Chồng đột nhiên dẫn con đi mất tích

Mặc dù bản án ly hôn của Tòa đã có hiệu lực pháp luật, mẹ và cha mỗi người được nuôi một con, không ai phải có nghĩa vụ cấp dưỡng, nhưng cơ quan thi hành án cũng tạm đành “bó tay” do người cha dẫn các con đi đâu không biết...


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tranh giành quyền nuôi con

Từng là người có tiếng ham chơi, bê tha nhâu nhẹt, nhưng từ khi cưới vợ, anh Dũng (huyện Giồng Riềng – Kiên Giang) đã hoàn toàn thay đổi đúng như những gì cha mẹ anh kỳ vọng. Anh tỏ ra yêu thương vợ, tu chí làm ăn. Tổ ấm càng hạnh phúc hơn khi bé Tài và bé Đức lần lượt chào đời trong niềm mong đợi của hai gia đình nội, ngoại.

Người xưa thường nói: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, lo lắng, băn khoăn của chị Pha nay đã trở thành hiện thực. Khi bé Đức thôi nôi cũng là lúc anh Dũng trở về với “con người thật” của mình, thích la cà quán xá, nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng với bạn bè hơn là chăm chỉ làm lụng để nuôi vợ, nuôi con.

Không những thế, trong cơn say xỉn, anh còn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Vì thương con còn nhỏ dại, chị nén nỗi đau nuốt ngược nước mắt vào lòng khuyên anh tỉnh ngộ, nhưng vô ích. Chị đành đơn phương xin ly hôn. Cũng từ ngày đó, anh dẫn hai con về nhà nội sống và tuyên bố sẽ đánh chúng nếu chị Pha bén mảng đến thăm. Tình mẹ con cũng vì thế mà tạm thời đứt đoạn.

Lần hòa giải thứ nhất tại Tòa án, kết quả không thành do anh chị không thống nhất được với nhau, bởi cả hai đều muốn giành quyền nuôi cả hai con. Lần hòa giải lần hai cũng như thế. Sau nhiều lần tạm hoãn, phiên tòa sơ thẩm cũng diễn ra mà không có mặt của bị đơn. Anh được nuôi bé Tài, chị được nuôi bé Đức, không ai phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Chưa kịp vui mừng trước quyết định của Tòa, chị Pha bỗng giật mình đặt câu hỏi: “Tại sao cha con anh Dũng lại biệt tăm từ trước khi Tòa mở phiên xét xử cho đến nay mà không một ai biết? Cơ quan thi hành án phải làm như thế nào để giao con cho chị”?.

Bản án khó thi hành

Điều 120 Luật Thi hành án dân sự quy định: “1. Chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, Chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án.

2. Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng.

Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án”.

Quy định là vậy, nhưng thi hành án lại không hề đơn giản bởi anh Dũng dẫn các con đi đâu không ai hay biết. Nếu có biết đi chăng nữa cũng rất khó thực hiện vì rất có thể một lần nữa anh lại tiếp tục mang con đi nơi khác… Thế nên, cầm trong tay bản án có hiệu lực của Tòa, chị Pha cũng tạm thời bất lực, không biết ngày nào mới được đoàn tụ với con.

Không chỉ vụ án này, mà còn rất nhiều các vụ án ly hôn khác, người thiệt thòi nhất không phải là cha, cũng không phải là mẹ, mà chính là con trẻ. Đáng lẽ ra, anh Dũng vì tình thương yêu của mình đối với con mà tôn trọng pháp luật mới đúng, tôn trọng tình cảm mẹ con của chị Pha và hơn thế nữa chính là tạo điều kiện tốt nhất cho con mình được phát triển toàn diện. Nhưng không, anh đã lấy tình yêu con để biện minh cho hành động của mình. Anh đâu biết rằng anh đang làm khổ các con và tự làm khổ chính mình, thậm chí có nguy cơ đẩy mình vào vòng lao lý.

Theo Trần Thanh Thùy
Pháp luật Việt Nam