“Chất lượng” con dâu
Chị bạn vợ tôi làm ăn giỏi giang và giàu có, các con đều đi du học. Những ngày gian khổ của thời chị vừa đi làm nhà nước vừa bán hàng giải khát bây giờ chỉ còn là kỷ niệm. Chị trân trọng một thời vất vả nuôi con, nhưng gia đình yên ổn.
Đứa con đi du học về, trông cao lớn, văn minh, bắt đầu thi thố khả năng của mình trên thương trường. Cậu con tất nhiên giỏi hơn bố mẹ: vi tính giỏi, kiến thức kinh doanh hiện đại. Nhưng ba mẹ của anh chàng giỏi hơn con ở lòng hy sinh tận tụy với nghề, ở kinh nghiệm ứng xử “kiểu Việt Nam” với công nhân và khách hàng. Điều này ở lý thuyết kinh doanh nào cũng dạy, nhưng cậu con áp dụng kiểu bài bản của nước ngoài, ban bố các nguyên tắc, luật lệ và có quy trình sẵn. Bố mẹ cậu nhân nhượng với người làm thuê khiến cậu bực lắm. Cậu mắng cả bố mẹ: “Chỉ làm theo cách phá hoại tổ chức”. Cậu đòi ra riêng kinh doanh. Vô tình trở thành một công ty cạnh tranh với công ty mẹ.
Chị bạn than thở: “Con mình kinh doanh được thì mừng quá đi chứ. Còn giúp thêm cho con khách hàng và nguồn vật tư. Mong mỏi của chúng tôi là dần dần bố mẹ sẽ rút lui, giao cho con làm giám đốc. Dù sao thì trong kinh doanh người thuộc gia đình làm quản lý vẫn tốt hơn cả”.
Bố mẹ đã xây dựng thương hiệu, con cứ thế được hưởng. Bố mẹ khuyên nhủ nhiều để con trở về sáp nhập công ty, lo làm ăn gánh vác để bố mẹ lui về hưởng nhàn, đi du lịch, chữa bệnh và hỗ trợ con từ phía sau. Nhưng bố và mẹ giao quyền mà không cho cậu được tự do làm theo cách của cậu. Rồi dần dà sinh mâu thuẫn nặng nề.
Chia cho con nhà, xưởng để cậu con tự lo, thì ít lâu sau anh chàng tự động phá đi một số xưởng cũ, xây cửa hàng mà không hỏi gì ý kiến bố mẹ. Bằng kinh nghiệm làm ăn lâu nay, anh chị bạn ấy cho rằng tình hình hiện tại làm như thế rất phiêu lưu, nên đã khuyên can. Thế là xung đột, từ xung đột về cách làm ăn kinh doanh đã dẫn tới sự đổ vỡ về tình cảm gia đình.
Chị bạn không thể ngờ đứa con trai mà mình nuôi nấng từ cái thời gian khổ ấy, nay đã lập gia đình, trưởng thành, lại không còn nghe theo bố mẹ. Chị suy nghĩ để tìm nguyên nhân. Ngày nhỏ, cậu đã rất ngoan và tính tình trong sáng, không bao giờ tham lam vật chất. Vậy bây giờ tại sao cậu lại thay đổi như vậy? Cũng tranh giành tài sản, ý thức rằng mình là con trai một, mình phải được toàn quyền và có thể gánh vác gia sản, làm cho nó sinh sôi. Vậy thì bố mẹ phải giao cho mình tất cả, từ vốn liếng nhà xưởng cho tới quyền quyết định mọi thứ. Cậu oán bố mẹ nửa vời, miệng thì nói cho hết, giao hết, nhưng khi con triển khai công việc thì lại không tin cậy, lại can thiệp và muốn con làm theo ý mình.
Tìm mãi không ra nguyên nhân của sự thay đổi cư xử nơi người con, chị bạn vợ tôi đi đến kết luận: “Tại xã hội nhiễu nhương, suy đồi đạo đức. Và tại… cô con dâu!”. Chị nói: “Tôi rút ra được một quy luật này: Dù con trai bạn có tốt có giỏi bao nhiêu, có thương cha mẹ bao nhiêu mà lấy phải người vợ không tốt, là người con ấy hỏng ngay, bạn mất con ngay, không thể nào tránh được. Cô con dâu chi phối con mình vì người vợ bao giờ cũng có vai trò lớn trong một gia đình”.
Đấy, cứ thử nhìn con dâu chị X, chị Y thì biết. Có cô con dâu tận tình với gia đình chồng, lo lắng chu đáo hơn cả chính chồng cô ấy. Thiếu gì chuyện khách của chính nhà chồng đến chơi, từ quê ra, anh chồng kêu bận, bỏ mặc khách chỏng chơ, chỉ có cô vợ lo cơm nước, phòng ở, dẫn đi thăm đây đó, mua sắm, và khi về cô nói chồng phải cho người này tiền, người kia quà cáp. Cô còn trách chồng thờ ơ với bà con ở quê ra, sao không sợ bà con phiền trách.
Đó, cô con dâu như thế sẽ có tác động giúp anh chồng tốt. Còn cô nào xúi bẩy, tính toán, bày vẽ cho chồng cách về nhà đòi quyền lợi, tranh giành tỵ nạnh với anh chị em, chỉ ra các khuyết điểm của chính cha mẹ mình, là y như rằng anh chồng về nhà cư xử chẳng ra gì.
Chị bạn vợ tôi tấm tắc tự khen mình có phát hiện ra quy luật hay ho. Còn vợ tôi nói với chị ấy: “Sao bồ không nghĩ rằng nếu cứ nghèo, bình thường như xưa thì đâu có chuyện gì. Bây giờ nhà xưởng, tài khoản, của cải nhiều quá mới sinh ra rắc rối, mưu mẹo để tranh giành”.
Tại lấy phải cô vợ xấu tính, hay tại giàu có? Hay là tại cả hai lý do? Thế sao không tìm lý do ở chính cậu con trai, ở chính các xung đột quan niệm sống, quan niệm làm ăn nhỉ? Tôi cứ băn khoăn tự hỏi…
Theo Quảng Yên
PNO