Chiêu hối lỗi của các anh chồng
Hối hận vì lỡ to tiếng với vợ đêm qua nhưng ngại xin lỗi, anh Mạnh hủy cả buổi uống bia với đồng nghiệp, về thật sớm rồi lúi húi lau nhà.
Vợ anh về đến nhà, nhìn chồng mà chẳng nói gì cả nên anh phải nhẹ nhàng: “Chờ anh lấy dép cho. Nhà mới lau, em đi vào bẩn đấy”. Thấy vợ chẳng nói gì, ngoan ngoãn làm theo ý mình, anh biết tỏng: “Vậy là mình đã được đặc xá”.
Cũng ngấm ngầm trở nên tốt hơn khi muốn “cầu hòa” là anh Thế (kinh doanh bất động sản, TPHCM). Anh Thế cho biết: “Tôi ngại nói xin lỗi vợ vì thấy nó kỳ cục. Bình thường, tôi được nhường miếng ngon trên bàn ăn, kênh tivi ưa thích nhưng khi muốn xoa dịu tình hình, tôi sẽ nói: Em ăn đùi gà đi. Anh no lắm rồi, hoặc Em biết kênh nào phim hay thì chuyển đi”.
Theo anh Thế, nếu vợ “ưng cái bụng” thì mặt sẽ duỗi ra hạnh phúc, răm rắp thực hiện. Còn nếu “mây đen chưa tan”, vợ anh sẽ nhăn mặt hoặc làm thinh, ý là chẳng cần.
Những lúc như thế, anh đành “liệu cơm gắp mắm”. Nếu thấy vợ xuôi xuôi, anh nhảy vào ôm, còn nựng nịu: “Sư tử cái của anh hết giận rồi”. Ngược lại, anh tiếp tục “trơ mặt” và thực hiện các chiến lược nhường nhịn tiếp.
Còn anh Thái (Từ Liêm, Hà Nội) đã có kinh nghiệm nhận lỗi từ khi yêu nhau. Lúc trước, hễ làm người yêu giận là anh giấu lời xin lỗi sau một bó hoa hay chiếc bánh kem mua trong cửa hàng. Đến giờ đã là vợ chồng, anh vẫn “mua” sự tha thứ của vợ bằng bánh kem, vì anh tự thấy hoa hơi tốn kém. Anh chỉ việc đặt bánh trong tủ lạnh, vợ anh mang ra ăn thì thể nào cũng hỏi giá cả, mua ở đâu… Còn anh tận dụng cơ hội để kể chuyện và cuối cùng hòa bình được lập lại.
Chẳng may, vợ “ơ hờ” với món bánh, anh đành chén một mình hoặc cố nuốt cục tự ái, mời vợ ăn bánh. Anh Thái cho biết, cũng may vợ anh không giận lâu. Dù không chủ động ăn bánh thì nàng cũng ăn luôn khi được chồng mời. Khi ăn, cùng tán chuyện cũng dễ nên chẳng giận dỗi gì được nữa.
Để ngầm nói “anh sai rồi”, anh Đạt (kỹ sư, Hà Nội) lại chọn cách “im lặng là vàng”: “Ngồi im nghe vợ càu nhàu, không dễ chịu đâu nhưng vì biết mình có lỗi mà. Thế nhưng vợ mình lại gào lên: Anh nói gì đi chứ? Đến con trai anh 3 tuổi làm sai còn biết xin mẹ tha lỗi. Anh to đầu mà không biết nghĩ à?. Điên tiết quá, mình bật lại nên cô ấy càng nổi cơn tam bành” - anh Đạt nói.
Anh Đạt cho biết, vì lớn hơn vợ cả con giáp nên nếu phải nói “anh xin lỗi”, anh cứ thấy mình hèn hèn. Nếu phải nghe và làm theo lời vợ, anh càng thấy mình hèn hơn. Vì thế, anh chọn cách hối lỗi và sửa lỗi trong im lặng nhưng tiếc rằng, vợ anh không hiểu cho. Vì bị vợ nhiếc móc, anh Đạt thường không giữ được bình tĩnh và thay vì sửa sai, anh lại tìm cách chống đối.
Anh Đạt chia sẻ tiếp: “Cô ấy nghĩ tôi chẳng ra gì thì tôi cũng chẳng ra gì cho biết. Người ta đã im lặng còn cố phá đám”.
Đàn ông khó mở lời xin lỗi
Dù biết rõ mười mươi là mình sai nhưng không ít anh chồng vì lòng tự trọng như núi mà khó nói lời xin lỗi. Cầu xin vợ tha thứ, với nhiều anh, thật mất hết bản lĩnh và sĩ diện. Có anh dù sai cũng không thích nhận mình sai trước mặt vợ. Do đó, các anh chọn cách hành động thay cho lời xin lỗi.
Tiếc rằng, nhiều hành động có thiện chí của chồng bị vợ phũ phàng dẹp bỏ. Tự ái đã có sẵn nên các anh quyết không xuống nước thêm, còn chị em nghĩ chồng mình thật cứng đầu. Nếu khơi lại chuyện cũ thì khó tránh khỏi cãi cọ, còn nếu chiến tranh lạnh thì làm cả hai mỏi mệt.
Thời điểm vợ chồng giận dỗi nhau rất nhạy cảm. Vì thế, nếu một bên “có ý” thì bên kia nên trân trọng và đón nhận. Nếu bị từ chối, bị xem thường thì người cầu hòa sẽ bị tổn thương. Ngay lập tức, họ sẽ thu mình lại hoặc trở nên bất cần.
Theo Ngọc Bình
Mẹ & Bé