Chỉ tại mẹ chồng

11 giờ đêm, anh Trung, phó phòng một công ty xây dựng ở Dịch Vọng, Hà Nội, mới ngất ngư về nhà. Thấy chồng nồng nặc mùi bia, lại ho sặc sụa, chị Nhi bảo: "Anh đang ho, lại uống bia lạnh vào thì đến bao giờ mới khỏi". Nghe vậy, mẹ chồng chị nói lớn: "Nó đi tiếp khách, không uống thế nào được".

"Nhưng anh ấy ho hàng tháng trời rồi, uống bao nhiêu thuốc mà không chịu giữ gìn thì cũng uổng công", chị giải thích.

 

"Thế chị bảo phải thế nào? Đi với người ta thì phải uống chứ. Hôm nay không khỏi, mai uống thuốc tiếp rồi hẵng khỏi, chị không phải dạy khôn. Mà một tháng đã ăn thua gì".

 

Cũng như bao lần khác, chị Nhi nuốt cục ức trong lòng mà không biết nói sao. Anh Trung thản nhiên đi vào nhà như chẳng có chuyện gì.

 

Hầu như chuyện gì anh Trung làm, dù sai lè lè vẫn được mẹ bênh chằm chặp. Có khi, chị Nhi chỉ vì lo lắng mà nhắc nhở chồng mấy câu cũng bị bà cho là "nhiều chuyện, chỉ chăm chăm kể tội chồng".

 

Chị có cảm giác, bà coi con trai như đứa trẻ cần bảo vệ trước cô con dâu ghê gớm. Anh thường xuyên đi nhậu về muộn, bà không góp ý gì, còn thanh minh với hàng xóm: "Công việc của nó vất vả lắm. Suốt ngày phải uống rượu với đối tác này, mời ăn để ký hợp đồng kia, chả sung sướng gì đâu. Thế mà con vợ chỉ biết kêu ca".

 

Trong khi, chị thừa biết anh thường tụ tập bạn bè đi nhậu nhẹt. Rồi chuyện anh cứ về đến nhà là ôm lấy cái máy tính chơi game, chị nhắc nhở thì mẹ chồng lại nhấm nhẳn: "Nó đi làm mệt mỏi, về nhà cũng phải giải trí chứ".

 

Chị Dịu ở Hà Đông, Hà Tây cũng rơi vào cảnh tương tự. Ngay từ hồi mới về làm dâu nhà anh Cảnh, chị đã thấy lạ vì những người đàn ông trong nhà, từ bố chồng đến chồng và hai chú em hầu như không bao giờ đụng tay vào việc gì trong nhà.

 

Nghe nói trước đây, từ chợ búa, giặt giũ quần áo đến nấu nướng, lau dọn nhà cửa... đều một tay mẹ chồng làm. Và vì thế, Dịu cũng dần lý giải được tại sao mỗi lần nhờ vả chồng việc gì, cô thấy ngay mẹ anh tỏ vẻ rất khó chịu. Đến cả bữa ăn, những gì ngon lành nhất cũng là để cho những người đàn ông, còn hai người đàn bà là mẹ chồng và Dịu "ăn gì chả được".

 

Cảnh cũng là người thương vợ. Mỗi lần thấy Dịu làm gì, anh định giúp nhưng lại ngại mẹ.

 

Rồi hồi Dịu sinh em bé được 5 tháng, công việc ở cơ quan nhiều, con lại hay quấy khóc, anh Cảnh xung phong giúp vợ vợ giặt quần áo. Có hôm, bà mẹ nhìn thấy liền hốt hoảng: "Ối giời ơi, có mấy cái quần bé tí mà cũng phải đến tay chồng. Con để đấy, tí nó làm, vào nghỉ đi, cả ngày làm mệt rồi, không phải đụng đến cái gì hết".

 

Dịu ấm ức: "Mình cũng cả ngày vất vả chứ có chơi đâu. Đi làm về lại cho con ăn, dọn dẹp nhà cửa, chỉ muốn chồng chia sẻ chút thôi chứ có gì nặng nhọc đâu...".

 

Lần khác, thấy anh Cảnh cho con ăn, bà cũng vội chạy vào: "Cái Dịu đâu mà để bố phải đút bột thế này. Thôi, đi ra đằng khác để mẹ làm cho".

 

"Đấy, bây giờ làm bố rồi mà anh ấy có biết làm gì đâu. Nhiều khi mình thấy mệt mỏi quá mà cũng chẳng dám lên tiếng nhờ vả gì. Không biết còn chịu được cảnh này bao lâu nữa", chị Dịu tâm sự.

 

Theo bà Trần Thị Hồng Hà, phó giám đốc Tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình thuộc Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, có không ít bà mẹ quá chiều chuộng con trai khiến các anh này dù lớn tuổi nhưng vẫn không trưởng thành. Những anh chàng này khi có gia đình rồi vẫn được mẹ coi như còn bé bỏng, cần được chăm sóc, bảo vệ.

 

Bà cho biết đa số những bà mẹ này bị ảnh hưởng nặng bởi định kiến bất công về giới. Họ cho rằng, đàn ông đương nhiên được hưởng những quyền lợi, ưu ái, còn phụ nữ phải là người chịu thiệt thòi. Thông thường, họ cũng chính là nạn nhân của kiểu gia đình chồng chúa vợ tôi, từng phải chịu những bất công, bực bội trong cuộc sống gia đình. Và vô tình hay có khi cố ý, họ khiến con dâu cũng phải chịu như thế.

 

Theo bà Hà, khi lấy phải các anh chồng được mẹ quá cưng chiều như các trường hợp trên, những nàng dâu thật sự thiệt thòi và khó có cách ứng xử cho vẹn toàn. Biện pháp tốt nhất là thuyết phục ra ở riêng để vợ chồng tự quyết định cuộc sống, có cơ hội để chồng học cách làm... người lớn.

 

Nếu vì lý do gì đó mà vẫn phải ở chung, người phụ nữ có thể tìm "đồng minh" là chồng, bố chồng hay anh chị em có cùng quan điểm với mình để dần dần giúp mẹ chồng thay đổi. Tuy nhiên, đa số các nàng dâu thường bị cô lập bởi thành kiến đã ăn vào nếp sống, cách nghĩ của cả gia đình chồng.

 

Bà Hồng Hà cũng cho biết, chính vì được mẹ quá ưu ái, luôn bênh vực, nên nhiều người đàn ông khi có gia đình riêng vẫn chỉ quen được hưởng thụ, chẳng bận tâm gì đến vai trò người chồng, người cha của mình. Họ rất dễ sa ngã và thiếu trách nhiệm. Và người chịu thiệt cuối cùng vẫn là vợ con họ.

 

Vốn được mẹ cưng chiều từ bé, anh Thế, chồng chị Hà ở Đội Cấn, Hà Nội chỉ ham chơi, chẳng mấy khi quan tâm đến vợ con. Gần đây, chị Hà biết chồng đang có quan hệ "ngoài luồng" với một nữ đồng nghiệp nhưng lần nào hỏi tới anh cũng chối phăng, lại còn lớn tiếng la mắng.

 

Chị đem tâm sự với mẹ chồng, nghĩ rằng bà sẽ lựa lời khuyên bảo, may ra anh biết hối lỗi, nhưng liền bị mắng té tát: "Chị vớ vẩn, làm gì có chuyện ấy, cứ ghen bóng ghen gió thế có khi lại ảnh hưởng đến công việc, uy tín của nó. Hay là chị có gì khuất tất mà phải viện cớ đổ điêu cho nó?". Đã không được cảm thông, lại bị mẹ chồng đổ tội, chị Hà càng ấm ức và quyết tìm cho ra sự thật.

 

Sau đó, nhờ một người bạn làm cùng công ty với chồng, chị thu thập được mọi chứng cứ về việc ngoại tình của anh. Tưởng rằng lúc này mẹ chồng sẽ "sáng mắt" và cho con trai một trận hay khuyên bảo để anh biết đường quay về với vợ con, ai dè, bà vẫn nhằm "mũi súng" vào chị: "Nó có thế thật thì chị cũng phải xem lại mình đi. Chứ chị mà tốt đẹp ra thì việc gì nó phải tìm đến đứa khác". Không thể chịu đựng được nữa, chị Hà quyết định ly hôn, đưa cô con gái ra ngoài tìm nhà thuê sống.

 

Minh Thùy

Theo VNE