Chẳng mong anh kiếm được nhiều tiền

(Dân trí) - Đang chào tạm biệt để đi làm thì chồng nhận được tin nhắn của anh Phó giám đốc: “Dù có chuyện gì, em cũng phải bình tĩnh nhé!”. Tôi thắc mắc: “Có sai sót hả anh?”. Anh gật gù. Khác với mọi khi, hôm nay tôi ôm chồng và nói: “Bình tĩnh anh nhé!”.

Đến cơ quan tôi vẫn canh cánh về cái tin ban sáng. Quả nhiên anh nhắn: “Anh thôi giữ chức phụ trách phòng, Dung sẽ thay anh”. Tôi nhắn lại ngắn gọn: “Em yêu anh!” và định bụng giờ nghỉ trưa sẽ tranh thủ viết cho chồng một lá thư.

 

Không hiểu sao lần anh có quyết định nhận chức ấy, anh chỉ nhắn một dòng: “Có một tin không biết nên mừng hay nên lo” mà tôi đã có linh tính ngay được việc đó. Lần này cũng thế, tôi lờ mờ phán đoán Dung sẽ thay anh. Sao tôi lại có thể nhạy bén như thế trong các việc liên quan đến anh? Có lẽ với tôi, anh đã là một phần cơ thể, là dòng máu song hành, chạy cùng trong huyết quản.

 

Anh bị “giáng chức” thực sự tôi vẫn có cảm giác bình thường. Nếu hơi ích kỷ, tôi sẽ cho rằng mình vui. Tôi chỉ lo anh sốc, vì biết “cái tôi” của đàn ông lớn lắm, họ không có suy nghĩ lạc quan, an phận như cánh đàn bà. Chẳng phải ngay chính anh phó giám đốc cũng tìm cách trấn an trước đó sao.

 

Sẽ hụt hẫng, thất vọng nhiều song anh cũng nên nhìn vào thực tế. Không phải tôi coi thường chồng, mà tôi nghĩ, Dung sẽ thích hợp hơn. Tôi vẫn thường nghe anh kể chuyện và đánh giá rất cao cô ấy. Dung thông minh, giỏi giang lại được đào tạo bài bản, chính quy. Cô ấy mang trong mình đầy nhiệt huyết, say mê cho công việc....

 

Tôi sẽ động viên anh, dù ở bất cứ vai trò, cương vị nào cũng phải luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hỗ trợ người đứng đầu vì anh từng “đứng mũi chịu sào” chắc đã hiểu được sự đồng tình, ủng hộ của nhân viên dưới quyền là cần thiết và hữu dụng đến đâu.

 

Rất lạ là tôi lại mang theo mình một suy nghĩ hết sức “ấu trĩ” so với hiện nay, đó là tôi không cần chồng mình và ngay cả bản thân mình kiếm được nhiều tiền. Chưa bao giờ tôi có khái niệm bằng mọi giá có thật nhiều tiền và thực sự chưa một lần tôi đặt áp lực phải - kiếm - tiền lên vai chồng.  

 

Có thể tôi đã bị ảnh hưởng sâu sắc lối sống gia đình mình ngày trước. Cuộc sống bố mẹ công nhân viên chức, đạm bạc song không hề thiếu thốn, thậm chí còn dư dả tiếng cười mang tặng hàng xóm.

 

Dù biết tiền là cần thiết để duy trì sự sống, song đó không phải là tất cả. Tôi đâu muốn nhìn cảnh, đến kỳ chồng tung cho một cọc tiền lớn rồi tỏ vẻ như đã làm xong trách nhiệm của một trụ cột. Tôi muốn nhiều hơn thế, liệu có tham quá không? Vậy cho tôi đánh đổi.

 

Anh đưa tôi mười triệu rồi anh đi tối ngày, rượu chè bù khú, anh lấy lý do là để có được số tiền ấy thì anh phải làm thế. Vậy tôi chỉ cần anh đưa tôi hai phần ba số ấy, rồi anh về ăn tối với mẹ con tôi. Và nếu anh đưa một nửa số ấy rồi không vắng mặt bữa cơm nào với gia đình thì tôi cũng đồng ý (cả hai tay).

 

Nhiều tiền để làm gì khi hết chồng hư đến con hỏng. Tôi mong chờ những buổi tối con cái sẽ được bố dùng kiến thức lẫn tài năng để dạy con nên người. Chất xám của anh cống hiến cho công ty, cho công cuộc kiếm tiền thì cũng nên dành một chút cho gia đình. Ích nước đi kèm với lợi nhà là vậy.

 

Anh thường lo lắng, ít tiền vợ con sẽ phải thiếu thốn, khổ sở. Tôi chỉ biết cười mà nói với anh: “Chẳng cái gì là mất đi cả!”.

 

Không được làm trưởng phòng anh cũng đã là con trưởng, là trưởng tộc. Hai vợ chồng sẽ đào tạo “nhân viên” là đàn con đáng yêu thành những kẻ có tài, để mang đến thành quả cho chúng, mang đến cho “công ty”, cho “đại trưởng cự” những niềm vui. Với gia đình, đó là thành công lớn nhất.

 

TSL

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm