Cha mẹ nói với con theo cách này, đảm bảo con ngoan

Một trong những điều quan trọng khi dạy con là cha mẹ phải biết cách giao tiếp với trẻ. Những mẫu câu sau có thể giúp cha mẹ tìm được tiếng nói chung với con và khiến đứa trẻ nghe lời hơn.

Thay vì dùng từ "nếu", cha mẹ có thể dùng từ "khi nào" nhằm mang ý nghĩa tích cực hơn sự thúc giục. Điều này sẽ giúp trẻ có hứng thú với việc mà mẹ yêu cầu. Ví dụ, khi muốn con làm một việc gì đó, cha mẹ có thể nói: "Khi nào con ăn xong mẹ sẽ cho con đi chơi" thay vì nói: "Nếu con không ăn nhanh mẹ không cho con đi chơi nữa".

Thay vì đóng khung con với việc con làm sai, hãy chỉ cho trẻ cách làm đúng và khuyến khích, tạo niềm tin vào trẻ. Ví dụ: "Con làm sai rồi, đưa đây mẹ làm cho", thành "Để mẹ chỉ cho con một hướng làm rất nhanh. Con có thể áp dụng cho những lần sau!"

Cha mẹ nói với con theo cách này, đảm bảo con ngoan - 1

Hãy khuyến khích trẻ bằng cách thay đổi lời nói với trẻ. Ảnh minh họa.

 

Thay vì "đọc vị" cảm xúc của trẻ, hãy khuyến khích trẻ nói ra cảm xúc của mình. Điều này vừa giúp cha mẹ nắm bắt được con mình, vừa giúp con tạo thói quen có thể "định nghĩa" được chính xác điều khó nói của bản thân. Ví dụ: "Mẹ nhìn con có vẻ lo lắng thế", thành "Mẹ biết con có chuyện lo lắng. Hãy nói cho mẹ biết đó là chuyện gì nào?".

Thay vì ra lệnh, hãy cho trẻ cơ hội được thể hiện cảm xúc. Chỉ khi trẻ được là chính mình, trẻ mới có nhu cầu an tâm giao tiếp. Ví dụ, thay vì: "Im lặng, có ngừng khóc ngay không thì bảo!", thành "Con cứ khóc đi nếu điều đó làm con thoải mái hơn. Nhưng quan trọng là con nói cho mẹ biết vì sao con khóc, làm thế nào để con không khóc nữa?".

Thay vì chỉ trả lời cho xong, hãy chậm một chút, khuyến khích sự tìm tòi của trẻ. Ví dụ, thay vì nói: "Làm sao mẹ biết được chứ!", thành "Hiện tại mẹ không biết, nhưng mẹ sẽ tìm hiểu, khi nào biết mẹ sẽ nói với con". Câu nói này sẽ cho trẻ thấy thái độ tích cực của mẹ. Cũng đồng thời khuyến khích trẻ tìm tòi và phát triển trước những tri thức khổng lồ trong cuộc sống.