Chồng em "đếm củ dưa hành..."

“Bao nhiêu năm bị chồng khống chế về kinh tế, nghĩ lại, tôi thấy mình là một con ở trong gia đình thì đúng hơn. Điều tôi đau khổ nhất là vì sự lép vế của mình mà con cái cũng đâm ra khinh thường mẹ...”

"Tôi là con ở thì đúng hơn"

 

Mỗi ngày, chị Hà (nhà ở khu D, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà nội) chỉ được chồng đưa cho 20 nghìn đồng để đi chợ. Hôm nào tiêu không hết thì phải hoàn lại. Chỉ với khoản tiền cỏn con đó nhưng mua thứ gì chị đều phải ghi lại sổ sách để chồng  kiểm tra.

 

Hai vợ chồng chị làm cùng cơ quan. Chị là nhân viên ở phòng hành chính còn chồng chị là thủ quỹ. Và đó cũng là lý do tại sao sau gần 20 năm chung sống, chị chưa bao giờ được nhận một đồng tiền lương. Trong gia đình, chị Hà không được tự ý chi tiêu bất cứ một cái gì nếu chồng chị chưa đồng ý.

 

Chị trở thành một người sống thụ động, ít có người giao thiệp. Trong cơ quan chị bị đồng nghiệp coi thường vì từng ấy năm chị chưa bao giờ có một cử chỉ hào hiệp về tiền bạc. Còn với bố mẹ mình, chị Hà tự nhận là một người con bất hiếu vì "lực bất tòng tâm".

 

Chị kể: "Tôi chưa bao giờ tự mình mua được một bộ quần áo mới để mặc. Điều tôi đau khổ nhất là vì sự lép vế của mình mà con cái cũng đâm ra khinh thường mẹ. Chuyện gì chúng cũng chỉ  hỏi ý kiến của bố, còn mẹ chỉ đơn thuần là người giặt giũ, tắm rửa và cơm nước hàng ngày cho chúng".

 

Nhận tiền chồng đưa như nhận bố thí

 

"Khi ông ta là giám đốc của một công ty có số vốn hơn 10 tỷ đồng, cũng là lúc ông ta nảy sinh tâm ý khinh thường vợ. Tôi có cảm giác mình là cái gai trong mắt khiến ông ấy khó chịu" - chị Minh Nguyệt nói về chồng bằng giọng uất ức.

 

"Năm 1995, khi gia đình chuyển từ Hà Nam ra Hà Nội, lương hành chính của ông ấy không đủ nuôi hai đứa con ăn học. Nguồn sống của gia đình phụ thuộc vào nồi xôi chè mỗi sáng của tôi ở góc khu tập thể... Vậy mà bây giờ dư giả chút đỉnh, giao thiệp nhiều, ông ta lại kinh tôi không biết kiếm tiền, khinh tôi quê mùa và thiếu hiểu biết. Hàng tháng, mỗi khi đưa tiền, không lúc nào ông ta không mỉa mai tôi. Tôi nhận tiền mà có cảm giác như nhận bố thí".

 

Đừng nghĩ đến thoả hiệp

 

Chị Lài ở phường Dịch Vọng (Hà Nội) kể rằng, cầm đồng tiền chồng đưa để đi chợ bao giờ chị cũng bị áp lực bởi ý nghĩ mua thế này không biết có đúng ý anh ấy hay không. Chị kể: "Có lần mua phải cá ươn, khi thử miếng cá đầu tiên anh ấy đã hất thẳng mâm xuống đất với lý do hôm ấy đã đưa cho tôi 40.000 đồng đi chợ. Với số tiền ấy, anh ta nghĩ rằng anh ta xứng đáng được ăn ngon hơn".

 

Không đầu hàng trước tính keo kiệt của chồng, chị Lài tìm cách giành lại vị thế trong gia đình. Đầu tiên, chị làm một bản kế hoạch chi tiêu và phân công sự đóng góp của cả hai người. Anh chồng lúc đầu không đồng ý vì nghĩ rằng anh ta kiếm nhiều tiền hơn. Thuyết phục không được, chị phải mời cả bố mẹ hai bên đến để can thiệp. Sự cương quyết của chị Lài khiến người chồng đành phải nghe theo.

 

Trong gia đình, tài sản và chi tiêu cần phải được hiểu là của cả hai. Để giành lấy việc tự quyết một phần về kinh tế cũng như các khoản chi tiêu cá nhân khác, người phụ nữ cần phải biết đấu tranh và đừng bao giờ nghĩ đến thoả hiệp cũng như chờ đợi lòng thương hại từ phía ông chồng keo kiệt đó.

 

Theo Nông Thôn Ngày Nay