Chiều 30

(Dân trí) - Cả năm vui nhất chiều 30 Tết. Cả năm mẹ đi vắng, chỉ buổi chiều ngắn ngủi trước giao thừa mới tất tả trở về, lỉnh kỉnh những túi xách, chộn rộn những lời hỏi han.

Chiều 30

30 Tết, nó dậy sớm quét sạch lá rụng đầy con ngõ trước nhà. Nó đi tới đi lui, trông ra ngõ nhỏ mà tưởng tượng cảnh mẹ về, bước xuống từ taxi rồi cười giòn giã như nắng, mừng rỡ gọi “Con ơi”. Con Lu sẽ chạy trước, vẫy đuôi tíu tít. Nó sẽ theo sau nửa muốn chạy đến ôm chầm lấy mẹ, nửa muốn đứng im như trời trồng mà buông lời hờn trách “Sao mẹ về muộn thế?”. Ông bà ngoại sẽ không chạy ra đón mẹ, có lẽ vì già rồi, có lẽ vì ngồi trên bậu cửa mà mừng tủi trông ra thì sẽ làm mẹ thương nhớ hình ảnh đó khôn nguôi.

Mẹ trở về, vạt áo còn phảng phất mùi thành phố, mùi bụi đường, khói thuốc, mùi nước hoa. Mẹ mang theo những thứ cả năm trời nó đã háo hức chờ đợi. Một cành đào mỹ miều những cánh hoa đỏ, một túi đầy những áo quần còn thơm phức mùi vải mới, một hộp chật ních nào bánh kẹo, mứt Tết, nào đồ chơi, pháo bông, nào thuốc thang, sách vở. Mẹ trở về dụi lên má nó cả một triệu cái thơm, nước mắt mẹ ấm và giàn dụa, nó thấy má mình nóng ran.

Mẹ nói rất nhiều như thể chưa bao giờ được nói. Mẹ hỏi những câu đã hỏi trăm lần qua điện thoại và nhận được câu trả lời ngày nào mẹ cũng đã được nghe. Không hiểu sao những điều cũ rích, chẳng chịu đổi thay lại làm mẹ vui đến thế. Mẹ cười rạng rỡ khi biết kỳ này nó vẫn được danh hiệu học sinh giỏi, mảnh vườn xưa vẫn ngần ấy gốc cây già trút lá rồi đơm bông, bức ảnh chụp mẹ bế nó thuở mới lọt lòng vẫn nằm thiêng liêng trên giá sách. Mẹ bần thần nhìn mái tóc bà ngoại toan bạc trắng, ông ngoại năm nay đã phải chống gậy đi còng, bài tập làm văn con gái đã biết viết chân thực, không còn “Gia đình em có bốn người, bố em, mẹ em, em và em trai. Em thích nhất những buổi tối cả nhà em sum vầy bên mâm cơm” mà là “Mẹ em đi lấy chồng xa, mình em sống với ông bà ngoại. Ông bà ngoại rất thương em, mẹ em cũng thương em, nhưng không hiểu sao mẹ đi lâu thế”.

Chiều 30, khắp nhà đã thơm ngát mùi nhang trầm và khói bếp. Nó lăng xăng giúp ông ngoại chuẩn bị mực tàu, giấy đỏ để ông viết đôi câu đối treo tường, lăng xăng rửa đủ loại trái cây để ông bày mâm ngũ quả. Mẹ và bà ngoại lúi húi trong bếp vừa nấu nướng tỉa vẽ vừa râm ran chuyện trò. Chuyện của hai người đàn bà, chẳng bao giờ ngớt. Có lúc nó nghe thầm thì điều gì thật mơ hồ, huyền bí, có lúc nghe oang oang giọng mẹ: “Nhà có bếp ga, bếp điện mẹ đun bếp củi làm gì cho cay xè cả mắt” và giọng bà mắng yêu “Cô thì biết cái gì, món này phải đun lửa củi thì mới ngon được”

Xong bữa cơm tất niên, cả nhà quây quần ngồi ngoài sân trông nồi bánh chưng to đùng. Nó thích vô cùng tiếng lửa kêu lép bép và bốn chiếc ghế gỗ thấp tè tự tay ông ngoại đóng, mỗi năm chỉ một lần ngồi đủ bốn thành viên. Bếp lửa ấm ran, những câu chuyện cũng ấm dần, chuyện ông bà ngoại tháng trước mới đi khám sức khỏe, chuyện quê mình mới xây lại mấy con đường, chuyện ở lớp nó có đến năm đứa bạn thân,...Rồi nó tò mò, lúng túng hỏi dượng và mấy em có khỏe. Mẹ trả lời có và bảo họ gửi lời thăm nó. Nó nghĩ đến ngày mai, dượng về loáng thoáng thăm hỏi rồi lại đón mẹ đi, nó bỗng dưng ghen tị với những nhiều sáng, những chiều, những đêm khác, mẹ thuộc về những người khác, căn nhà khác, góc phố khác, chắc mẹ quên hẳn bếp lửa của những chiều 30. Nó co ro ngồi trong vòng tay ấm của mẹ, cố quàng tay ôm mẹ thật chặt để mai này mẹ đỡ quên, cố tận hưởng những giây phút cuối cùng, của buổi chiều cuối năm ngổn ngang vui buồn.

BT