ con luôn phải quang minh chính đại. Ở thời buổi này mà thế có mà nhai cám. Thời thế, thời mình phải thế, không là bị đào thải ngay! Song anh ta vẫn bình chân như vại, chẳng biết sợ là gì. Tôi chán ngấy chồng rồi.

 

Không chỉ với bản thân, anh ta còn quá khắt khe với con. Hiếm khi nó được cầm tiền riêng, cần gì phải xin phép và lấy đà đến vài tuần. Con muốn chơi cờ vua trên máy tính của bố cũng không được, anh ta chơi trực tiếp với con luôn. Đến Hè, thằng con muốn được mua diều cuối tuần về quê thả cùng cậu, anh ta tự tay cắt dán và dạy con làm. Sao phải tốn công sức và thời gian vô ích thế?

 

Anh ta chẳng mấy khi tụ tập, giao lưu với ai, thi thoảng gặp gỡ bạn bè toàn ngoài quán trà đá vỉa hè, bởi bia uống một hớp thì mặt đỏ tía tai, rượu được một ngụm thì sẵn sàng lăn quay ra ngủ. Người như vậy thì còn xã giao, đặt quan hệ được với ai, thế nên bao năm vẫn chỉ là anh nhân viên quen ngồi cạo giấy, chân đút gầm bàn.  

 

Anh ta còn khinh bỉ đám tiền mà tôi vất vả “tăng gia” thêm được từ khoản hoa hồng của đám khách hàng đến làm việc, nhờ cậy giấy tờ ở cơ quan...”.

 

Chị hội trưởng nghe chưa xong đã sốt ruột thở hắt ra, đứng dậy vỗ vai chị vợ:

 

“Là do nhân sinh quan của hai người không tương thích rồi. Chờ tôi, để tôi đi tìm các giáo sư chuyên khảo cứu về khả năng tiềm ẩn của con người và cả người chịu trách nhiệm bảo tồn động vật trong sách đỏ nữa. Chồng chị là người đàn ông chân chính hiếm hoi còn sót lại đấy!”.

 

Triệu San