Cặp bồ với... chồng

“Cặp bồ” là bởi những người vợ ấy phải chấp nhận chồng mình thích đi đâu thì đi, thích về lúc nào thì về, không bao giờ dám lên tiếng hay đòi hỏi bất cứ điều gì.

 
Cặp bồ với... chồng - 1


Cắn răng sống cùng chồng

 

Đám cưới chị Nguyễn Thị Hường (Hải Dương) ai ai cũng xuýt xoa ngưỡng mộ “đôi lứa xứng đôi”. Ngày vui ngắn ngủi, khi mang bầu đứa thứ 2, Hường nức nở tìm đến trung tâm tư vấn bởi chồng chị dan díu với một người phụ nữ khác lại còn đánh đập vợ.

 

Chị tâm sự: “Mới đầu tôi đắng cay chỉ muốn dắt con ra khỏi nhà ngay lập tức nhưng nghĩ nếu về ngoại thì xấu mình hổ mẹ. Thuê nhà thì không đủ kinh tế. Cuối cùng tôi chọn giải pháp sống chung với người chồng đã làm tổn thương đến cả 3 mẹ con”.

 

Nhiều người cùng trách Hường sao không bỏ quách đi cho nhẹ đầu. Nhưng chị bảo như thế 2 đứa con sẽ mất bố: “Tôi cũng chưa đầy 30 tuổi, khi ra đi nghĩa là sau này sẽ phải chọn một người đàn ông khác. Biết người ta đối xử với con mình thế nào, đành chặc lưỡi ở lại, coi như cặp bồ với... chồng để con cái được yên ấm tuổi thơ”.

 

Theo chị, “cặp bồ” là bởi từ vị trí của người vợ, chị phải chấp nhận chồng mình thích đi đâu thì đi, thích về lúc nào thì về, không bao giờ dám lên tiếng hay đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào.

 

“Cắn răng sống với người đàn ông làm tổn thương mình là sự tra tấn tinh thần khổ sở nhất!” - chị Trần Thị Thúy Loan (Phú Thọ) khẳng định. Chồng chị Loan gần 40 tuổi nhưng nghiện Võ Lâm truyền kỳ - một trò chơi trên mạng Internet, và nhiều trò chơi khác. Nói nhẹ nhàng không được nên chị cằn nhằn và đã bị “ăn” bạt tai vì tội dám mắng chồng. Chị đưa đơn ly dị và anh chồng ý ký đơn. “Lúc ấy tôi lại hoảng, thà hy sinh bản thân còn hơn nuôi con một mình, rồi sớm muộn cũng phải rổ rá cặp lại. Tôi đành xé đơn, cặp kè với chồng vẫn tốt hơn”.

 

Thực tế, đây là một hình thức bạo lực gia đình, bạo lực tinh thần.

Thực hiện hiệu quả bình đẳng giới

 

Bà Vũ Minh Tâm - Trưởng ban Chính sách Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Thọ khẳng định, giải quyết vấn đề bạo lực gia đình không thể làm một ngày, một tháng mà cần thường xuyên. Trong đó, sự tham gia phối hợp của gia đình, cộng đồng đặc biệt là các mô hình Đội can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình, tổ hòa giải, tổ tư vấn, câu lạc bộ... để kịp thời phát hiện sớm và có giải pháp ngăn chặn hành động bạo lực gia đình, tránh gây hậu quả nghiêm trọng. Nhà nước tăng cường hơn nữa thực hiện hiệu quả Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình vì sự tiến bộ, phát triển phụ nữ.

 

Điều đáng lo ngại hiện nay, theo bà Lê Thị Thùy - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên Hiệp Phụ nữ VN) 2/3 phụ nữ bị bạo hành vẫn đang phải sống chung với... bạo hành. Nhiều chị em, bị bạo hành thể xác và tinh thần đã rất nhiều lần tìm cách giải thoát nhưng sự rằng buộc con cái, kinh tế... đã cản trở bước chân của họ. Bởi vậy, việc đầu tư nâng cao trình độ dân trí cũng như thực hiện bình đẳng giới nghiêm túc, hiệu quả góp phần giảm tình trạng bạo lực gia đình.

 

Bạo hành do chồng gây ra nhiều nhất

 

Phòng tư vấn bạo hành gia đình của Bệnh viện Đa Khoa Đức Giang và “Mái nhà bình yên” (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội liên hiệp phụ nữ VN) đã tiếp nhận hàng nghìn lượt chị em đều cầu cứu, trong đó nhiều trường hợp đến 7-8 lần. Điều đáng nói, khoảng 50% số nạn nhân bị bạo hành do chồng gây ra. Số còn lại do anh em nhà chồng, họ hàng nhà chồng.

 

Theo Nông thôn ngày nay