Cha mẹ kế hãy lùi một bước để tiến gần hơn với con riêng
Khi tái hôn, sống với con riêng, không ít cặp đôi phát sinh mâu thuẫn nhưng cũng có nhiều cách để giải đáp án này.
Hơn 10 năm trước, Lori và David Sims gần như đứng trước bờ vực ly hôn. Lori có một con trai với chồng cũ còn David cũng có bốn con riêng với vợ trước. Mặc dù ban đầu hai gia đình khá hòa hợp nhau nhưng vấn đề bắt đầu phát sinh vào năm thứ hai. Lori cảm thấy David quá khoan dung với các con khiến chúng không nghe lời cô và không vui vì cô can dự vào cuộc sống của chúng.
Cặp đôi đã đến gặp chuyên gia tư vấn với nỗ lực cứu vãn mối quan hệ. Khi Lori kể về tình hình giữa cô với con riêng của chồng, nhân viên đã khuyên rằng bọn trẻ không phải là con của cô. "Chúng không phải là con của tôi. Tôi đang tự tạo ra đau khổ cho mình bằng cách cố gắng nuôi dạy những đứa trẻ này", Lori nói.
Lori sau đó thay đổi cách tiếp cận với việc nuôi dạy con cái qua "Nacho Kids", một phương pháp nuôi dạy con cho những người cha mẹ kế. Nếu con riêng của chồng bày bừa và không dọn dẹp, Lori yêu cầu David dọn. David cũng có thể chọn xem người nấu ăn cho bọn trẻ là anh hay để chúng tự làm. Cô cũng không lo lắng về việc bọn trẻ đã làm việc nhà hay hoàn thành bài tập về nhà chưa. Và khi không đồng ý với cách David giáo dục con, Lori chọn cách im lặng.
Lori và David sau đó đã bắt đầu một blog về "Nacho Kids", rồi một nhóm Facebook, hiện có hơn 20.000 thành viên, và cuối cùng là Học viện Nacho Kids, nơi cô hướng dẫn các bậc cha mẹ về cách sống cùng con riêng. Lori giải thích ý nghĩa của "Nacho Kids": "Về mặt pháp lý và huyết thống, chúng không phải là con của bạn. Đó không phải là xúc phạm mà là sự thật. Điều đó không có nghĩa là bạn phớt lờ các con riêng của vợ/chồng. Bạn sẽ đối xử với chúng như con của bạn bè, hoặc như những đứa cháu chứ không hẳn với vai trò là con cái".
Trong xã hội, nhiều cha mẹ kế coi con riêng của vợ/chồng như con của họ mà chẳng bận tâm đến luật pháp và huyết thống. Một phụ nữ tên Diane Roy cho biết, cô thân thiết với một người con riêng đến nỗi muốn nhận con bé làm con gái chính thức của mình và đã tặng cho đứa trẻ một chiếc nhẫn sapphire. Tuy vậy, Diane không thể xây dựng mối quan hệ như vậy với những người con riêng khác của chồng. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy rằng mối quan hệ giữa cha mẹ và con riêng giữa các gia đình rất khác nhau, ít nhất là đối với vấn đề hạnh phúc của con cái.
Theo Lawrence Ganong, giáo sư danh dự về phát triển con người tại Đại học Missouri (Mỹ), người đã nghiên cứu về gia đình "tập hai" trong nhiều thập kỷ, trong phần lớn lịch sử loài người, cha mẹ kế chủ yếu đảm nhận nhiệm vụ của người mẹ hoặc người cha đã khuất. Nhiều gia đình và vợ/chồng mong đợi cha mẹ kế giữ vai trò như cha mẹ ruột. Điều đó khiến vấn đề phát sinh, đặc biệt khi cha mẹ kế không hài lòng với cách nuôi dạy con. Trong khi đó ở nhiều gia đình, con riêng phủ nhận vai trò của cha mẹ kế.
Cần có vai trò nuôi dạy con cái
Marty Samelak, người có ba con ruột và hai con riêng, cho biết anh và vợ đều bảo vệ con ruột khi người kia chỉ trích đứa trẻ. "Nếu tôi nói bất cứ điều gì hơi gần tiêu cực về con của cô ấy, một cuộc chiến sẽ xảy ra. Nếu cô ấy nói điều gì đó về con tôi, tôi sẽ đứng về phía chúng. Tôi cũng yêu thương các con của vợ, nhưng không yêu chúng như yêu con mình", Marty cho biết.
Cố gắng làm "cha mẹ" mà không có mối ràng buộc chặt chẽ có thể khiến những nhiệm vụ dù đơn giản cũng không thể thực hiện. Khi Maarit Miller chuẩn bị bữa trưa cho con gái riêng, cô bé không ăn nhưng khi chồng cô nấu, cô bé lại ăn. Miller nói: "Đứa trẻ chưa sẵn sàng để có mối quan hệ đó với tôi. Việc bạn cố gắng làm cha mẹ của chúng khiến bọn trẻ xa rời bạn hơn. Cách yêu thương nhất mà tôi có thể đóng góp cho gia đình là lùi lại một bước".
Natasha Brown, một phụ huynh ở Texas (Mỹ) của 9 đứa trẻ gồm một con nuôi, sáu con riêng và hai con đẻ, rất khó khăn với gia đình hỗn hợp. Mặc dù vậy, cô không ủng hộ những cha mẹ theo phương pháp "Nacho Kids". "Nếu bạn cưới anh ấy, bạn cũng cưới cả những đứa trẻ đó… Và nếu không dành trọn trái tim cho họ, hãy bước ra cuộc sống và đi khỏi gia đình họ. Bạn không thuộc về nơi đó", Brown nói. Theo quan điểm của cô, việc con cái có chấp nhận cha mẹ kế hay không không quan trọng vì con trẻ cũng chống lại những ranh giới mà cha mẹ ruột đặt ra. Cô tin rằng cha mẹ cũng như ông bà, cô dì và chú bác nên có vai trò trong việc nuôi dạy con cái khi cần thiết.
Kirsten van Houdt, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Xã hội Thụy Điển, cho biết mức độ yêu thương của cha mẹ kế dành cho con riêng phụ thuộc phần lớn vào thời gian. Nhìn chung, cha mẹ kế sống cùng và chăm sóc đứa trẻ trong suốt thời thơ ấu càng lâu thì họ càng có nhiều khả năng coi chúng là con của mình khi trưởng thành.
Theo Van Houdt, tình mẫu tử là một "gánh nặng" hơn cả tình phụ tử. Sự kỳ vọng của xã hội đối với người mẹ cao hơn so với người cha, vì vậy những người mẹ kế thường gặp khó khăn để đáp ứng chúng. Những phát hiện của Van Houdt cho thấy rằng gốc rễ của việc làm cha mẹ không chỉ nằm ở vấn đề huyết thống hay luật pháp mà có thể phát triển từ chính những trách nhiệm cần có.